CHO hay CẤM dạy thêm, học sinh vẫn là chiếc đèn cù

12/10/2016 - 06:20

PNO - Thông tin TP.HCM cho phép các trường tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm trở lại khiến ban giám hiệu và giáo viên các trường xôn xao.

Thông tin TP.HCM cho phép các trường tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm (DTHT) trở lại khiến ban giám hiệu và giáo viên (GV) các trường xôn xao. Xôn xao bởi nhiều trường “lỡ bộ” khi đã xin và thậm chí đã được Sở GD-ĐT cho phép chuyển thành trường dạy hai buổi. Điều đáng nói, cả hai mô hình dù là tăng tiết (dạy thêm) truyền thống hay mô hình hai buổi thì học sinh (HS) vẫn bù đầu vì học văn hóa, thay vì được những môn năng khiếu, kỹ năng sinh tồn, giảm stress....

Học sinh chưa bao giờ được giảm tiết học 

Mới đây, Văn phòng Thành ủy TP.HCM ra thông báo: Các trường được tổ chức dạy thêm học thêm (DTHT) nếu người học tự nguyện; không tổ chức DTHT trong nhà trường đối với các trường có HS học hai buổi/ ngày và HS tiểu học; việc dạy thêm trong nhà trường trên cơ sở tự nguyện của HS, phải khảo sát, phân chia lớp học theo cấp độ học lực, trình độ của HS.

Kết luận này nhận được rất nhiều luồng ý kiến, thậm chí còn ầm ĩ hơn cả quyết định dừng DTHT trong nhà trường được ban hành vào tháng 6/2016. Sau khi có quyết định của UBND TP.HCM về việc cấm DTHT trong trường học, nhiều trường THCS và THPT đã kêu than; vì vậy, việc Thành ủy cho phép DTHT trở lại được xem là một sự thành công về “đối ngoại” của các trường. Nhưng về mặt “đối nội” thì cũng cần phải tính lại.

Tạm bỏ qua việc đồng tình hay phản đối của dư luận, đối tượng chính chịu ảnh hưởng của việc cấm hay cho phép DTHT không phải là hiệu trưởng hay GV, mà là HS. Vậy HS có được thay đổi gì khi có lệnh cấm, hay bỏ lệnh cấm DTHT?

Câu trả lời của đại đa số HS là không có gì thay đổi. Bởi ngay sau khi bỏ DTHT trong nhà trường thì các trường nhanh chóng bấu víu vào mô hình dạy hai buổi như một chiếc “phao cứu hộ” để thực hiện dạy tăng tiết. Thời lượng học vẫn y như cũ. Một HS lớp 12 cho biết: “Từ đầu năm đến giờ, lịch học của em cũng trên dưới 40 tiết/ tuần. Ngày học hai ca sáng và chiều, có lúc nào được giảm tiết đâu!”.

CHO hay CAM day them, hoc sinh van la chiec den cu
HS Trường THPT Trưng Vương học buổi hai - Ảnh: Thanh Thanh

Thực tế cho thấy, sau quyết định cấm DTHT từ tháng 6/2016, nhiều trường đã nhanh chân đề nghị được dạy hai buổi để “lấp chỗ trống”. Điều này lý giải vì sao HS chờ hoài vẫn không thấy giảm áp lực học tập.

Đầu năm học 2016- 2017, TP.HCM mới có thêm 17 trường THPT đăng ký dạy hai buổi/ngày, nâng tổng số trường thực hiện dạy - học hai buổi lên hơn 60 trường. Ngoài ra, hơn 20 trường khác cũng đang lập hồ sơ để đăng ký dạy hai buổi.

Vì sao các trường lại mặn mà với mô hình trường “hai buổi” như vậy? Những GV thạo chuyện “bật mí”: Không cho DTHT trong trường thì phải xin chuyển thành trường “hai buổi” để dạy tăng tiết, tất nhiên kèm theo đó là được thu thêm học phí buổi hai một cách chính danh. Thực tế, dạy hai buổi ở các trường chưa đáp ứng đúng ý nghĩa của việc dạy hai buổi, chỉ là một giải pháp để các trường “hợp thức hóa” việc dạy tăng tiết.

Dạy buổi hai cũng chỉ là tăng tiết 

Theo quy định của Bộ GD- ĐT, buổi hai của mô hình trường “hai buổi” là nhằm phụ đạo cho HS yếu, bồi dưỡng HS giỏi; tạo điều kiện dạy và học các môn tự chọn, dạy theo chủ đề nhằm phát huy năng lực của HS. Ngoài ra, ở buổi thứ hai, nhà trường phải tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ, hoạt động tập thể, thể thao và tạo điều kiện để HS tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương…

Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã có công văn hướng dẫn cụ thể hoạt động chuyên môn ở trường trung học dạy học hai buổi/ngày. Theo đó, đối với trường THPT, buổi một dạy không quá năm tiết, buổi hai không quá ba tiết, mỗi tuần học không quá sáu ngày; thời lượng dành cho phụ đạo, bồi dưỡng văn hóa và dạy học văn hóa tự chọn không quá 50% số tiết của buổi thứ hai.

CHO hay CAM day them, hoc sinh van la chiec den cu
Ảnh minh họa

Quy định là vậy, nhưng thời khóa biểu “buổi hai” của hầu hết các trường chủ yếu vẫn tập trung vào việc học tăng tiết, tức là… học thêm. Ngay như các môn được gọi là “tự chọn” thì HS cũng phải chọn một trong những môn học chính khóa để học. Nghĩa là, ngoài số tiết học văn hóa theo quy định cho buổi hai (khoảng tám-chín tiết), số giờ còn lại chủ yếu cũng dành cho việc học văn hóa.

Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú) là một trong số những trường vừa chuyển đổi sang dạy hai buổi/ngày. Thời khóa biểu buổi hai (buổi chiều) của một lớp 12 tại trường này tập trung vào ba buổi chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, mỗi buổi ba tiết với các môn văn hóa như văn, toán, ngoại ngữ.

Ban giám hiệu trường này lý giải: lịch học trên là đúng theo quy định. Ba buổi chiều còn lại dành cho các tiết học tự chọn, học theo chủ đề, bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS yếu…

Ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phong cho rằng: “Bộ GD-ĐT quy định dạy buổi hai không quá 18 tiết/tuần, trong đó thời lượng để dạy các môn văn hóa không quá 50% số tiết này, nghĩa là mỗi tuần trường chỉ được phép dạy văn hóa không quá chín tiết. Với thời lượng học này, phụ huynh cho rằng không đủ để đảm bảo cho HS ở các kỳ thi nên đã kiến nghị trường tăng số tiết học thêm ba-bốn tiết/tuần tùy theo khối lớp và trường phải “bổ sung” thêm ba-bốn tiết học vào chương trình học buổi hai”.

Dù chưa được phép triển khai, nhưng dự đoán “buổi hai” của trường THPT Ngô Gia Tự cũng dùng để dạy tăng tiết. Ông Trương Quang Dũng, hiệu trưởng nhà trường nói: “Khó có trường nào chuẩn bị đầy đủ trước khi thực hiện, chủ yếu vừa làm vừa “xoay”.

Các vị quản lý ngành giáo dục đưa ra ba điều kiện cơ bản để hoạt động công lập hai buổi gồm: cơ sở vật chất, sự đồng ý của phụ huynh và được sự cho phép của Sở. Nhưng khó khăn thực sự lại nằm ở vấn đề nhân lực. Việc bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS yếu thì trường có thể tận dụng GV trong trường để “tăng ca”. Còn dạy các môn thể thao, nghệ thuật, kỹ năng sống… thì trường biết kiếm đâu ra GV?”.

Những lý do mà các trường nại ra để không thực hiện đúng tinh thần của trường “hai buổi” là không có GV, không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, do áp lực phải tăng tiết của phụ huynh…

Thế nhưng, như giáo sư Phạm Phụ từng nói: ở Hoa Kỳ, khó khăn lớn nhất trong việc đổi mới giáo dục là ở sức ì của đội ngũ GV, của giới lãnh đạo các trường. Điều này dường như đang ứng với Việt Nam khi cả GV và lãnh đạo các trường đều không muốn thay đổi thói quen giảng dạy và chỉ dạy cho học trò những gì mình có.

Người lãnh đạo không có tư duy đổi mới hoặc không đủ quyết tâm để đổi mới giáo dục theo cách dạy học chuyên đề, dạy học theo hướng tự chọn, đưa các hoạt động thể dục thể thao, âm nhạc, mỹ thuật… vào học đường để giúp HS phát huy năng khiếu và sở trường thay cho việc nhồi nhét.

Một GV nhiều năm làm công tác Đội trong trường học còn cho rằng, HS đang rất thiếu và rất cần được rèn luyện các thứ kỹ năng để biết ứng phó với các tình huống trong cuộc sống, nhưng việc dạy người dường như vẫn chưa được các trường xem trọng.

Khi xuống nước, các em không biết bơi, rơi vào đám cháy hay bị người khác xâm hại, các em không biết cách để thoát thân… thì hậu quả sẽ rất khó lường. “Việc nhồi nhét thật nhiều kiến thức khoa học cho các em liệu có ích gì khi nhỡ không may gặp những tình huống như vậy”, vị GV này trăn trở.

Nhật - Hà - Triều 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI