Chó cắn chết người, bao giờ chấm dứt?

27/03/2021 - 08:03

PNO - Chỉ trong hai ngày 18 và 19/3, tại Hà Nội xảy ra hai trường hợp chó cắn gây hậu quả thương tâm, bé chín tuổi bị cắn nát vùng kín và cụ bà 87 tuổi phải cắt cụt tay. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, từ đầu tháng Ba đến nay có năm người bị bệnh dại được đưa đến cứu chữa nhưng vô vọng.

Đội bắt chó Q.1, TP.HCM “ra quân” bắt chó thả rông, không rọ mõm
Đội bắt chó Q.1, TP.HCM “ra quân” bắt chó thả rông, không rọ mõm

Mỗi năm có 70-110 người tử vong vì bệnh dại

23 giờ ngày 22/3, người mẹ đau khổ đưa N.Đ.H., 18 tuổi, từ Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Trước đó ba ngày, H. - cậu học sinh lớp 12, sống tại H.Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk, xuất hiện cảm giác sợ nước, sợ gió. Vài ngày sau, H. được đưa vào Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên khi đang lên cơn dại. 

Chuyến xe chuyển viện đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM gần như là thủ tục cuối cùng để xác định vi-rút dại có trong nước bọt của H. Rạng sáng 23/3, người mẹ bật khóc đưa con trai trở về quê vì không thể cứu chữa được nữa. Mẹ của H. nói rằng, con trai bà khi sang nhà hàng xóm chơi đã bị chó cắn vào tay. Vết cắn nhỏ xíu nên không ai quan tâm. Hai ngày sau, con chó nhà hàng xóm chết. Cũng không ai mảy may lo lắng. H. cũng không đi tiêm ngừa bệnh dại. Một tháng sau, H. lên cơn dại. 

Sợ nước, gió, ánh sáng, tiếng động… là những thời khắc kinh hoàng mà người bệnh dại trải qua lúc cuối đời, đến lúc đó, những người trong ngành y ám ảnh, bởi sẽ không có phép mầu nào xảy ra. Bác sĩ Phan Vĩnh Thọ, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bần thần nói: “Bác sĩ chỉ có thể giúp người bệnh dại giảm bớt cơn kích động, giúp an thần, giảm đau nhưng vẫn không thể cứu sống họ được. Đây là cái chết rất thương tâm vì người bệnh biết rõ mình sắp chết. Sau những cơn kích động hoảng loạn cực độ, họ sẽ chết vì suy hô hấp, suy tuần hoàn”. 

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM có mười người bệnh dại nhập viện, riêng tháng Ba có đến năm ca. Có trường hợp, một gia đình ba người ở tỉnh Cà Mau cùng nhập viện do chó dại cắn và cả ba đều không thể cứu sống. Theo bác sĩ Phan Vĩnh Thọ, hiện chưa có nghiên cứu nào về mối liên quan giữa trời nắng nóng và chó dễ mắc bệnh dại. Nhưng khả năng do mùa này là thời điểm chó phát dục nên hung dữ và chạy rông nhiều hơn. 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tại Việt Nam, mười năm qua, mỗi năm có khoảng 70-110 người tử vong vì bệnh dại. 

BS Phan Vĩnh Thọ - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM kiểm tra sức khỏe một bệnh nhân đang thở máy
BS Phan Vĩnh Thọ - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM kiểm tra sức khỏe một bệnh nhân đang thở máy

Đội bắt chó chạy rong bị những người quá khích hành hung 

Dưới góc độ tâm lý, chuyên gia Vương Nguyễn Toàn Thiện, Đơn vị Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng thành phố (TP.HCM), phân tích: một số trẻ bị chó cắn rách mặt, đứt môi… sẽ bị rối loạn sau sang chấn như căng thẳng, sợ hãi, ám ảnh. Ngoài ra, trẻ có thể giật mình, rối loạn giấc ngủ, thu mình, có hành vi mất kiểm soát, đái dầm, cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, giận dữ, xấu hổ… kéo dài và gây ảnh hưởng đến cuộc sống, nhất là học tập.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Nhi Đồng 1, trăn trở: dù được nuôi dưỡng nhưng bản tính hung dữ nên nhiều trẻ bị chó cắn phải nhập viện với gò má bị lóc thịt, đứt rời đầu mũi hoặc tổn thương mắt… ảnh hưởng đến chức năng sống, thẩm mỹ và tâm lý của trẻ. Ba lý do thường khiến chó tấn công trẻ nhiều nhất được ghi nhận là khi chó đang ăn, đang ngủ hoặc đang cho bú. Nhiều trường hợp, “hung thủ” tấn công trẻ em chính là những loài chó lang thang, thả rông hoặc chó nhà hàng xóm không rọ mõm.

Từ năm 2018, đội bắt chó thả rông thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM không còn; việc bắt chó thả rông phân về các quận, huyện trực thuộc đội quản lý trật tự đô thị. Tuy nhiên, chỉ có vài quận duy trì do gặp nhiều khó khăn do công việc tại địa phương rất nhiều. Việc thành lập đội bắt chó thả rông ở quận, huyện khá tốn kém về nhân lực vì phải có chuồng, trại để nhốt chó, xe chuyên dùng… chưa kể quy định sau 72 giờ, nếu chủ không đóng phạt, chó sẽ bị tiêu hủy. 

Ngoài ra, việc bắt chó thả rông đòi hỏi kỹ thuật nhưng không phải ai cũng đạt yêu cầu. Nhiều thành viên trong đội bắt chó thả rông cũng tìm sinh kế riêng cho mình vì “làm cái nghề gì mà ai cũng chửi”, ông V., nhân viên cũ của đội bắt chó thuộc Chi cục Thú y TP.HCM ngậm ngùi.

Ông Dương Thanh Đa, nguyên Đội trưởng Đội bắt chó thả rông thuộc Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết: “Làm nghề này, có người hiểu thì ủng hộ, nhưng không ít người phản ứng quá mạnh, xảy ra xô xát khi bị bắt mất thú cưng, khiến đồng nghiệp của tôi bị thương. Riêng giai đoạn năm 2005-2009, cứ một hai hôm lại xảy ra va chạm giữa thành viên đội với người dân”.

Còn ông V., nay chuyển sang làm bảo vệ trường học, chia sẻ: “Có lần bắt chó thả rông ở H.Nhà Bè, chúng tôi đang làm nhiệm vụ thì người dân trong khu vực ào ra cầm gạch đá, gậy gộc hoặc có gì trên tay là ném vào thành viên của đội, khiến anh em bị thương tích nặng, phải nhờ công an xã, công an huyện mới thoát được”.

Hiếu Nguyễn - Trường Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI