Chỉ thấy nói, sao không làm?

20/04/2015 - 04:03

PNO - PN - Ngày 13/4, Đà Nẵng đã lắp đặt thành công biểu tượng “Cá chép hóa rồng” thuộc dự án “Bến du thuyền và Câu lạc bộ thể thao dưới nước TP. Đà Nẵng” tại bến du thuyền DHC - Marina thuộc bờ Đông sông Hàn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Người ta thuyết minh: Phần đầu cá hóa rồng được lấy ý tưởng hình ảnh rồng thời Lý - một trong những thời kỳ thịnh vượng nhất của lịch sử Việt Nam. Đuôi cá được điêu khắc nghệ thuật từ hình ảnh cách điệu hai bàn tay đặt đối xứng, mang ý nghĩa hòa bình, thịnh vượng, đoàn kết.

“Cá chép hóa rồng” hướng ra mặt sông, đế cao 4,3m, tượng cao 7,5m đúc từ năm khối đá cẩm thạch trắng tự nhiên. Tổng khối lượng đá của biểu tượng gần 200 tấn, riêng phần đầu rồng đã lên đến hàng chục tấn. Lại một kỳ vọng được gửi gắm cho du lịch ở đây, là sẽ đưa những du thuyền đẳng cấp trở nên gần gũi.

Con cá chép đầu rồng nhà Lý đã được dựng tượng, nhưng ngó lại, cách đó vài cây số, làng đá mỹ nghệ Non Nước, nơi sinh ra nghê, rồng, sư tử, thì những linh vật thuần Việt có từ thời Lý đến triều Nguyễn lại đang chờ ngày khai sinh trong phập phồng âu lo của những người thợ.

Các nghệ nhân tại đây than thở: cuối năm 2014, một cuộc triển lãm rầm rộ về sáng tác sư tử, nghê, gọi chung là linh vật Việt tại Đà Nẵng được Bộ VH-TT-DL và Đà Nẵng phối hợp tổ chức. Ban tổ chức đã đưa ra lời hẹn: Sau khi triển lãm, các nghệ nhân sẽ chế tác linh vật Việt, cơ quan chức năng chọn tác phẩm tốt nhất làm mô hình sản xuất và nghệ nhân sẽ được hỗ trợ kinh phí.

Thế nhưng đến nay, kinh phí đang còn nằm đâu đó. Những người thợ đá vì nhu cầu áo cơm, không thể không làm và như thế, linh vật ngoại vẫn tiếp tục ra lò vì có người mua.

Chi thay noi, sao khong lam?

Cũng cuối năm 2014, Bộ VH-TT-DL có công văn yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật ngoại và hứa đến tháng 7/2015 sẽ xử lý quyết liệt linh vật ngoại tại các di tích, công sở. Làng nghề đá Non Nước lao đao. Nhưng rồi, ai nói cứ nói, ai làm cứ làm. Lãnh đạo sở VH-TT-DL Đà Nẵng cho hay do thiếu kinh phí nên chưa triển khai được.

Đến đây xuất hiện câu hỏi: Anh yêu cầu người ta không sử dụng loại này, thì loại thay thế ở đâu? Không chuẩn bị trước, hay chuẩn bị nửa vời, cháy đâu chữa đó vì sức ép dư luận, xoa dịu bằng công văn và triển lãm, còn thực tế đời sống và nhu cầu người dân thì tính sau. Những người thợ đá Non Nước không thiếu lòng tự trọng khi họ nói hãy cho chúng tôi mẫu và hỗ trợ kinh phí, chúng tôi sẽ làm ngay linh vật Việt, bởi chẳng hay ho chi mà đi chế tác phục dựng biểu tượng văn hóa của người ta.

Thêm một câu hỏi nữa dành cho Bộ VH-TT-DL: Những người thợ làng nghề đá Non Nước lo lắng, là nếu sản xuất linh vật Việt mà người mua thấy lạ lẫm vì lâu nay họ có biết có thấy đâu, họ quay lưng, thì bán cho ai? Ai sẽ chia sẻ khó khăn này với người chế tác? Muốn cổ xúy, khuyến khích dùng linh vật Việt, thì phải phổ cập kiến thức cho người dân, nhưng thấy có ai làm đâu. Cá hóa rồng, còn rồng thì sao khó sinh quá!

 TRUNG VIỆT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI