Thạc sĩ Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) - đã có gần 20 năm thực hiện các hoạt động trợ giúp bệnh nhân và thân nhân của họ. Anh cho rằng, minh bạch là chìa khóa để hoạt động này hiệu quả và bền vững.

Phóng viên: Các hoạt động hỗ trợ bệnh nhân và thân nhân người bệnh của Bệnh viện Chợ Rẫy rất đa dạng, kịp thời. Trong vai trò của mình, ông đã làm gì để có được điều đó?
Thạc sĩ Lê Minh Hiển: Trong những dịp chia sẻ kinh nghiệm về công tác xã hội (CTXH) với các lớp CTXH bệnh viện, tôi luôn nhấn mạnh, tính minh bạch phải được đặt lên hàng đầu. Minh bạch là chìa khóa để xây dựng uy tín lâu dài với các nhà hảo tâm. Nếu không minh bạch, được hỗ trợ nhiều hay ít chỉ là may mắn nhất thời mà thôi.
Ví dụ, có người làm ăn thuận lợi, phát tâm đến Bệnh viện Chợ Rẫy tặng quà, tặng chi phí chữa bệnh cho bệnh nhân, nếu phía bệnh viện cho họ thấy rõ số tiền, quà đó được sử dụng đúng mục đích, người đó sẽ tiếp tục quay lại giúp đỡ nhiều bệnh nhân khác.
* Ai cũng nhắc tới sự minh bạch, nhưng làm sao để thực sự có nó, thưa ông?
- Từ năm 2008, khi Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập phòng CTXH, chúng tôi bắt đầu xây dựng 2 quy trình, gồm tiếp nhận và sử dụng tiền hỗ trợ. Trong quy trình tiếp nhận, nhà hảo tâm có 2 cách hỗ trợ: chuyển tiền vào tài khoản của bệnh viện hoặc mang tiền mặt, nhu yếu phẩm đến tặng trực tiếp cho bệnh nhân.
Với mỗi trường hợp, nhân viên phòng CTXH gửi thư cảm ơn đến nhà hảo tâm, trong thư nêu rõ số tiền, nhu yếu phẩm nhận được, mức hỗ trợ theo tuần, tháng; bệnh viện cũng đăng thông tin này lên website, mạng xã hội Facebook. Phòng CTXH không giữ tiền hỗ trợ hay quản lý độc lập mà có sự phối hợp với phòng tài chính, ban giám đốc bệnh viện.
Bằng quy trình này, số nhà hảo tâm đến với phòng CTXH tăng lên hằng năm.
Hiện nay, chúng tôi không chỉ lo viện phí cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn mà còn có nhiều hoạt động như cung cấp suất ăn miễn phí mỗi ngày qua “Bếp yêu thương”, xây dựng nhà nghỉ đầy đủ tiện nghi dành cho thân nhân người bệnh. Riêng năm 2024, chúng tôi đã hỗ trợ 2.200 lượt bệnh nhân với tổng chi phí hơn 8 tỉ đồng do các nhà hảo tâm đóng góp.
* Với số lượng bệnh nhân khám và điều trị quá lớn, làm sao để giúp đúng người và bình đẳng?
- Để hỗ trợ đúng người, phòng CTXH yêu cầu các khoa, phòng có tờ trình về bệnh lý, kế hoạch điều trị, dự kiến chi phí, có xác nhận của trưởng phòng, khoa. Chúng tôi cũng hướng dẫn người bệnh làm giấy xác nhận (của chính quyền địa phương) hộ nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn, để tránh tình trạng nhân viên y tế đưa người nhà (không có khó khăn tài chính) vào diện được hỗ trợ.
Sau khi có đủ hồ sơ trên, nhân viên phòng CTXH xác minh thêm lần nữa rồi mới liên hệ nhà hảo tâm để xin hỗ trợ. Có các giấy tờ này, chúng tôi mới có cơ sở trình bày với nhà hảo tâm và họ cũng tin tưởng, yên tâm khi giúp. Chúng tôi từng hỗ trợ khoản chi phí sau bảo hiểm khoảng 1,6 tỉ đồng cho một bệnh nhân điều trị lâu năm.
* Có khi nào ông bị phản ứng, cho rằng ông quá hà khắc hoặc ăn chặn tiền từ thiện?
- Tình huống này là không thể tránh khỏi. Có lần, chúng tôi xin tiền phẫu thuật cho một bệnh nhân bị u bướu nặng, tiền đã có nhưng khi hội chẩn trước ca mổ, bác sĩ nhận định nguy cơ tử vong hơn 90% nên không mổ mà tìm phương án khác. Chúng tôi quyết định hoàn 50 triệu đồng cho nhà hảo tâm nhưng thân nhân người bệnh biết tin liền gây áp lực, la ó, đòi nhận số tiền này. Chúng tôi chỉ cố gắng giải thích chứ không thể đưa họ chi phí ca mổ khi ca mổ không diễn ra.
Với trường hợp bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh nhưng số tiền hỗ trợ dư nhiều, chúng tôi sẽ liên hệ với nhà hảo tâm để họ quyết định dùng số tiền dư này cho người bệnh mang về hay để dành giúp các hoàn cảnh khác.
Tôi cũng không ngại trình bày với thân nhân người bệnh để họ chia sẻ một phần khoản tiền dư đó cho bệnh nhân khác. Ban đầu, vẫn có người nghĩ tôi xin để trục lợi nhưng sau khi nghe tôi giải thích, hầu hết họ trích tiền hỗ trợ cho những bệnh nhân khác.
Trong quy trình thu chi, khi một bệnh nhân đủ điều kiện để được hỗ trợ viện phí, phòng CTXH đề xuất Ban giám đốc bệnh viện duyệt ký để phòng tài chính chuyển tiền thanh toán viện phí rồi đưa biên nhận thanh toán cho bệnh nhân, hoặc để mạnh thường quân trao trực tiếp cho người bệnh. Phòng CTXH không trực tiếp giữ tiền nên không thể ăn chặn được.
Người dùng mạng xã hội có thể công kích chúng tôi nhưng tôi chỉ sợ nhà hảo tâm, bệnh nhân không chịu nghe tôi giải thích. Nếu nghe ra, họ sẽ hiểu.
* Hiện nay, có rất nhiều cá nhân, tổ chức - trong đó có cả đối tượng mạo danh bác sĩ, bệnh viện, người nhà bệnh nhân - kêu gọi hỗ trợ. Theo ông, làm sao để nhà hảo tâm phân biệt được thật, giả để giúp đúng người, đúng việc?
- Riêng với Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi không can thiệp vào việc cá nhân kêu gọi trên mạng xã hội, nhưng nhân viên phòng CTXH sẽ rà soát xem bệnh nhân được nhắc đến có đang điều trị ở bệnh viện này không.
Nếu có, chúng tôi sẽ làm việc với khoa điều trị và thân nhân để tìm cách hỗ trợ, nếu có sự giả mạo thì báo cáo ban giám đốc và công khai phản hồi để cảnh báo với các nhà hảo tâm. Đáng mừng là nhiều nhà hảo tâm đã chủ động báo với phòng CTXH, giúp chúng tôi kịp thời xác minh, tố giác hành vi lừa đảo.
Tuy nhiên, chúng tôi không thể rà soát hết mọi trường hợp, nên rất mong mọi người chậm lại một chút trước mỗi hoàn cảnh được chia sẻ, kêu gọi hỗ trợ. Trước khi muốn giúp, cần kiểm tra thông tin bệnh nhân, kế hoạch điều trị, số tài khoản. Chỉ khi làm đúng, lòng tốt mới phát huy tác dụng và không bị lợi dụng.
Phạm An (thực hiện)