Chị A về làm “người thường”

13/01/2020 - 16:34

PNO - Sau cơn bạo bệnh, chị A trở lại với cuộc đời...

Khoảng chục ngày nữa là Tết, chị A lên lịch đi thăm các nhà. Cách đây 3 năm, chị mắc bệnh nan y, rồi may qua khỏi, nhờ thuốc men và nhờ rất nhiều vào nghị lực.

Trong năm đầu, chị A gần như là một “diễn giả” về chủ đề này ở mọi cuộc gặp mặt. Chị kể lại kinh nghiệm nghĩ lạc quan (“để cơ thể nó tiết các hóa chất lạc quan mà chống lại tế bào xấu ấy mà!”), chị kể lại việc chuẩn bị di chúc, ảnh thờ… đâu ra đó, bình thản nhìn vào điều xấu nhất.

Đến năm thứ hai, chị A mạnh khỏe hơn, bắt đầu tham gia từ thiện. Chị bảo, đã vượt qua cái chết rồi thì không thấy tiếc gì vật chất nữa. Ở đâu có khó khăn, ở đó có chị. Chị như một á thánh trong khu.

Đến năm thứ ba, chị A xinh đẹp trở lại, đã bắt đầu may sắm nhiều hơn, và bắt đầu trở lại làm “người thường”, tức bắt đầu chê bai, so bì với các chị khác cùng đội đi làm từ thiện.

***

Lần này đi chúc tết các nhà, chị A diện áo dài mới, dù trời rất nóng. Bước vào nhà nào, sau hai ba câu chào hỏi là chị chuyển sang phần bình luận về gia chủ. Chị bảo bác B: “Anh dạo này tăng cân quá đấy nhé! Coi chừng mỡ máu!”. Chị hỏi cô C: “Em xem gan có nóng không mà da mặt không mịn như năm ngoái”. Chị bảo bà D: “Cô phải tẩm bổ vào, ốm quá đấy. Đã đi khám chưa?”…

Chị A về rồi, bác B lén vào nhà tắm, vén áo lên soi gương xem bụng mình có mỡ quá không; cô C cũng lao ngay đến cái gương, thấy da mặt mình như đang dày lên, sần sùi; bà D thì bần thần leo lên cái cân, quả là có sụt đi bảy lạng… Ai sau đó cũng chuyển sự thắc mắc “mập quá không, ốm quá không, nhiều mụn quá không” của mình cho người thân. Trong phút chốc, chị A trở thành kẻ đáng ghét đối với các gia đình chị đến thăm, nhận về bao nhiêu là tính từ, nào là “vô duyên”, “lắm chuyện”, “lo thân mình không lo”… dĩ nhiên là sau lưng chị.

Trên đường về, anh A nghĩ mãi mới dám bảo vợ: “Lần sau đến nhà người ta, đừng nói chuyện, làm người ta lo…” Chị A ngồi sau xe, qua lần khẩu trang gắt rõ ràng như thủ trưởng: “Gớm, anh đến tầm này rồi còn ke re sợ này sợ nọ. Mình phải nói để người ta biết mà bảo vệ sức khỏe. Anh nghe thấy chướng, lần sau anh cứ ở nhà”.

Anh A, cũng sau lần khẩu trang, câm nín. Anh không biết người ta lúc nào là hay hơn, đẹp hơn - lúc thập tử nhất sinh, xanh xao tóc rụng mà nói năng biết điều, khiêm tốn; hay lúc mạnh khỏe, xinh đẹp, nói những lời đanh thép đến mấy xe đi bên cạnh cũng còn nghe?

Mạch Nha

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI