Cẩn thận với thần dược trong mùa thi

18/04/2018 - 07:40

PNO - Mới đây, một nam sinh trường THPT Nguyễn Khuyến tự tử, để lại thư tuyệt mệnh với nội dung là đã chịu quá nhiều áp lực trong học tập... Đây không phải là trường hợp đầu tiên gánh hậu quả này.

Thực tế mỗi lần tới mùa thi, các phòng mạch, hiệu thuốc cũng tấp nập bệnh nhân là học sinh. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, chuyên khoa Tâm thần - Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM, về vấn nạn này. 

Phóng viên: Làm sao để nhận biết các dấu hiệu não bộ trẻ bị quá tải do học hành, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang: Khi việc học hành trở nên quá tải, các em sẽ có biểu hiện của stress như: khó ngủ và khó thức dậy vào buổi sáng, luôn than mệt mỏi, đau nhức một vài nơi trên cơ thể, hay quên một vài chi tiết vụn vặt. Ngoài ra, một số em còn có biểu hiện chán ăn, lười hoạt động, hay lo lắng và dễ cáu gắt, hay hồi hộp, tim đập nhanh; có cháu nhức đầu hoặc đau nửa đầu, mắt nhìn mờ, thậm chí hoa mắt, choáng váng.

Can than voi than duoc trong mua thi
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang đang tư vấn cho trường hợp stress vì áp lực thi cử - Ảnh: Thanh Huyền

* Dưới góc độ điều trị, bác sĩ thấy phụ huynh thường phản ứng ra sao khi trẻ có những dấu hiệu trên và điều gì cần cảnh báo?

 - Điều đáng lưu ý, khi trẻ đang ôn thi mà có những biểu hiện trên, thay vì giúp con giải quyết stress, nhiều phụ huynh lại lùng mua thuốc bổ não, các sản phẩm như nước tăng lực với hy vọng cải thiện “sức bền của não” cho con. Mới đây, một nữ sinh chuẩn bị thi học kỳ II, được mẹ đưa tới bệnh viện khám vì có biểu hiện rối loạn lo âu.

Tuy nhiên, tôi thấy cháu bị chấn thương và phải băng bó, có cả những vết xây xát ở tay chân. Bé kể bị tai nạn giao thông khi đang lái xe đạp điện nhưng đầu óc chếnh choáng, mất thăng bằng và tự ngã. Lúc này, người mẹ mới cho biết đã cho bé uống thuốc tuần hoàn não theo quảng cáo ở tiệm thuốc tây. Mục đích là để tăng cường trí nhớ vì bé chuẩn bị thi học kỳ. 

Thực chất, thuốc tuần hoàn não làm thay đổi nồng độ chất trung gian thần kinh trung ương. Khi uống uống vào, trẻ có thể gặp các tác dụng phụ như chếnh choáng, mất cân bằng. Điều đáng nói là nhiều phụ huynh đang xem thuốc này là vị cứu tinh của mùa thi. Đây lại là thuốc không cần kê đơn, cứ tự ra tiệm thuốc là mua được.

* Theo bác sĩ, khi trẻ có các dấu hiệu stress vì ôn luyện quá độ, phụ huynh nên có cách can thiệp vào chế độ sinh hoạt của con như thế nào để bé bình thản vượt qua thi cử?

- Trong các kỳ thi, chẳng riêng học sinh bị stress mà ngay cả phụ huynh cũng stress. Đôi khi phụ huynh lo lắng quá cũng “lây” sang các em. Ngay cả việc mua thuốc bổ não cho các em uống cũng là một hành động phụ huynh tự trấn an bản thân. Tốt nhất là chúng ta cần giúp trẻ điều chỉnh chế độ sinh hoạt hợp lý nếu thấy các biểu hiện của stress: 

- Ngủ đủ giấc (6-8 giờ/ngày) là tối quan trọng. Chỗ ngủ phải yên tĩnh, thoáng. Không nên ôn bài, sắp đặt công việc ngày hôm sau liền trước khi ngủ. Nên giữ cho đầu óc trống rỗng để ngủ có giấc sâu không mộng mị và thức giấc giữa khuya.

- Nằm nhiều trên giường khi mệt mỏi, uể oải thì nên đi lại, thư giãn hít thở để tránh cơ thể bị sức ỳ. Nên điều chỉnh nhịp thở, thở đều và sâu khi bất chợt có lo lắng ập đến. 

- Động viên trẻ chia sẻ áp lực nếu có, để nhận lời khuyên và được giải tỏa kịp thời.

- Hãy tạo niềm tin và thúc đẩy tinh thần cho trẻ, đừng nhấn mạnh điểm số khi thi cử.

- Gia đình không nên đưa ra những lời hứa hẹn dễ gây ảo tưởng, kỳ vọng và phân tâm cho các em. Phụ huynh cũng đừng trách cứ khi kết quả học tập của con không tốt, mà hãy chấp nhận điều đó, giúp con đánh giá chính xác khả năng, từ đó tìm giải pháp tháo gỡ.

Hãy nhận ra rằng, đôi khi con trẻ có những điểm mạnh khác nhau. Cạnh tranh trong học tập giữa bạn bè có thể rất áp lực hoặc việc học môn nào đó rất khó khăn. Song khi học lên các lớp cao hơn, nhiều trẻ sẽ thấy rằng, các môn học mà trước đây rất khó bây giờ lại rất bình thường.

*Xin cảm ơn bác sĩ. 

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc - lưu ý, những nhóm thức ăn tốt cho trí nhớ được khuyên dùng trong mùa thi cử là: lòng đỏ trứng, xúp lơ, đậu nành, bắp cải, đậu phộng (chứa nhiều cholin); táo, lê, bông cải xanh (nhiều boron); tôm, cà chua (selen, lycopen); bí đỏ (a-xít glutamic). Các loại vitamin nhóm B (có nhiều trong ngũ cốc, rau củ), vitamin C (trong rau, trái cây), chất sắt (thịt, gan, trứng, huyết…), kẽm (hàu, thịt bò, thịt cóc, cá, trứng), magiê (thịt, trứng), i-ốt (muối i-ốt), các a-xít béo thiết yếu (dầu thực vật, mỡ cá)… đều có tác động trực tiếp đến hiệu suất học hành thi cử. Ngoài ra, trong cá ba sa, cá thu, cá ngừ, cá hồi… cũng có nhiều chất bổ não DHA, ARA…

Thanh Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI