Cần chính sách “vượt tiền lệ” để cứu doanh nghiệp

02/06/2023 - 06:43

PNO - Trong ngày 31/5 và sáng 1/6, ở phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về kinh tế - xã hội, các đại biểu đã đề xuất những giải pháp để cứu nguy cho các doanh nghiệp trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh quá khó khăn.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần cấp thiết có các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua tình hình khó khăn hiện nay (trong ảnh: Hoạt động sản xuất ở nhà máy Tôn Đông Á) ẢNH: NGUYÊN MẠNH
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần cấp thiết có các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua tình hình khó khăn hiện nay (trong ảnh: Hoạt động sản xuất ở nhà máy Tôn Đông Á) - Ảnh: Nguyên Mạnh

77.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường 

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (tỉnh Quảng Trị), các kết quả đạt được trong năm 2022 rất đáng phấn khởi nhưng tới đầu năm 2023 lại rất đáng quan ngại. Tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trong quý I/2023 chỉ 3,32% trong khi quý I/2022 là 5,03%. Nhiều địa phương có vị trí quan trọng trong bản đồ kinh tế đất nước lại sụt giảm tăng trưởng, có địa phương tăng trưởng âm. Nguyên nhân chính là do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí đang thoi thóp.

Cũng theo ông, trong quý I/2023, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể tăng lên. Nhiều doanh nghiệp nội địa đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản hoặc bị thâu tóm. Ông cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn là do “vòng kim cô” các quy định pháp luật - chẳng hạn như phòng cháy, chữa cháy - ngày càng siết chặt. Đặc biệt, doanh nghiệp rất “khát” vốn để phục hồi phát triển nhưng rất khó tiếp cận. Gói tín dụng ưu đãi giảm lãi suất 2% không thực sự hấp dẫn và rườm rà về thủ tục, khó tiếp cận.

Đại biểu Trần Thị Hiền (tỉnh Hà Nam) quan ngại về con số 77.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2023. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường và rút khỏi thị trường tương đương nhau là điều chưa từng thấy. Đáng lưu ý là, doanh nghiệp rút khỏi thị trường ngay từ những tháng đầu năm - thời điểm mà thông thường, doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh. 

Theo bà, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải quan tâm hiện tượng này, cần có chỉ đạo đánh giá, phân tích thấu đáo hơn. Trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn, đối mặt với những biến động khó lường, Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi căn cơ hơn nữa về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất thay cho những chính sách hỗ trợ mang tính tạm thời, chưa đủ sức tạo đà phục hồi cho doanh nghiệp.

Đề xuất giảm hơn nữa thuế giá trị gia tăng 

Chính phủ đã trình Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chương trình giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% với các mặt hàng, trừ viễn thông, bất động sản, ngân hàng. Tuy nhiên, đại biểu Tô Ái Vang (tỉnh Sóc Trăng) kiến nghị nên xem xét, giảm VAT từ 10% xuống còn 6 - 7%. Theo bà, việc giảm gánh nặng về thuế sẽ thu hút đầu tư, khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua.

Trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 2,6 tỉ USD, giảm khoảng 36% so với cùng kỳ năm 2022  (trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu ở Công ty cổ phần Thủy sản Nam Việt - An Giang) - Ảnh: Huỳnh Lợi
Trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 2,6 tỉ USD, giảm khoảng 36% so với cùng kỳ năm 2022 (trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu ở Công ty cổ phần Thủy sản Nam Việt - An Giang) - Ảnh: Huỳnh Lợi

Bà cũng mong muốn việc giảm VAT sẽ kéo dài đến hết năm 2024 bởi các cuộc khủng hoảng địa chính trị, năng lượng, đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trên thế giới đang khiến lượng đơn hàng giảm mạnh. Việc kéo dài thời gian giảm VAT giúp chính sách này mang tính bền vững, lâu dài, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng các phương án kinh doanh ổn định.

Đại biểu Trịnh Xuân An (tỉnh Đồng Nai) đề xuất, Chính phủ cần có những giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp. Theo ông, doanh nghiệp đang đối mặt với 4 thách thức là thiếu hụt đơn hàng, tắc nghẽn dòng vốn, thể chế không đầy đủ, thủ tục hành chính bủa vây: “Nhìn vào những con số, ta thấy hệ thống doanh nghiệp đang thực sự “khát vốn” nhưng không tiếp cận được vốn; nếu tiếp cận được thì rất khó được giải ngân do điều kiện vay và thủ tục vay”.

Đánh giá cao việc Chính phủ dùng cả mệnh lệnh hành chính để yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhưng ông cho rằng, lãi suất vẫn còn cao, việc vay được vốn và đưa vào sản xuất, kinh doanh còn quá khó: “Cần phải thay đổi văn hóa doanh nghiệp phải đi xin, đi “chạy”. Những việc cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, các bộ, ngành. Đừng để đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp đã phá sản”. Cũng theo ông, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cần bớt kiểm tra, thanh tra để doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh thay vì phải tập trung báo cáo, giải trình. 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhận định: Ngân hàng Nhà nước đã tuân thủ mục tiêu chính sách tiền tệ, ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đến thời điểm này, khi lạm phát được kiểm soát tốt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) xuống mức 3,5%, cần nhanh chóng hạ lãi suất. Các ngân hàng cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay để đồng hành với doanh nghiệp. Ông nói: “Ngân hàng thương mại phải hy sinh lợi nhuận của mình, mạnh dạn cắt giảm lãi suất nhiều hơn để hỗ trợ doanh nghiệp”. 

Minh Quang

Đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, năm 2021, chúng ta đã giảm thuế 132.400 tỉ đồng; năm 2022, giảm và gia hạn 200.300 tỉ đồng; năm 2023, dự kiến miễn giảm thuế 195.400 tỉ đồng. Ngoài ra, trong năm 2022, Chính phủ cũng có nhiều chính sách khác hỗ trợ doanh nghiệp, như giảm VAT xuống 8%, giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, thiết kế gói kích cầu 347.000 tỉ đồng, trong đó có 176.000 tỉ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Liên quan tới vấn đề tồn dư ngân quỹ nhà nước gửi ngân hàng hơn 1 triệu tỉ đồng, có đại biểu Quốc hội hỏi tại sao không dùng vào việc khác như hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp. Hiện nay, tồn dư ngân sách là 1,043 triệu tỉ đồng; trong đó, số tiền gửi Ngân hàng Nhà nước là 895.000 tỉ đồng, lãi suất 0,8%/năm, tiền gửi ngắn hạn ở ngân hàng thương mại là 130 tỉ đồng, là nguồn tiền nhàn rỗi tạm thời đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn. Số tiền này đã có nhiệm vụ chi chi tiết nhưng chưa giải ngân hết, không phải là nguồn để phân bổ vào việc khác.

Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính

Doanh nghiệp đủ điều kiện thì phải được duyệt vay

Giảm lãi suất cho vay là mong muốn của doanh nghiệp từ trước tới nay. Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước cũng mong muốn điều đó. Tuy nhiên, điều hành lãi suất thì cần phải đảm bảo được đại cục về ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đặc biệt là an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. 

Vấn đề tiếp cận tín dụng cần được mổ xẻ, phân tích nguyên nhân, mới có giải pháp đúng. Cơ chế, chính sách cho vay vẫn không có gì thay đổi. Những tháng đầu năm, hạn mức tín dụng rất thoải mái, việc xét duyệt nhanh chóng. Không có lý do gì để các tổ chức tín dụng huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền mà khi doanh nghiệp đủ điều kiện lại không cho vay vốn.

Về giải pháp, các doanh nghiệp không có đầu ra cần hướng đến khai thác thị trường nội địa để thay thế cho sự suy giảm nguồn cầu từ nước ngoài. Các ngân hàng có thể áp dụng các chính sách như bảo lãnh vay vốn để giải quyết vốn vay cho các doanh nghiệp gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19, không đủ điều kiện. Thị trường bất động sản gặp khó khăn chủ yếu là do vướng các vấn đề pháp lý, nên cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc này, đồng thời doanh nghiệp cũng cần điều chỉnh giá bất động sản. 

Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tập trung gỡ khó về thị trường, dòng tiền, thủ tục

Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, phải tập trung vào 3 vấn đề: thị trường, dòng tiền, thủ tục hành chính và môi trường đầu tư, kinh doanh. 

Chi phí đầu vào, các chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp cũng còn cao. Các khó khăn của doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề lao động, việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động. Đây là những vấn đề mà Chính phủ đặc biệt quan tâm và đã có rất nhiều các chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân như giảm lãi suất cho vay, nới điều kiện vay, giảm thuế, phí, lệ phí, xúc tiến mở rộng thị trường… Trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những biện pháp, chính sách mạnh hơn, kịp thời hơn và hiệu quả hơn để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Chính phủ cũng đang tiếp tục rà soát các quy định pháp luật, đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện và nâng cao năng suất lao động. Chính phủ cũng thúc đẩy triển khai các công trình hạ tầng chiến lược quy mô lớn, chương trình phục hồi kinh tế, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Chính phủ cũng tập trung phát triển thị trường trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài; thúc đẩy chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. 

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Minh Quang (ghi)

Ý kiến:

Ông Phạm Ngọc Hưng- Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA): Ưu tiên hồi phục thị trường nội địa

Giải pháp quan trọng nhất hiện nay là khôi phục thị trường nội địa. Thị trường xuất khẩu yếu mà thị trường trong nước vẫn ảm đạm thì doanh nghiệp sẽ ngắc ngoải. Nhà nước phải có biện pháp kích cầu để tạo ra sức mua lớn cho thị trường. Người dân đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Để họ mạnh tay mua sắm thì phải giảm mạnh VAT để giá hàng hóa giảm sâu xuống, tạo công ăn việc làm và đảm bảo thu nhập của người lao động. Cần tăng cường kiểm tra, chống hàng gian, hàng giả để đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp chân chính. 

Giải pháp thứ hai là giảm lãi suất ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Các gói hỗ trợ về vốn chưa được doanh nghiệp đánh giá cao do tỉ lệ doanh nghiệp được thụ hưởng chỉ khoảng dưới 10%. Lãi suất trên thực tế không giảm được bao nhiêu, vẫn trên dưới 10%/năm, cộng với thủ tục khó khăn khiến doanh nghiệp có nhu cầu nhưng không dám vay. Đồng thời, cần triển khai giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ; nếu doanh nghiệp vay trong năm 2023 thì cần gia hạn nợ và cho phép ân hạn trả nợ trong vòng 1 năm thay vì phải gộp trả vào đầu năm 2024. Các ngân hàng chính sách xã hội nên hỗ trợ doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để trả đủ lương cho người lao động, góp phần kích thích người tiêu dùng mua sắm. 

Giải pháp thứ ba là cải cách các thủ tục còn nhiều ách tắc như kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu, hoàn thuế, dự án đầu tư, giấy phép xây dựng, đăng kiểm xe cơ giới, phòng cháy và chữa cháy. Những năm gần đây, các sở, ngành đã cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt giấy tờ, công khai thông tin nhưng các thủ tục từ lúc có giấy biên nhận hồ sơ đến khi có kết quả trả hồ sơ vẫn nhiêu khê. 

Cần khơi thông lại chương trình kích cầu đầu tư. Chương trình này được triển khai hơn 20 năm, đã tạo thành công cho nhiều doanh nghiệp. Trong 2 năm qua, chương trình này bị dừng lại, có doanh nghiệp đã tham gia nhưng không được giải ngân. 

Ông Trần Du Lịch - thành viên  Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia: Cần các chính sách quyết liệt để lấy lại đà phát triển

Các tắc nghẽn của nền kinh tế hiện nay là xuất khẩu gặp khó dẫn đến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, thu hẹp; các biện pháp chấn chỉnh thị trường bất động sản, trái phiếu, chứng khoán đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động triển khai các dự án, bao gồm cả đầu tư công, đầu tư tư nhân, bất động sản; chính sách tiền tệ bị thắt chặt, lãi suất tín dụng tăng cao… 

Từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo Chính phủ liên tục đi thực tế để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án lớn như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam, khơi thông các dự án bị đình trệ. Tuy nhiên, muốn khôi phục kinh tế, cần phải tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Phải liên tục rà soát, xử lý những yếu tố làm chậm trễ quá trình thi công, khắc phục tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, vực lại tinh thần trách nhiệm của cán bộ. Phải xem lại những bất cập, chồng chéo nào khiến cán bộ không dám làm. Đồng thời, phải giải ngân vốn kịp thời, không để phát sinh điểm nghẽn trong thủ tục về giải ngân, thanh toán. Đầu tư công chỉ phát huy tác dụng khi dòng tiền được lưu chuyển ra thị trường. 

Tiếp theo là cần gỡ vướng những điểm nghẽn của thị trường bất động sản để hấp thụ vốn. Thời gian gần đây, Chính phủ đã lập tổ công tác xử lý khó khăn cho thị trường này, ngân hàng cũng kéo giảm lãi suất. Nhưng bất động sản đang mắc nhiều “căn bệnh” như méo mó nguồn cung; sản phẩm chỉ hướng đến đầu cơ là chính, không phục vụ nhu cầu ở thật; không có nguồn cung do vướng quy định về đất đai, pháp lý, doanh nghiệp sử dụng vốn vay tài chính quá nhiều.

Muốn khơi thông được thì phải tái cơ cấu, gỡ được những điểm nghẽn này. Cần phải rà soát lại tất cả quy định liên quan đến bất động sản từ khi bắt đầu dự án, đến khi vận hành, phát triển để điều chỉnh bất cập ở cả hệ thống pháp luật, bao gồm quy định về hệ thống tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Xây dựng. Nhanh chóng giải ngân gói 120.000 tỉ đồng hỗ trợ mua nhà ở xã hội, nếu không thì lãi suất thấp không có ý nghĩa.

Tiếp theo là phải mạnh dạn hơn nữa trong kích hoạt thị trường nội địa. Đây là trụ cột quan trọng trong thời điểm này. Nên tập trung thúc đẩy thị trường nội địa với nhiều chính sách đồng bộ bên cạnh giảm sâu VAT với hàng hóa dịch vụ xuống còn 5 - 6%, mạnh dạn thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, thúc đẩy các hoạt động du lịch trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp có chiến lược giảm giá sâu để kích thích thị trường.

Những gì gây khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì phải cắt bỏ, điều chỉnh, hành động cụ thể, mạnh mẽ. Có như vậy mới mong tăng trưởng kinh tế quý III và IV/2023 khởi sắc.

Thanh Hoa (ghi)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI