Cải lương của Việt Nam và triết lý kinh doanh của gã khổng lồ Google

28/09/2020 - 07:05

PNO - Xem cách Google kinh doanh dựa trên tài sản vốn có của ta, ngẫm cách ta làm văn hóa của chính ta suốt thời gian qua, mà chỉ biết thở dài!

Ngày 27/9, Google vừa kỷ niệm chặng đường 22 năm bằng biểu tượng chữ “G” hoạt hình đội mũ sinh nhật, ăn bánh và duyệt internet trên Google Doodles. Một ngày sau đó, ngày 28/9, ở một đất nước mà nó được truy cập nhiều nhất, Google tiếng Việt chọn nghệ thuật cải lương để vinh danh trên Google Doodles đúng ngày giỗ Tổ nghề sân khấu.

Hai sự kiện, hai câu chuyện tưởng chừng chẳng liên quan gì tới nhau, nhưng lại rất liên quan nếu cùng đặt chúng trong một khía cạnh mà lâu nay, biết bao người thao thao bất tuyệt về nó, nhưng không phải ai cũng làm được, đó là: triết lý kinh doanh lấy văn hóa làm nền tảng. 

Thông qua hoạt động ở những thị trường mà nó đặt “bàn chân rết” của mình tới, dù chính thức (có chi nhánh, trụ sở trực thuộc) hay không chính thức, Google - “gã khổng lồ” công nghệ đình đám nhất thế giới, đã từng bước hiện thực hóa triết lý (tưởng chừng sáo rỗng) đó một cách rất cụ thể, sinh động, rành rọt, nhưng cũng hết sức hấp dẫn và thông minh. 

Cần nhắc lại, Google Doodle đầu tiên mà Google sáng tạo ra, mục đích kỷ niệm một lễ hội (Burning Man - lễ hội đốt hình nộm bằng gỗ, được tổ chức thường niên ở Mỹ) vào tháng 8/1998. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, dù đạt đến vị trí “anh cả” của giới công nghệ như ngày nay, thông điệp đầu tiên mà Google Doodles để lại, lại là một câu chuyện văn hóa trong những năm đầu đời mới thành lập (dù rằng, cái ý tưởng khởi đi của nó chẳng phải sâu sắc gì, mà chỉ là một “trò đùa” hài hước mà thôi).

Google Doodles vinh danh ngày giỗ Tổ sân khấu của Việt Nam
Google Doodles vinh danh cải lương nhân ngày giỗ Tổ sân khấu của Việt Nam

Kể từ đó đến nay, Doodle trở thành “chữ ký nhận diện” của “gã khổng lồ” công nghệ Google; được sử dụng để kỷ niệm các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn, cũng như tưởng nhớ các nghệ sĩ, nhà tư tưởng và nhà khoa học tiên phong, nổi tiếng trên khắp thế giới. Tới nay, đã có hơn 4.000 logo được vẽ ra trên các trang chủ khắp thế giới đổ về. Và kho dữ liệu văn hóa mang tính biểu tượng này, vẫn đang được cập nhật mỗi ngày.

Mỗi lần Doodle thay đổi, là mỗi lần một sự kiện, một câu chuyện văn hóa được gợi nhắc. Trong chiếc “bẫy” thông tin mà chủ nghĩa dữ liệu đang quản trị thói quen cũng như cách tiếp cận, ứng xử của người dùng với thế giới quanh họ, sự gợi nhắc về văn hóa - được xem là cội rễ của mọi ngọn nguồn văn minh, của tồn tại hay xóa sổ, giống như một thỏa ước của hiện đại, để đi tới tương lai.

Trước cải lương, từ năm 2003 đến nay, Google tiếng Việt đã có nhiều Doodle tôn vinh nét văn hóa đặc trưng tại Việt Nam cũng như kỷ niệm những ngày lễ truyền thống như ngày Nhà giáo Việt Nam, tết Trung thu, tết Nguyên đán, ngày Quốc khánh, các nhân vật đặc biệt như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Xuân Quỳnh, họa sĩ Bùi Xuân Phái, các loại hình nghệ thuật đặc biệt như ca trù… Và mỗi lần Doodle thay đổi, không khó để ta biết, truyền thông và dư luận trở nên quan tâm và “sốt sắng” đến thế nào.

Cũng như ngày hôm nay, từ khóa trên khắp các mặt báo, chắc chắn là “cải lương” - điều mà có khi, những đề án văn hóa, những chiến lược quốc gia, những chương trình kỷ niệm rình rang, hoành tráng ngốn nhiều ngân sách nhà nước - cũng không làm được. Để thấy, triết lý kinh doanh của Google - một doanh nghiệp quốc tế, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, thoạt nghe chỉ có số má và máy móc khô khan, lại “ăn rơ” và hấp dẫn cộng đồng này (và cả những cộng đồng khác) đến vậy.

Còn lý do nào khác cho hấp lực đó, nếu không phải thông qua thuật toán của mình, Google đã chia sẻ một thứ ký ức tập thể có ý nghĩa đối với cả cộng đồng. Chúng đề cập đến các chủ đề và những câu chuyện khác nhau, nhưng mang tính phổ quát, mối quan tâm chung của người dân trong cùng một đất nước, hay con người trong cùng một thời đại.

Nhắc chúng ta về những điểm gặp gỡ, ngay cả khi không cùng ngôn ngữ, tôn giáo, màu da, sắc tộc, hay lãnh thổ… Vì thế, chỉ với một Google Doodle, tính địa phương và tính toàn cầu trong triết lý kinh doanh của “gã khổng lồ” đều được biểu đạt một cách gọn ghẽ, không cần bất cứ tuyên ngôn đao to búa lớn gì mà vẫn đi thẳng vào lòng người. Triết lý ấy dựa vào văn hóa, lấy văn hóa làm gốc, để rồi tỏa ra và “vươn vòi” ảnh hưởng đi khắp thế giới.

Trên trang Google tiếng Việt và trong ngày giỗ Tổ nghề hôm nay, cải lương không còn là một phạm trù chỉ được nhắc đến trong giới làm nghề với nhau. Những công dân của thời @, đặc biệt những người trẻ, lại có thêm một cơ hội nhìn nó - một câu chuyện rất truyền thống, rất bản sắc - bằng một góc nhìn tươi mới hơn, toàn cầu hơn. Xem cách Google kinh doanh dựa trên tài sản vốn có của ta, ngẫm cách ta làm văn hóa của chính ta suốt thời gian qua, mà chỉ biết thở dài! 

Google muốn tạo nhận thức về văn hóa đối với người dùng

Việc thay đổi logo Google ngày hôm nay bằng một biểu tượng Google Doodle tôn vinh cải lương nằm trong chuỗi dự án quảng bá các giá trị văn hóa, nghệ thuật, danh nhân, thiên nhiên đặc sắc của Việt Nam bằng Google Doodle. Đây là thông điệp chung và cũng là bốn chủ đề chính của những Doodle chúng tôi đã thực hiện riêng cho Việt Nam trong thời gian qua - nổi bật có thể kể đến Doodle Ca trù, Bánh mì Việt Nam, nữ sĩ Xuân Quỳnh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. 

Cải lương là một trong những bộ môn nghệ thuật mang những nét đặc trưng nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Doodle Cải lương được thể hiện một cách vui tươi sinh động, và đặc biệt đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi được phép gắn trực tiếp video vở diễn trên YouTube vào trang blog Google Doodles. Chúng tôi thực hiện nỗ lực này với mong muốn kể được một câu chuyện đầy đủ nhất về cải lương - thông qua Doodle và cả YouTube, góp phần quảng bá nghệ thuật văn hóa truyền thống của Việt Nam. 

Ngoài thông điệp văn hóa, qua các biểu tượng Doodle, Google cũng muốn tạo nhận thức về một số thông tin hữu ích mà người dùng có thể chưa biết hoặc nên biết. Đây chính là một trong những cách Google tổng hợp thông tin và làm cho chúng phổ biến và hữu ích - theo những cách thú vị, bất ngờ - qua Google Doodles. 

Đại diện Google

Đậu Dung

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI