Cách phòng ngừa và trị trúng nắng bằng Đông y

30/03/2021 - 15:30

PNO - Trúng nắng, nhẹ thì gây đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, sốt, khát nước; nặng thì vã mồ hôi, tay chân lạnh, sắc mặt nhợt nhạt; thậm chí gây hôn mê, co giật.

 

Giải nắng bằng thuốc Nam

Cách đơn giản để phòng ngừa say nắng, trúng nắng là sử dụng một số loại thuốc nam có tác dụng thanh nhiệt và giải nắng hiệu quả, bằng cách nấu uống thay nước luân phiên mỗi ngày. Cụ thể:

1. Đậu xanh hoặc đậu ván trắng, mỗi loại 12-16g/ngày; lá hương nhu, mã đề, râu bắp tươi, mỗi loại 20-30g/ngày (dùng riêng hoặc phối hợp).

Cách chế biến: Nấu với lượng nước vừa đủ và lọc lấy phần nước, dùng trong ngày.

2. Hoa cúc, kim ngân hoa, mỗi loại 12-16g/ngày.

Cách chế biến: Nấu hoặc hãm với nước sôi trong bình giữ nhiệt rồi hòa thêm nước sôi để nguội, uống trong ngày. Nếu cảm thấy khó uống, có thể cho thêm chút đường phèn hoặc 3 quả táo đỏ (xắt lát) vào hãm/nấu chung.

3. Bột sắn dây 10-20g/ngày hòa với nước sôi để nguội, uống sống, kết hợp thêm một lát chanh và đường phèn sẽ cho vị rất ngon.

4. Rau má tươi lượng vừa đủ, rửa sạch, xay và lọc lấy nước, uống sống. 

Kết hợp luân phiên các loại nước trên với nước trái cây có tính chua như cam, chanh, quýt, chanh dây… để giúp cơ thể giảm nhiệt, tăng cường sức đề kháng.

Lưu ý: Với những người dễ bị lạnh bụng, sình bụng, tiêu hóa kém thì khi uống nên cho thêm lát gừng nướng giã nát. Nếu mua ở bên ngoài thì chỉ nên uống các loại nước mát có nguồn gốc rõ ràng, sạch sẽ, tươi mới vì trong mùa hè, nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả lỵ rất cao. Hạn chế những thực phẩm có tính cay, nóng vì sẽ làm cơ thể mất nước nhanh hơn.

Riêng những người thể tạng âm hư (luôn cảm thấy nóng bức trong người, đổ mồ hôi trộm khi ngủ), hạn chế lạm dụng các vị thuốc nam kể trên. Nên ưu tiên bổ sung đồ ăn, thức uống có tính âm như: mỗi ngày uống một quả dừa tươi hoặc trà hà thủ ô, trà kỷ tử, chè đậu đen, mè đen…

Xử trí khi bị trúng nắng

Nguyên tắc ban đầu để chữa chứng trúng nắng vẫn là nhanh chóng đưa người bệnh vào chỗ thoáng mát, hạn chế đông người, nới rộng quần áo hoặc cởi bỏ bớt khẩu trang, nón mũ, các lớp áo khoác (nếu có); cho uống ít nước muối nhạt hoặc nước sôi để nguội; lấy khăn thấm nước mát lau các hõm nách, bẹn...

Nếu người bệnh bị ngất thì lập tức dùng ngón tay cái lần lượt bấm thật mạnh (đau) các huyệt: Nhân trung (ở điểm nối 1/3 trên với 2/3 dưới của rãnh mũi môi), huyệt thập tuyên (giữa 10 đầu ngón tay), giúp làm tỉnh và thải nhiệt.

Nếu bị trúng nắng mà có các triệu chứng: nhức đầu, bứt rứt, sốt cao, sợ nóng, da thịt như lửa đốt, mồ hôi thoát ra ít, khát nước thì dùng bài thuốc: rau má, sắn dây, hương nhu, lá tre, đậu ván trắng, bố chính sâm tẩm gừng, rễ đinh lăng, mạch môn, phục linh, hậu phác; mỗi loại 10-12g.

Trúng nắng mà có biểu hiện: nhức đầu, thân hình co ro, sợ lạnh, sốt cao, chân tay đau nhức, da nóng mà không ra mồ hôi (bị cảm nắng không do tiếp xúc trực tiếp với nắng, mà do nhiệt độ nóng trong nhà); dùng bài thuốc: rau má, sắn dây, hương nhu, bố chính sâm tẩm gừng, mạch môn, phục linh, hậu phác, tía tô, hậu phác, gừng, hoắc hương; mỗi loại 10-12g.

Trúng nắng mà đầu đau nặng, thân thể nặng, ngực tức, khát mà không muốn uống, tinh thần mệt mỏi, tai ù, bụng chướng đầy, đại tiện bất thường, tiểu ngắn, rát; dùng bài thuốc: rau má, sắn dây, hương nhu, bố chính sâm tẩm gừng, mạch môn, phục linh, hậu phác, trạch tả, mã đề, râu bắp; mỗi loại 10-12g.

Mỗi thang nấu với khoảng 3 lít nước, cho người bệnh uống thay nước, liên tục trong ngày; đến khi hết triệu chứng thì ngưng thuốc.

Đông y sĩ Mộc Nguyên

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsongkhoevi /strCate=songkhoe

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEalobacsivi /strCate=alobacsi
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsuckhoevi /strCate=suckhoe