Hoảng hốt khi con yêu bạn lớp Tám, bỏ nhà đi

06/07/2019 - 09:04

PNO - Nhận được điện thoại của phụ huynh nhờ giúp đỡ, tôi tra lại hồ sơ và cung cấp địa chỉ nhà của một em học sinh. Điều tôi băn khoăn cho các em đang trong độ tuổi vị thành niên là lối sống lệch. Do đâu?

Nhận được điện thoại của phụ huynh nhờ giúp đỡ, tôi lật đật tra lại hồ sơ và cung cấp địa chỉ nhà của một em học sinh vừa học hết lớp Tám. Câu chuyện dở khóc dở cười. Nhưng điều mà tôi băn khoăn cho các em đang trong độ tuổi vị thành niên là lối sống lệch, có phần ngỗ nghịch. Điều này do đâu?

Từ cách quản lý của người lớn

Sau khi biết tin năm học tới ba mẹ sẽ chuyển trường cho mình, N.X.P, 14 tuổi (ngụ tại Q.Thủ Đức) tỏ ra cộc cằn và không thèm nói chuyện với ba mẹ. Phụ huynh tìm cách khuyên giải, nhưng chẳng đạt kết quả gì vì em có tình cảm với một bạn nữ cùng khối. Ba mẹ X.P. biết nên rất lo lắng cho việc học tập của em sang năm, vì đó là năm cuối cấp. Cách đây mấy ngày, X.P. đã trốn khỏi nhà.

Ba mẹ em rối như tơ vò, tìm đủ mọi nơi nhưng không thấy. Cuối cùng, khi hỏi một người bạn học của con mình, ba mẹ mới biết em N.T.T.V - bạn gái mà N.X.P có tình cảm lâu nay. Vô tình lục được Facebook của T.V, mọi người tá hỏa khi thấy trên đó đăng những nội dung phản cảm.

Không ai có thể tin vào mắt mình vì đó là những “kiến thức” liên quan đến tình dục tuổi mới lớn, hướng dẫn cách sử dụng chất kích dục... Ba mẹ X.P. rất sốc và bao nhiêu cau hỏi dồn về, con của họ đang ở đâu, làm gì, với ai…? Liệu chúng nó có làm chuyện gì dại dột?

Hoang hot khi con yeu ban lop Tam, bo nha di
 Nếu gia đình không quan tâm đúng cách, trẻ sẽ dần đi lệch hướng. Ảnh minh họa

Cũng may, mấy ngày sau đó, cả hai gia đình đã tìm được con mình và cùng hai đứa trẻ làm rõ mọi chuyện. N.T.T.V nói rằng: mấy nội dung đó được một người bạn chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, thấy lạ nên đăng lên để được nhiều bình luận. Còn hai đứa chưa có chuyện gì xảy ra cả. Khi đó, cả hai gia đình mới thở phào. Họ chỉ biết nhìn nhau và cảm thấy có lỗi trong việc thiếu sự quan tâm đến tình cảm, sinh hoạt của con cái.

Tôi vẫn hay tâm sự với đồng nghiệp rằng nuôi con trong độ tuổi nào cũng có cái khó của nó. Nhưng quan trọng nhất vẫn là độ tuổi dậy thì. Khi đó, các em có những thay đổi rất nhanh về cơ thể, sinh lý cũng như tình cảm.

Chúng ta có thể quản lý về mặt giờ giấc, sinh hoạt, học tập của trẻ… nhưng về suy nghĩ và tâm lý, nếu trẻ nổi loạn, thật khó có thể lường trước được điều gì. Lúc này những thái độ, phản ứng và kể cả ứng xử của trẻ thật khó kiểm soát. Nếu không quan tâm đúng cách, các em sẽ dần đi lệch hướng.

Đến những thói quen sinh hoạt của ba mẹ

Có lần khi mời phụ huynh lên trao đổi về việc con của họ rất hay nói tục, tôi đã không thể tin vào mắt mình. Trước mặt thầy, ba của cháu nói chuyện hết sức từ tốn; bảo rằng về nhà lúc nào cũng nhắc nhở cháu cả, lúc nào cũng “dạ, vâng”. Nhưng khi quay sang đứa con của họ đang đứng ngay bên cạnh, nét mặt đã thay đổi một cách nhanh chóng: “Mày! Tao nhắc mày bao nhiêu lần rồi? Hả?”. Và xen vào đó là cả câu văng tục.

Lúc đó, hình như ba cháu nóng quá, đã quên là đang có thầy ngồi trước mặt. Tôi đành vội vàng can lời. Sau này trò chuyện với em học sinh kia, tôi mới hiểu: “Lúc nào câu cửa miệng của ông cũng có từ đó cả. Thậm chí là cả những cuộc nói chuyện trong nhà, hàng ngày. Nhiều bữa, có người đi ngoài đường, nghe ba mẹ em nói chuyện mà cứ tưởng rằng trong nhà đang cãi lộn”.

Hoang hot khi con yeu ban lop Tam, bo nha di
Chỉ có tình yêu thương mới cảm hóa được con trẻ. Ảnh minh họa

Gia đình là cũng là nơi giáo dục cho trẻ. Trẻ được sống chủ yếu trong vòng tay ba mẹ. Nếu ba mẹ có những thói quen ấy, tránh sao khỏi việc bị chi phối ít nhiều. Chưa nói đến những lúc chúng ngồi cách không xa bàn nhậu của ba và mấy ông hàng xóm đang “văng tục” một cách thoải mái.

Đã không ít bậc cha mẹ cảm thấy bất lực với con mình. Khi được thầy cô mời lên trao đổi, họ chỉ biết lặp đi lặp lại câu: “Trăm sự nhờ thầy cô, chứ giờ tôi nói nó không nghe, tôi hết cách rồi”.

Thực tế mà nói, không ai hiểu con mình bằng cha mẹ. Nếu chúng ta biết quan tâm, tâm sự với các em thì sẽ có cách.

Tôi vẫn nhấn mạnh với phụ huynh rằng trong những “vũ khí” mà chúng ta có được, chỉ có tình thương là loại “vũ khí” lợi hại nhất. Nó có thể chuyển hư thành ngoan, biến bại thành thắng.

Không có đứa trẻ nào ‘bỏ đi’

Một phụ huynh dẫn con vào gặp tôi ở phòng nội trú của trường dân lập trước đây tôi làm và nói rằng: “Con tôi bây giờ giống như một đứa ‘bỏ đi’, tôi đã chuyển trường mọi nơi nhưng nó vẫn vậy. Tôi hy vọng, môi trường giáo dục ở đây cùng với thầy, sẽ có cách biến thay đổi nó”. Lần đầu tiên trong sự nghiệp đi dạy, tôi cứ bị ám ảnh câu nói đó.

Tôi tâm sự với em Huy (con của phụ huynh đó) và hiểu được rằng em đang rất chán học. Về nhà, ba mẹ hay so sánh em với người anh giỏi giang của mình, em càng tỏ ra cộc cằn, quậy phá…

Em còn nói thêm: Ba mẹ em lúc nào cũng nói em là ‘đồ vô dụng’. Tôi cố gắng gần gũi, tâm sự với em nhiều hơn. Nhất là những buổi tối ở khu nội trú. Tôi nhận ra rằng em vốn rất hoạt bát, hiếu động, đam mê nhảy hip hop. Từ thế mạnh của em, các bạn trong lớp đã gợi ý cho tôi thành lập nhóm nhảy. Và chính em là thủ lĩnh. Tìm được niềm vui ở trường, em cũng đã tích cực học tập.

Ba năm sau, em tốt nghiệp. Thật là một kết quả không ai ngờ tới. Hôm làm lễ nhận bằng, ba của Huy có gặp tôi và mừng đến rơi nước mắt. Tôi cũng cảm thấy hạnh phúc cho gia đình em. Điều mà tôi cảm nhận được từ ánh mắt của người cha không phải là con mình đạt học sinh gì, hạng mấy mà là sự thay đổi của con trong ứng xử, về nhận thức và cách làm người.

Hoàng Đồng (Giáo viên Trường THCS Linh Đông, Q.Thủ Đức - TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI