Cá sấu, cá cảnh của TPHCM vẫn khó “bơi” xa

30/03/2023 - 06:32

PNO - Quy mô nuôi nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư, thiếu sự liên kết đã khiến việc xuất khẩu cá cảnh và các sản phẩm từ cá sấu gặp nhiều khó khăn.

Lượng cá cảnh, cá sấu xuất khẩu giảm

Ngày 27/3, Hội Cá cảnh châu Âu sẽ sang khảo sát quy trình nuôi, chất lượng cá, điều kiện sinh sống của người lao động ở Hợp tác xã (HTX) Sinh vật cảnh Sài Gòn. Ông Nguyễn Văn Thủy - Giám đốc HTX này - cho biết, sản phẩm của HTX xuất đi nhiều thị trường như châu Âu, Trung Đông, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ông kỳ vọng, cuộc làm việc với đoàn châu Âu là cơ hội giúp khôi phục kim ngạch xuất khẩu cá cảnh. 

Cá cảnh xuất khẩu từng đem về cho TPHCM hơn 22 triệu USD năm 2018 (ảnh chụp tại Công ty Thiên Đức) ẢNH: NGUYÊN MẠNH
Cá cảnh xuất khẩu từng đem về cho TPHCM hơn 22 triệu USD năm 2018 (ảnh chụp tại Công ty Thiên Đức) ẢNH: NGUYÊN MẠNH

Chỉ tay vào đám cá chạch rắn, bướm bầu, thằn lằn, ông Thủy cho hay, những năm trước, HTX xuất khẩu 700.000 con cá/tháng, thu trên 2 tỉ đồng. Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chiến tranh, lượng cá xuất khẩu giảm còn 400.000-500.000 con/tháng, giá cá giảm 10 - 20% so với trước, trong khi chi phí vận chuyển tăng hơn 100%, chi phí thức ăn tăng. 

“Trước dịch COVID-19, mỗi năm, HTX đều cử đoàn sang Đức, Singapore dự triển lãm để quảng bá, gặp gỡ khách hàng để nắm rõ hơn nhu cầu của khách. Từ khi có dịch COVID-19, chi phí hạn hẹp hơn nên HTX không thể tham gia các sự kiện ở nước ngoài, các hộ nuôi nhỏ lẻ cũng không có kinh phí tham gia nên khó tìm được đối tác lớn” - ông Nguyễn Văn Thủy nói. 

Công ty TNHH Chăn nuôi và Kinh doanh cá sấu Tồn Phát được cấp hạn ngạch xuất khẩu 25.000 tấm/năm gồm da cá sấu, thịt cá sấu tươi. Trong 2 năm qua, do Trung Quốc áp dụng chính sách zero COVID, sản lượng xuất khẩu chỉ còn khoảng 3.000 tấm/năm và đối tác chỉ chấp nhận da, không chấp nhận thịt cá sấu tươi. 

Ông Trần Hưng Quốc Việt - đại diện Công ty Tồn Phát - cho biết, Trung Quốc đã nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nên đơn hàng xuất khẩu đang tăng trở lại. Trong quý I/2023, Tồn Phát xuất khẩu được 8.000 tấm da cá sấu (phía Trung Quốc vẫn chưa nhập thịt cá sấu sống). 

Khó khăn về giá, quy mô, vốn

UBND TPHCM có chính sách hỗ trợ vốn để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị nhưng nhiều HTX, doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Ông Trần Hưng Quốc Việt cho biết, Tồn Phát phải dồn vốn nhiều hơn 20% so với lúc bình thường để kịp xử lý đơn hàng xuất đi Trung Quốc. Từ trước đến nay, Tồn Phát chưa từng tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi nào. Công ty đang có kế hoạch tăng đàn cá sấu nhưng thiếu vốn. 

Đại diện Hội Cá cảnh châu Âu sang tham quan tại Hợp tác xã Sinh vật cảnh Sài Gòn ngày 27/3
Đại diện Hội Cá cảnh châu Âu sang tham quan tại Hợp tác xã Sinh vật cảnh Sài Gòn ngày 27/3

Cũng theo ông Trần Hưng Quốc Việt, năm 2018, các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình ở TPHCM nuôi tổng cộng gần 77.000 con cá sấu thì nay giảm còn 29.173 con. Do quy mô nuôi bị thu hẹp, tính chất vẫn nhỏ lẻ nên khó đáp ứng yêu cầu về số lượng cho những đơn hàng xuất khẩu lớn. Thị trường châu Âu có nhu cầu cao về da cá sấu nhưng số doanh nghiệp có công nghệ thuộc da như Lộc Tồn, Hoa Cà còn hiếm do vốn để trang bị dây chuyền thuộc da khá đắt đỏ. 

Cách đây 2 năm, cá sấu có giá bán từ 130.000-150.000 đồng/kg nhưng từ năm 2020 đến nay, giá bán giảm còn 50.000-60.000 đồng/kg trong khi giá thành nuôi gần 100.000 đồng/kg. Do Trung Quốc chưa cho nhập thịt cá sấu tươi nên các doanh nghiệp phải tốn chi phí trữ thịt đông hoặc sấy khô, chờ ngày xuất khẩu. Các doanh nghiệp mong ngành chức năng cấp trung ương tăng cường đàm phán, xúc tiến thương mại để việc xuất khẩu thịt cá sấu sang Trung Quốc trở lại bình thường. 

“Chúng ta có hiệp hội bò sát, lưỡng cư nhưng lại chưa quy hoạch được vùng nuôi, làm chủ thị trường, kiểm soát số lượng, thống nhất giá bán. Nếu không đưa ra giá sàn chung cho cá sấu và có chính sách bảo vệ thì người nuôi rất dễ “chết” vì bị ép giá dù được hỗ trợ về vốn, đạt năng suất cao” - ông Trần Hưng Quốc Việt nhận định. 

Ông Nguyễn Văn Thủy nhận định, ngành cá cảnh TPHCM phát triển mạnh nhưng chỉ có 3 đơn vị xuất khẩu mạnh, chiếm tỉ trọng trên 80%, còn lại đa phần là nuôi tự phát theo hộ, quy mô nhỏ. Các HTX, doanh nghiệp phải thuê chuyên gia dạy kỹ thuật với chi phí 3.000-4.000 USD/tháng, thực hiện các trách nhiệm với Nhà nước, kiểm dịch định kỳ, còn các hộ nuôi nhỏ lẻ không tốn chi phí gì. Các hộ này nuôi nhiều loài cá mang mầm bệnh nhưng lại không kiểm dịch đầy đủ, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng hàng hóa xuất khẩu của 
Việt Nam. 

Công nhân Hợp tác xã Sinh vật cảnh Sài Gòn chăm sóc cá cảnh để xuất khẩu. Ngành nuôi cá cảnh xuất khẩu ở TPHCM có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác tốt
Công nhân Hợp tác xã Sinh vật cảnh Sài Gòn chăm sóc cá cảnh để xuất khẩu. Ngành nuôi cá cảnh xuất khẩu ở TPHCM có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác tốt

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thủy, công tác xúc tiến thương mại còn yếu cũng khiến cho việc xuất khẩu cá cảnh sang một số khu vực bị bỏ ngỏ. Chẳng hạn, nếu xuất khẩu thành công cá chép cảnh (cá koi) sang châu Âu, lợi nhuận sẽ rất cao bởi cá mau lớn, chi phí nuôi rẻ, kỹ thuật nuôi đơn giản. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh nên châu Âu chưa chấp nhận cho nhập khẩu cá cảnh từ Việt Nam. 

Ông cho biết, hơn 10 năm qua, HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn tốn nhiều chi phí để duy trì đàn cá giống, lấy mẫu hằng năm để chứng minh cá của HTX sạch bệnh nhưng vẫn chưa xuất khẩu được sang châu Âu. Trong khi đó, doanh nghiệp của Thái Lan, Indonesia chỉ mất 3 năm, đã được phép xuất khẩu sang thị trường này. “Việc kiểm soát dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu nếu muốn ngành cá cảnh phát triển, xuất khẩu bền vững” - ông Nguyễn Văn Thủy nhận định. 

Hồi tháng 10/2019, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 4545/QĐ-UBND, xác định 6 loại sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TPHCM gồm: rau, hoa và cây cảnh, bò sữa, heo, tôm nước lợ, cá cảnh.

Xuất khẩu tiểu ngạch dễ bị ép giá

Cá sấu sống chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc. Từ năm 2019 đến nay, các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu được da cá sấu với số lượng không nhiều so với tiềm năng của các trại nuôi. Nhiều hộ nuôi cá sấu vẫn chuộng xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch để né thuế nên dễ bị các đầu nậu ép giá, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành cá sấu TPHCM và cả nước. 

Ông Nguyễn Quang Hoàng - Phó trạm trưởng Trạm Cứu hộ động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm TPHCM

Các trại nuôi cá cảnh chưa đầu tư đúng mức

Toàn TPHCM có 250 cơ sở, hộ nuôi cá cảnh trên diện tích khoảng 89ha, xuất khẩu khoảng 14 triệu con/năm đến 46 quốc gia với hơn 70 loài, đạt kim ngạch 14 triệu USD. HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn, Công ty cổ phần Sài Gòn Cá Kiểng, Công ty cổ phần Sinh vật cảnh Thiên Đức là 3 đơn vị xuất khẩu mạnh, chiếm tỉ trọng trên 80%. Hầu hết trại nuôi chưa có sự đầu tư đúng mức, phù hợp để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Ngành cá cảnh của TPHCM chưa phát triển mạnh là do mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp, nước ở một số khu vực bị ô nhiễm, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế, chưa có sự liên kết chặt chẽ trong việc tổ chức sản xuất.

Trong giai đoạn 2018-2021, các cơ sở, hộ nuôi cá cảnh được duyệt vay 51 lượt với lãi suất ưu đãi theo Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12/2/2018 của UBND TPHCM. Từ ngày 31/12/2021, chính sách này hết hiệu lực. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM đang tham mưu để UBND TPHCM ban hành các chính sách mới khuyến khích việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trong giai đoạn tiếp theo. 

Bà Võ Thị Mộng Thu - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TPHCM

Thanh Hoa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI