Cà Mau công nhận kỷ lục tổ ong lớn nhất

26/04/2022 - 11:22

PNO - Ngày 26/4, tỉnh Cà Mau tổ chức họp báo báo chí thông báo chương trình “Cà Mau - Điểm đến năm 2022”; chuỗi sự kiện “Họp mặt doanh nghiệp và các hoạt động phát triển sản phẩm OCOP năm 2022”.

Ông Nguyễn Văn Đen - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, nhân kỷ niệm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4), UBND tỉnh Cà Mau tổ chức chuỗi sự kiện Họp mặt doanh nghiệp và các hoạt động phát triển sản phẩm OCOP năm 2022; Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác giữa 3 tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Ninh Bình giai đoạn 2017-2022. Cũng thời điểm này, tại huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) còn diễn ra sự kiện Hương rừng U Minh từ ngày 29/4 - 1/5/2022 với chủ đề “Hành trình đến du lịch xanh” nhằm hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia 2022.

Sự kiện đáng chú ý này bao gồm chuỗi các hoạt động như: Liên hoan tiếng hát thanh niên “Hương rừng U Minh”; tổ chức các hoạt động thể dục thể thao (giải đi bộ xuyên rừng U Minh Hạ, giải đua xuồng ba lá trên sông Cái Tàu…); hội chợ thương mại kết hợp trưng bày sản phẩm mật ong và các loại thủy sản nước ngọt; các trò chơi dân gian gắn với hoạt động trải nghiệm vùng đất U Minh… Trong chương trình sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2022” còn một sự kiện rất đáng chờ đợi là “Ngày hội cua Năm Căn” sẽ được tổ chức vào tháng Chín tới đây.

Đặc biệt, dịp này cơ quan chức năng sẽ tổ chức xác lập kỷ lục “Tổ ong lớn nhất Việt Nam” của nghề gác kèo ong rừng U Minh Hạ; kỷ lục “Lẩu mắm lớn nhất” cũng sẽ được xác lập.

Thông tin thêm về kỷ lục “Tổ ong lớn nhất Việt Nam”, ông Nguyễn Thanh Liêm - Phó chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết: “Trước tới nay chưa có xác nhận tổ ong lớn hay nhỏ, lớn nhất cỡ nào. Nay, địa phương đã kết hợp với các hợp tác xã, các đơn vị có liên quan để xác định tổ ong lớn nhất. Kết quả, xác định tổ ong ở Khu du lịch Mười Ngọt đáp ứng yêu cầu này. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chấp nhận và chúng tôi sẽ tổ chức trình diễn, công nhận vào ngày 29/4 tới”.

Nghề gác kèo ong là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện U Minh Lê Hữu Lợi cho biết: “Mật ong rừng tràm U Minh Hạ vốn nổi tiếng khắp nơi bởi chất lượng hảo hạng, ít nơi nào sánh được. Nghề gác kèo ong lấy mật trên địa bàn đem lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình”.

Một hộ gia đình với nghề gác kèo ong
Một hộ gia đình với nghề gác kèo ong

Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Tiêu Minh Tiên, việc xác lập kỷ lục “Tổ ong lớn nhất Việt Nam” và “Lẩu mắm lớn nhất Việt Nam” được thực hiện theo quy trình hướng dẫn của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam. “Thời gian qua, tỉnh đã phát động đến các đơn vị trong khu vực vùng rừng U Minh Hạ để xác định tổ ong lớn nhất. Sau khi tiến hành thì xác định tổ ong ở Khu du lịch Mười Ngọt đáp ứng yêu cầu này. Còn Lẩu mắm U Minh đăng ký kỷ lục được chế biến và nấu bởi Điểm du lịch sinh thái Hương Tràm - điểm du lịch sinh thái cộng đồng nằm giữa cánh rừng tràm U Minh Hạ”, ông Tiên cho hay.

Được biết, trước đó, một số sự kiện như: Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc; lễ Giỗ Tổ Hùng Vương,... đã được cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau tổ chức. Trong đó, hoạt động “Ngày hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ 2” được tổ chức vào dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đã rất thành công, thu hút hàng chục ngàn lượt khách về, đánh dấu sự phục hồi du lịch của tỉnh Cà Mau sau thời gian bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Q.Thư

Nguồn: P.V

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI