Bộ tứ Phổ - Thứ - Lựu - Đàm tề tựu: Cơ hội học thưởng lãm tranh

14/07/2022 - 06:13

PNO - Triển lãm "Hồn xưa bến lạ" quy tụ tác phẩm của bộ tứ Phổ - Thứ - Lựu - Đàm, bốn danh họa nổi tiếng của dòng tranh Đông Dương Việt Nam. Sự kiện đánh dấu nhiều cái “đầu tiên” của hội họa Việt.

Cơ hội cho tất cả

Triển lãm Hồn xưa bến lạ (tại khách sạn Park Hyatt Saigon, số 2 Lam Sơn, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM từ 11 - 14/7) được xem là triển lãm tranh Đông Dương lớn nhất tại Việt Nam về cả giá trị lẫn số lượng. Triển lãm quy tụ 56 tác phẩm đắt giá, trải dài theo sự nghiệp của bộ tứ danh họa Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm. Đây là lần đầu tiên tác phẩm của cả bốn danh họa tề tựu. Họ đứng gần nhau giúp nâng tầm giá trị của tác phẩm, cho thấy một bức tranh khái quát hơn về mỹ thuật Đông Dương.

Người xem đang thưởng lãm bức Lặng thiền của danh họa Mai Trung Thứ, được hoàn thiện vào năm 1958
Người xem đang thưởng lãm bức Lặng thiền của danh họa Mai Trung Thứ, được hoàn thiện vào năm 1958

Theo Ace Lê - giám tuyển khách mời của triển lãm Hồn xưa bến lạ - đơn vị tổ chức là nhà đấu giá Sotheby’s đã có màn chào sân ấn tượng với cộng đồng người yêu nghệ thuật trong nước, các nhà sưu tầm và giới chuyên môn. Về cách tổ chức một triển lãm phi thương mại, phục vụ đại đa số khán giả, không chỉ giới hạn cho những khách mời VIP, Sotheby’s cho thấy tầm nhìn của họ về mặt quan sát thị trường và những nước đi có tính toán cặn kẽ. 

Thời gian qua, dòng tranh Đông Dương được chú ý trên các sàn đấu giá quốc tế với những cú gõ búa nâng tầm giá tranh. Tác phẩm của họa sĩ Lê Phổ và Mai Trung Thứ liên tục lập kỷ lục về giá. Bức Chân dung cô Phương (Portrait of Mademoiselle Phuong) của Mai Trung Thứ đạt 3,1 triệu USD trong đợt đấu giá tháng 4/2021; danh họa Lê Phổ cũng có bốn tranh cán mốc triệu đô gồm Thiếu nữ choàng khăn (1,1 triệu USD), Khỏa thân (1,4 triệu USD), Đời sống gia đình (1,1 triệu USD) và Dáng hình trong vườn (2,28 triệu USD)…

Tại Hồn xưa bến lạ, nhiều bức trong tổng số 56 tác phẩm được các họa sĩ vẽ ở nước ngoài. Chúng từng xuất hiện tại các cuộc đấu giá, về tay một số nhà sưu tầm trước khi “hồi hương”, và nằm yên trong bộ sưu tập của các nhà sưu tầm Việt. Vì giá trị lớn và chưa có dịp phù hợp, nên dù “có mặt” tại Việt Nam, gần như giới yêu hội họa trong nước chưa có cơ hội xem tranh. 

Khán giả xếp hàng trước cổng triển lãm để chờ đến giờ được vào trong thưởng lãm.
Khán giả xếp hàng trước cổng triển lãm để chờ đến giờ được vào trong thưởng lãm.

Chia sẻ với Báo Phụ Nữ TP.HCM, nhà sưu tầm Nguyễn Thiều Quang cho biết: “Tôi không ngại gửi tranh đến các triển lãm, nhưng tôi quan trọng đơn vị tổ chức là ai, vì việc bảo quản tranh, vận chuyển tranh cần kỹ càng. Với Sotheby’s, tôi hoàn toàn tin tưởng, vì họ là nhà đấu giá tranh lớn. Có những việc tôi chưa biết thì họ đã am hiểu từ lâu, nên tôi không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào kèm theo. Với triển lãm lần này, tôi thấy mình học hỏi được nhiều thứ về cách bảo quản, trưng bày tranh và có cơ hội nhìn ngắm những bức tranh mà tôi chưa từng được thấy. Đây là cơ hội tốt cho người xem và giới sưu tầm tranh”. 

Những bỡ ngỡ cần thiết 

Với việc chào sân tại Việt Nam của Sotheby’s - một trong những nhà đấu giá lâu đời trên thế giới - giới chuyên môn kỳ vọng trong tương lai, sẽ có thêm những nhà đấu giá khác đến Việt Nam để tổ chức các sự kiện hội họa chất lượng. Sotheby’s cũng đã nghĩ đến việc thành lập một chi nhánh tại Việt Nam và điều này gợi mở nhiều tín hiệu đặc biệt tốt cho những người yêu hội họa trong nước.

Sự tăng lên về mặt số lượng, chất lượng của các hoạt động hội họa theo thời gian cần tỷ lệ thuận với thói quen thưởng lãm tranh chuyên nghiệp hơn của cộng đồng người xem tranh Việt. Tại triển lãm Hồn xưa bến lạ, một bảng nội quy với 14 điều được ghi rõ để người xem tranh tuân thủ quy định. Có một số yêu cầu như tắt chuông, không nghe điện thoại trong không gian triển lãm, không làm ồn, nếu mang ba-lô lớn cần cầm trên tay thay vì trên vai, không chụp ảnh bằng những thiết bị chuyên nghiệp… Trước mỗi bức tranh, một vạch kẻ được dán để giữ đúng khoảng cách 1m giữa người xem tranh với tác phẩm. Một số quy định được đặt ra không hoàn toàn mới, bởi tại vài triển lãm lớn của Việt Nam đã từng áp dụng. Nhưng khác ở chỗ, Hồn xưa bến lạ áp dụng và thực hiện quy định gắt gao hơn khiến nhiều người xem bỡ ngỡ. Trong đó, một vài quy định khá lạ với người xem.

Trong những ngày triển lãm diễn ra, đội ngũ nhân viên liên tục phải nhắc nhở người xem không vượt quá vạch kẻ để giữ khoảng cách với tranh. Lượng người xem quên tắt chuông điện thoại, nghe điện thoại trong lúc xem tranh vẫn có. Sự thiếu chuyên nghiệp này không quá đáng trách, vì trước nay không nhiều sự kiện hội họa làm gắt gao các quy định, và người xem chưa kịp hình thành thói quen tuân thủ.

Một góc không gian triển lãm Hồn xưa bến lạ.
Một góc không gian triển lãm Hồn xưa bến lạ.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho biết triển lãm Hồn xưa bến lạ là cơ hội quý để giới mộ điệu Việt Nam được nhìn ngắm tranh Đông Dương. Nhất là những người trẻ học trong các trường mỹ thuật vốn chỉ mới xem tranh Đông Dương qua mạng xã hội, hoặc nhắc trong tài liệu. Đây là sự kiện quan trọng, và mới, nên cũng cần thời gian để làm quen với những quy chuẩn cần thiết. Triển lãm Hồn xưa bến lạ đã tạo ra những cột mốc mới với hội họa Việt. Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, sự kiện cũng giống như một lớp học thu nhỏ. Và tới đây, chúng ta sẽ học được nhiều điều cả về hội họa lẫn cách tổ chức sự kiện tầm cỡ.

Hồn xưa bến lạ đặt ra một cột mốc mới cho hội họa Việt, tạo tiền đề cho những sự kiện chất lượng hơn trong tương lai. Cũng từ đây, việc nâng tầm thói quen thưởng lãm chuyên nghiệp hơn cần được quan tâm đúng mực, để tạo sự phát triển đồng bộ trong bức tranh hội họa Việt. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI