Bộ GTVT yêu cầu làm rõ các hãng bay "nuốt" phí sân bay khi khách bỏ vé

13/05/2021 - 12:21

PNO - Trước tình trạng khách hàng bỏ vé máy bay tăng do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, dù một số hãng có chính sách hoàn tiền khi trả vé, nhưng không hoàn các khoản phí sân bay - khoản tiền đáng lẽ nếu dùng dịch vụ khách mới phải trả.

Trong văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối  hợp với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP, các hãng hàng không liên quan nghiên cứu, xử lý vấn đề nêu trên. Đồng thời, báo cáo  kết quả thực hiện về Bộ GTVT trước ngày 17/5/2021.

Khách hàng đang chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quốc Thái
Khách hàng đang chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - Ảnh: Quốc Thái

Hiện tại, trong cơ cấu giá thành vé máy bay (chặng nội địa) luôn bao gồm: tiền vé, thuế giá trị gia tăng (VAT); phí sân bay, soi chiếu an ninh, phí quản trị hệ thống...

Phí sân bay hiện tại áp dụng theo Thông tư 53 của Bộ GTVT với mức thu 100.000 đồng (cho sân bay mở 24/24g), 60.000 đồng cho các sân bay Côn Đảo, Điện Biên, Rạch Giá, Cà Mau và 80.000 cho các sân bay còn lại. Phí an ninh soi chiếu và hành lý 20.000 cho toàn bộ sân bay.

Tuy nhiên, khi khách hàng đặt vé trên hệ thống của các hãng bay, ngoài trả tiền vé, thuế, phí liên quan… còn buộc phải trả thêm mức tiền chung khi các hãng bay khai thác sân bay tạm gọi “phí an ninh sân bay”. Và khi hành khách không thực hiện chuyến bay (bỏ vé) mà không được hoàn tiền vé bay (do quy định của hãng, thường là các vé bay giá rẻ), khoản tiền phí sân bay và phí an ninh kia cũng không được trả lại. Nhiều hành khách thắc mắc, vì sao mình không dùng dịch vụ nhưng vẫn mất phí này, và số tiền đó ai được hưởng?

Cũng trong Thông tư 53, hành khách thanh toán các khoản phí cho hãng bay khi mua vé, hãng thu hộ đơn vị cung cấp dịch vụ. Số tiền thanh toán của hãng bay cho bên sân bay trên cơ sở sân bay lập danh sách hành khách của các chuyến bay và gửi về cho các hãng hàng không thanh toán. Các hãng bay được hưởng 1,5% hoa hồng từ sân bay.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho rằng, Cảng chỉ thống kê khi khách qua khâu soi chiếu. Do đó, nếu khách đặt vé mà không thực hiện chuyến bay, tất nhiên tiền mà hãng thu hộ sẽ không báo cho sân bay.

Hiện nhiều hãng chỉ hoàn tiền vé và phí thu hộ với một số hạng vé, phổ biến nhất là hạng Business Class (thương gia). Nhưng với loại vé không được hoàn (vé giá rẻ), cả tiền vé lẫn phí các hãng bay cũng không chi trả cho khách.

Chúng tôi có liên hệ với một số hãng hàng không như Bamboo Airways hay Vietjet Air, hầu hết đều từ chối phản hồi về vấn đề này. Còn đại diện Vietravel Airlines thì cho biết, hãng có thực hiện việc hoàn trả phí cho khách nếu khách bỏ vé, vì đây là một trong những chủ trương vận hành minh bạch.

Hãng bay không trả tiền cho khách, có lý hay vô lý?

Bà Phan Thị Việt Thu – Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng TPHCM - cho rằng khi khách hàng đồng ý mua vé với một hãng là đã xác lập mối quan hệ, hợp đồng mua bán. Loại vé giá rẻ, vé tiết kiệm thường sẽ có quy định là khách huỷ là mất luôn vé, điều khoản này khách mua vé là đã chấp nhận. Và các hãng hoàn toàn có quyền không trả lại các phần dịch vụ riêng lẻ cho khách là không có gì vô lý.

“Đó là thoả thuận cá nhân giữa khách hàng và người cung cấp dịch vụ, vì quy định để cấu thành một tấm vé hoàn chỉnh có cả việc khách hàng phải chi trả cho các phí dịch vụ liên quan. Sân bay hay thủ tục soi chiếu an ninh là dịch vụ bị “phụ thuộc”, nên hãng không thể xé lẻ dịch vụ bồi thường, chi trả riêng cho từng khách, mà thường dựa vào quy định hoàn, trả theo từng hạng vé”, bà Thu cho hay.

Ngược lại, luật sư Trần Đức Phượng – Thuộc đoàn Luật sư TPHCM, việc các hãng hàng không thu hộ phí sân bay, nhưng khách chưa thực hiện trải nghiệm, sử dụng dịch vụ tại sân bay thì hãng phải có nghĩa vụ trả lại tiền phí sân bay cho khách dù là hạng vé nào đi chăng nữa. Nếu khách đơn phương huỷ vé, tương tự như chấm dứt hợp đồng với hãng bay thì cứ chiếu theo thoả thuận là phạt phí huỷ vé. Nhưng khoản phí sử dụng dịch vụ của bên thứ ba buộc hãng bay phải thanh toán, trả lại cho khách hàng, không nên nhập nhằng. Trong khoản thu đó nếu có liên quan đến một số bên thứ ba, thứ tư như đại lý bán vé, phòng vé... thì có thể tính toán trừ vào khoản tiền theo sự đồng thuận của khách và hãng.

“Mà theo tôi các đơn vị cung cấp dịch vụ (ở đây là sân bay) không ai đi thu tiền trước cả, người ta chỉ dựa trên con số thông kê rồi báo cáo về về đơn vị chi trả (ở đây là hãng hàng không). Có chăng bên đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ yêu cầu hãng bay đặt trước một khoản tiền sử dụng dịch vụ, đại loại như tiền đặt cọc. Nhưng đúng là khách không dùng dịch vụ sân bay thì mọi chi phí bắt buộc hãng bay phải trả lại cho khách”, luật sư Phượng bày tỏ.

Luật sư Phượng cho rằng, điều vô lý ở các hãng bay hiện tại là các hãng đưa ra các hạng vé như “phổ thông tiết kiệm” làm hạn chế nhiều quyền lợi của người tiêu dùng, trong việc hoàn, đổi trả vé và các dịch vụ đi kèm…, bất lợi luôn nằm ở phía người tiêu dùng.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI