Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói gì về Nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ đồng?

16/10/2018 - 18:32

PNO - Chiều 16/10, tại phiên bế mạc Hội nghị Thành ủy lần thứ 18, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã giải đáp về những băn khoăn về việc HĐND TP thông qua việc xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại Thủ Thiêm.

Về một số ý kiến nói rằng tiền đền bù cho người dân Thủ Thiêm chưa có, tại sao xây nhà hát 1.500 tỷ đồng, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đây là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Bi thu Nguyen Thien Nhan noi gi ve Nha hat giao huong 1.500 ty dong?
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân

Việc đền bù, TP vẫn đang làm theo quy trình. Sau khi có kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thường vụ Thành ủy đã họp nhiều lần chỉ đạo và UBND TP đang xây dựng 11 giải pháp để thực hiện kết luận. Khi xây dựng xong dự thảo sẽ gặp dân, trao đổi với dân. Sau đó mới ban hành giải pháp. Tiền đền bù cho dân sẽ sử dụng tiền ngân sách và sẽ không đụng đến tiền nhà hát.

Nhà hát phục vụ cho ai? Trả lời băn khoăn này, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói rằng 100 năm trước người Pháp xây Nhà hát lớn khi dân số thành phố lúc bấy giờ khoảng 100.000 người. Đã hơn 100 năm, đến nay chúng ta vẫn sử dụng nhà hát này, chứng tỏ họ có tầm nhìn xa.

Hiện nay TP.HCM có 10 triệu dân, 5 triệu lao động, cao gấp 3 lần năng suất lao động của cả nước. Ngoài ra, còn có 100.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc tại TP. Việc xây dựng nhà hát giao hưởng đáp ứng nhu cầu trực tiếp của người dân và dần hình thành nhu cầu cho những người chưa có nhu cầu. Ngoài ra, cũng còn để phục vụ nhu cầu giao lưu. Hiện nay, rất nhiều đoàn văn nghệ quốc tế đến giao lưu không có nhà hát để biểu diễn. Ngoài giao hưởng, múa ba lê, opera, vẫn có thể tổ chức các hoạt động văn nghệ khác ở nhà hát này. 

Ông Nguyễn Thiện Nhân nói, nhà hát giao hưởng của TP được thành lập từ năm 1993, những ngày đầu tiên chỉ có 20 nghệ sĩ, hiện nay 200 người. Họ diễn hàng tháng, tuy nhiên, đang phải đi ở trọ. Văn phòng đặt dưới Nhà hát thành phố, dàn nhạc ở rạp Thanh Vân, nghệ sĩ múa tập ở lầu 3 Thư viện Khoa học tổng hợp. Ba nơi này một năm tiền thuê hết 900 triệu đồng ngân sách.

Hiện nay, đoàn giao hưởng ca vũ kịch của TP có chương trình Giai điệu mùa thu hàng năm đã trở thành thương hiệu. Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định lực lượng văn nghệ hiện hữu sẽ sử dụng hiệu quả nhà hát này. Ông Nhân cho biết, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung TP.HCM giai đoạn 2011-2015 có 7 công trình trọng điểm, trong đó có Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch. Qua nhiều kỳ đại hội của TP.HCM, đều nhắc đến việc phải xây dựng các công trình văn hóa tiêu biểu, trong đó có nhà hát này, lẽ ra phải hoàn thành từ năm 2015.

Bi thu Nguyen Thien Nhan noi gi ve Nha hat giao huong 1.500 ty dong?
 

Tại sao đưa nhà hát giao hưởng về Thủ Thiêm? Bí thư Thành ủy cho biết, lúc đầu TP dự kiến đưa về Công viên 23/9, nhưng 3 đường giao thông ở đây tiếp cận khó, hơn nữa công viên là của nhân dân, nên TP quyết định đưa nhà hát về Thủ Thiêm. Nơi đây đã có sẵn một số công trình như trung tâm triển lãm, quảng trường… nên việc đặt nhà hát ở Thủ Thiêm là tương thích.

Tiền ở đâu làm nhà hát 1.500 tỷ đồng? Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, trong nhiệm kỳ này, riêng tiền xây trường học và bệnh viện là 34.600 tỷ đồng, gấp 23 lần tiền xây nhà hát, tức chỉ 4,3%. Còn nhà hát, chúng ta chờ đợi 25 năm, nếu so với tiền xây dựng trường học và bệnh viện trong 3 nhiệm kỳ gần đây khoảng 57.860 tỷ đồng (gấp 38 lần, chiếm 2,6%); nếu so với tổng chi ngân sách TP trong 3 khóa gần đây thì xây nhà hát chiếm 0,4%.

“Đây là số tiền không nhỏ, nhưng chúng ta đã có kế hoạch cho nhà hát và không phải không quan tâm xây dựng trường học và bệnh viện”, Bí thư Thành ủy nói.

Từ việc lý giải những băn khoăn trên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân rút kinh nghiệm: “Nội bộ có thông tin khá đầy đủ nhưng chủ động thông tin cho dư luận thì chúng ta chưa lường hết, người dân hiểu chưa đầy đủ nên có những băn khoăn”.

Về giải pháp khắc phục, ông Nhân cho rằng cần kiến nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy, Thường trực HĐND và UBND TP ký kết chương trình phối hợp truyền thông trước và sau các kỳ họp để chủ động nhiều hơn trong thông tin, cần thành lập Trung tâm báo chí. Ông Nguyễn Thiện Nhân nói, có ý kiến cho rằng việc tổ chức phiên họp bất thường chỉ để thông qua dự án này. “Họ không hiểu điều này do luật quy định, nghĩ rằng có gì giấu giếm căng thẳng lắm, nên chưa hiểu, bức xúc” – ông Nguyễn Thiện Nhân lý giải.

Người đứng đầu Thành ủy cho rằng, xung quanh vấn đề xây dựng nhà hát giao hưởng, TP lắng nghe ý kiến nhiều chiều. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trước khi thông qua dự án này, đã có những đoàn khảo sát, có thể thông tin trước đó không được báo chí đăng tải nhiều nên còn một số băn khoăn. Do đó, ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý cần phải xem lại công tác truyền thông. 

Trước đó ngày 8/10, tại kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM đã thông qua tờ trình của UBND TP về việc xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại Thủ Thiêm. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP (từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022. Chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa và Thể thao. 

Ba quý có 59 đảng viên bị xử lý

Tại phiên bế mạc Hội nghị Thành ủy lần thứ 18, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã thông tin kết quả thực hiện Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, kết quả thực hiện quy định này cho thấy có nhiều tiến bộ. Việc tiếp thu xử lý thông tin trong quý 3 đã nhiều hơn hẳn so với các quý trước (846 tin phản ánh so với hai quý trước cộng lại là 477 tin). Quý 3, việc xử lý cán bộ qua phản ánh của dân cao gấp đôi so với 2 quý trước. Cụ thể, về phía Đảng có 40 cán bộ bị xử lý so với 19 cán bộ ở hai quý đầu năm. Về phía chính quyền, xử lý 65 công chức so với hai quý trước chỉ có 28 công chức. Điều này cho thấy Quy định 1374 đã có tác dụng xử lý kịp thời các cán bộ vi phạm.

Trong số 59 đảng viên bị xử lý trong ba quý đầu năm, có 1 đảng viên bị khai trừ, 3 đảng viên bị cách chức, 8 đảng viên bị cảnh cáo và khiển trách 47 đảng viên. Về phía chính quyền, trong số 93 công chức bị xử lý có 2 người buộc thôi việc, cách chức 10 người, cảnh cáo 20 người và khiển trách 60 người.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng nhìn nhận qua kết quả thực hiện Quy định 1374 cho thấy những trường hợp vi phạm không phải phát hiện qua nội bộ mà qua phản ánh của người dân, báo chí.

Gia Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI