'Bát quái trận đồ' thực phẩm 'tự xưng' organic

31/03/2017 - 15:27

PNO - Sản phẩm gắn mác organic xuất hiện nhan nhản khắp nơi, từ trái cây, rau củ, thịt cá đến các loại sữa, phô-mai… từ các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch uy tín đến cửa hàng online. Người tiêu dùng chẳng biết đâu mà lần.

Hai hãng sữa lớn của Việt Nam vừa chính thức tung ra thị trường sản phẩm sữa organic (hữu cơ) với quy trình và chứng nhận rõ ràng, công khai. Tuy nhiên, trên thực tế các sản phẩm gắn mác organic xuất hiện nhan nhản khắp nơi, từ trái cây, rau củ, thịt cá đến các loại sữa, phô-mai… Từ các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch uy tín đến cửa hàng online, các trang trại, doanh nghiệp (DN) đều đua nhau giới thiệu sản phẩm của mình là organic. Người tiêu dùng (NTD) chẳng biết đâu mà lần. 

'Bat quai tran do' thuc pham 'tu xung' organic
Để đạt chứng nhận organic, mỗi sản phẩm phải được đánh giá hàng trăm lần

Loạn!

Thực phẩm hữu cơ (organic food) còn được gọi là thực phẩm tự nhiên (natural food) hay lành mạnh (healthy food), là những thực phẩm “nông nghiệp hữu cơ” (organic farming): có nguồn gốc từ hệ thống canh tác và chăn nuôi tự nhiên, không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, diệt cỏ…

Giữa “ma trận” thực phẩm bẩn hiện nay, giải pháp organic tất nhiên rất được NTD ưa chuộng. Vì vậy, không ít cửa hàng theo nhau trưng biển “Thực phẩm organic”; rầm rộ quảng cáo kiểu như “Sản phẩm (SP) 100% hữu cơ” hay “Thực phẩm dinh dưỡng tự nhiên, siêu sạch”… để thu hút NTD; dù thực tế không biết những thực phẩm đó “sạch” tới đâu.

Tại cửa hàng có biển bán thực phẩm hữu cơ T.N. trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM), các SP đều có giá cao ngất ngưởng: đậu cô ve Nhật 45.000đ/kg, bông cải 85.000đ/kg, mồng tơi 55.000đ/kg, rau dền 50.000đ/kg, rau muống 65.000đ/kg...

Tuy nhiên, quan sát bao bì, chúng tôi không thấy có thông tin gì thể hiện đó là SP organic. Hỏi nhân viên, chúng tôi được giải thích là SP trồng đạt chuẩn VietGAP nhưng theo hướng hữu cơ (?).

Tương tự, một cửa hàng treo biển rau sạch hữu cơ trên đường Phạm Viết Chánh (Q.1, TP.HCM) đã thu hút được khá đông khách hàng giới văn phòng. Những SP ở đây như măng tây, nấm linh chi trắng, cà chua, cà rốt… có giá cao gấp bốn-năm lần so với SP thường; nhưng nhìn kỹ tem dán trên khay cà chua và xà lách lại không thấy thông tin nào liên quan đến hữu cơ, chỉ có tiêu chuẩn G.A.P.

'Bat quai tran do' thuc pham 'tu xung' organic
 

Người bán giới thiệu SP được trồng ở trang trại hữu cơ trên Đà Lạt. Nhưng khi chúng tôi hỏi làm sao phân biệt được đây có đúng là rau hữu cơ không thì chủ hàng không trả lời, chỉ nói: “Cửa hàng bán đã nhiều năm, khách đã quen thương hiệu. Nếu khách hàng không tin tưởng thì đã không trụ được đến hôm nay. Chúng tôi kinh doanh luôn đặt chữ tâm lên hàng đầu, chị có thể yên tâm về chất lượng”.

Tại cửa hàng thịt heo hữu cơ T.H trên đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM), giá cũng đắt gấp ba lần so với thịt heo thường. Hỏi một khách hàng làm sao chắc chắn đây là heo hữu cơ, chị nói: “Thật ra mình tin người bán là chính chứ cũng không rõ. Nghe họ nói heo này không có chất kháng sinh, không nuôi bằng thức ăn tăng trọng thì là organic chứ còn gì”. Cũng theo chị, thực phẩm hữu cơ có bao bì đẹp, có tên cơ sở kinh doanh rõ ràng nên cũng yên tâm.

Ngay cả những loại thực phẩm ăn chơi cũng được gắn mác hữu cơ vô tội vạ. Nhân viên cửa hàng tiện lợi Minh Ngọc (Q.Bình Tân, TP.HCM) thấy tôi dắt theo con gái nhỏ nên nhanh nhẩu tư vấn: “Ở đây tụi em có nhiều thực phẩm bổ sung dinh dưỡng hữu cơ, chế biến hoàn toàn tự nhiên, không có chất bảo quản, rất tốt cho bé như bánh gạo, yaourt, phô-mai, snack…

Hàng Việt Nam và nhập khẩu đều có đủ”. Quan sát các SP trên, ngoài bao bì có đóng mộc nhỏ với dòng chữ “hữu cơ”, “organic” hoặc “thiên nhiên”… thì các thành phần của SP không có chi tiết nào có thể khẳng định đây là SP hữu cơ cả, nhưng giá lại không hề rẻ! Ở nhiều khu chợ lẻ cũng xuất hiện không ít quầy sạp trưng biển “hữu cơ” cho SP của mình.

Tiểu thương giải thích đơn giản: rau không phun thuốc, cá sông, thịt nhà nuôi bằng bắp, đậu… chính là hữu cơ. Về phần NTD thì cứ nghe quảng cáo thực phẩm “tự trồng, tự nuôi” cũng mặc định đó là sạch. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến thị trường thực phẩm hữu cơ trở nên hỗn loạn, giá cả bị đội lên vô chừng.

'Bat quai tran do' thuc pham 'tu xung' organic
 

Tại chợ tự phát dưới chân cầu Ông Lãnh, khi người bán tự nhận hàng của mình là rau tự nhiên hữu cơ nhưng không hề được bao gói, chúng tôi hỏi giấy tờ chứng nhận thì người bán nói ngang là “muốn biết mời xuống trang trại" (?).

Việt Nam chưa có tổ chức nào chứng nhận sản phẩm organic

Trong khi hàng ngàn loại thực phẩm gắn mác hữu cơ vô tư bày bán tràn lan thì thực tế, số DN, trang trại đạt chứng chỉ này chỉ mới đếm trên đầu ngón tay. Không hề dễ nếu muốn một SP được công nhận nuôi trồng theo hướng hữu cơ. Theo giới kinh doanh thực phẩm hữu cơ, để chứng nhận một SP rau hữu cơ, đầu tiên DN phải gửi mẫu đất qua cho một tổ chức ở nước ngoài.

Mẫu đất bắt buộc phải không có hóa chất. Sau khi phân tích, nếu đạt yêu cầu, DN mới được phép canh tác hữu cơ. Tiếp theo, sẽ có chuyên gia từ nước ngoài sang kiểm tra diện tích đất DN canh tác là bao nhiêu, trồng loại nào, theo quy trình gì, vật tư cũng bắt buộc phải chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của thế giới… tất cả chi phí DN phải tự lo.

Ngoài ra, sau khi được cấp giấy chứng nhận hữu cơ, DN phải đóng khoảng 1.700 USD/năm. Quy trình chứng nhận này lặp lại mỗi năm, tốn kém không nhỏ. Để biết SP có thật sự đạt chứng nhận hữu cơ không, người mua có thể vào trang web đã cấp giấy chứng nhận hữu cơ, nhập mã số của đơn vị được cấp sẽ thấy thông tin cụ thể.

Chị Phạm Phương Thảo - Giám đốc hệ thống phân phối thực phẩm hữu cơ Organica với các SP đã đạt chứng nhận EU Organic và USDA Organic chia sẻ, làm giấy tờ chứng nhận SP hữu cơ là một quy trình dài, tốn kém và gian nan. Một mẫu SP ít nhất cũng phải qua 122 lần đánh giá chỉ tiêu, thậm chí đến 550 lần. Hiện nay, chưa có một tổ chức nào tại Việt Nam kiểm tra, chứng nhận SP hữu cơ. 

'Bat quai tran do' thuc pham 'tu xung' organic
 

Ông Võ Minh Khải - Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú Organic & Healthy Food bức xúc cho rằng, hiện đang có tình trạng lạm dụng chữ “organic” để lừa gạt NTD mà chưa có cơ chế kiểm soát. “Xã hội đang bấn loạn với chuyện “hữu cơ”, 90% nhà sản xuất đã lạm dụng chữ “sạch” để quảng cáo, trong khi thực tế vẫn phun hormon, thuốc diệt cỏ mà chẳng có luật nào bảo vệ NTD” - ông Khải nói. 

Đánh giá xu hướng thực phẩm hữu cơ trên thị trường hiện nay, ông Nguyễn Thế Thành - chuyên gia quản trị chất lượng Vasep cho rằng, không có khác biệt nhiều giữa thực phẩm hữu cơ và thực phẩm trồng theo phương pháp thông thường; nhưng ưu điểm của thực phẩm hữu cơ là bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái.

“NTD hiện đang có phần hoang mang, mất niềm tin với SP “sạch” vì thị trường đang “nhiễu loạn” thông tin về thành phần sử dụng, tính năng SP và loạn cả về chuyện chứng nhận. Các loại chứng nhận quy chuẩn HACCP cấp quá dễ, Non-GMO (không biến đổi gen) cũng quá nhiều, VietGAP thì lùm xùm việc cấp chứng nhận tràn lan. Vì thế, NTD chẳng biết đâu mà lần” - ông Thành nhấn mạnh.

Vì sao thực phẩm mạo nhận organic để bán giá cao xuất hiện tràn lan mà không thấy cơ quan chức năng nói gì? Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết: “Xu hướng hiện nay là DN tự chứng nhận chất lượng SP và tự chịu trách nhiệm. DN được quyền sản xuất, kinh doanh những gì luật pháp không cấm.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của NTD, rất cần có khung pháp lý cho thực phẩm organic. Việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn hàng đối với các cơ sở sản xuất, DN cũng rất quan trọng để nâng cao chất lượng SP, ổn định thị trường. Ở góc độ quản lý nhà nước, Sở Công thương sẽ rà soát lại việc nhập hàng, truy xuất nguồn gốc SP organic trên thị trường”. 

Trong khi đó, ông Tống Xuân Chinh - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng khẳng định, Việt Nam chưa cấp chứng nhận hữu cơ cho một DN nào. Hiện Bộ đang theo dõi quy trình xây dựng tiêu chuẩn hữu cơ. Dự kiến sẽ có bộ quy chuẩn hữu cơ trong một-hai năm tới. Trong thời gian này, chúng tôi chỉ đang xem xét chấp nhận tiêu chuẩn của các tổ chức nước ngoài”.

 Kim Ngân

Từ năm 2006, Bộ NN&PTNT đã có quyết định mang tên “Hữu cơ - tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chế biến” nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc cấp chứng nhận và giám sát chất lượng SP nông nghiệp hữu cơ. Một số nhà sản xuất SP hữu cơ được chứng nhận từ các tổ chức quốc tế như Control Union, IFOAM…

Đây là những tổ chức độc lập, việc thẩm định và cấp chứng nhận dựa trên uy tín của họ và từ chính đánh giá của NTD chứ không phụ thuộc sự công nhận của chính quyền hay các hiệp hội địa phương.

THỰC PHẨM HỮU CƠ PHẢI ĐÁP ỨNG TIÊU CHÍ:

- Môi trường sản xuất chỉ được phép đặt tại các khu vực sạch sẽ (xa khu vực công nghiệp và đường giao thông, trong đất không chứa bất kỳ chất độc hại nào, ngay cả những hướng gió cũng được kiểm tra để phát hiện chất độc hại).

- Trong nông nghiệp: không được sử dụng các chất diệt cỏ, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm, hạt giống biến đổi gen, thiết bị nông nghiệp.

- Trong chăn nuôi: không dùng các chất như hormon sinh trưởng, bột xương, kích thích tố và thuốc kháng sinh.

- Trong chế biến và sản xuất nguyên liệu: tránh việc sử dụng chất bảo quản, màu sắc, hương vị, chất cô đặc, sản phẩm biến đổi gen, công nghệ độc hại và bao bì nhựa.

Năm 2000, Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố quan điểm chính thức về thực phẩm hữu cơ. Theo đó, thuật ngữ “hữu cơ” chỉ các sản phẩm sản xuất dưới sự ủy quyền của đạo luật Sản xuất Thực phẩm hữu cơ (ra đời năm 1998).

Minh Thu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI