Bình phim cũ:

Bao giờ chúng ta sẽ lại đu đưa trong Kỳ nghỉ ở Rome?

12/03/2020 - 07:32

PNO - Chán ngấy với lịch trình dày đặc, với cuộc sống kẻ hầu người hạ bên trong bốn bức tường cung điện, công chúa quyết định trốn khỏi “ngục tù“ quý tộc.

Roman Holiday - người trẻ trước năm 1975 mê đắm với Kỳ nghỉ ở Rome - kể về câu chuyện tình cực quyến rũ giữa nàng công chúa “đào tẩu” và chàng phóng viên “rách như tổ đỉa”. Dù khi ra mắt vào năm 1953, bộ phim được định dạng thể loại hài lãng mạn, nhưng khán giả đã đón nhận nó như một siêu phẩm “tình một đêm” hoàn hảo của Hollywood qua tay đạo diễn William Wyler.

Hoàn toàn vô danh ở tuổi 24, đào nương Audrey Hepburn đã đi vào huyền thoại cho vai diễn công chúa Ann lấp lánh, bên cạnh nam tài tử Gregory Peck danh tiếng khi ấy đã gần “bốn bó”, đủ độ xuềnh xoàng của một tay nhà báo “nanh vuốt”. Chuyện phim khởi đầu bằng chuyến công du được cả thế giới háo hức theo dõi của công chúa qua các thành phố London, Amsterdam, Paris, chặng cuối ở Rome - nơi nàng phải dự nhiều cuộc tiếp kiến hầu gắn kết quan hệ thương mại giữa xứ sở và các quốc gia Tây Âu.

Chán ngấy với lịch trình dày đặc, với cuộc sống kẻ hầu người hạ bên trong bốn bức tường cung điện, nên cái đêm định mệnh ở La Mã với Ann thật đáng mời gọi. Công chúa quyết định trốn khỏi “ngục tù“ quý tộc để được nhìn thấy thế giới còn lại. Ở đó, mọi cô gái trẻ trung được tự do ăn kem, cắt tóc ngắn, dạo chơi bằng xe máy, ngồi cà phê vỉa hè, khiêu vũ trên sông Tiber và thậm chí, muốn “mặc” cái gì trên người lúc ngủ cũng chẳng ai ý kiến…

Niềm vui thuần khiết của Ann được chắp cánh ngay cái đêm cô rời cung điện bởi sự ân cần của “thảo dân” Joe Bradley. Từ chiếu bạc bước ra, tay phóng viên thường trú của hãng thông tấn Mỹ ở thủ đô nước Ý bắt gặp một cô ả nằm vất vưởng trên ghế đá quảng trường. Hình tượng nhân vật hoàng gia không hề bị khán giả “gièm pha”, bởi ai cũng biết công chúa “say khướt” vì bị ngấm thuốc ngủ do ngự y đã tiêm trước đó, chứ không phải quá chén như gã nghĩ.

Tìm mọi cách đưa cô gái trẻ về nhà nhưng nàng dường như đã “sập nguồn”, bất đắc dĩ Joe phải đưa Ann về căn phòng trọ mà anh hãy còn nợ hơn hai tháng tiền thuê. Tự nguyền rủa số phận run rủi vào chuyện điên rồ xảy ra đêm trước, chàng nhà báo càng uất hận hơn khi tỉnh dậy vào 12g trưa hôm sau, trong khi có lịch hẹn phỏng vấn với… công chúa lúc 11g45. Joe làm sao biết được “vận may” của mình sẽ là một chuyện động trời của thế kỷ: người nằm ở sofa nhà anh, chính là công chúa Ann.

Tin tức công chúa đột ngột ngã bệnh được loan ra, và các cuộc triều kiến đều hoãn lại. Chỉ mỗi Joe hối hả chạy đến tòa soạn với lời nói dối: mới phỏng vấn công chúa về! Tất nhiên, không mất nhiều thời gian để chàng phóng viên ranh ma nhận ra thân phận của cô gái lạ.

Vì vậy, lời nói dối của anh lại trở thành cuộc mặc cả với trưởng phân xã hãng tin của mình: trả bao nhiêu cho bài phỏng vấn độc quyền công chúa Ann trên mọi phương diện từ quan điểm chính trị, cho đến ý tưởng một Liên minh châu Âu trong tương lai, hoặc nếu cần, cả chuyện tình yêu đôi lứa? Cái giá được đưa ra và sức công phá của bài viết đủ để Joe có một chuyến khải hoàn về New York trong cương vị một đại nhà báo.

Thế nhưng, mọi kế hoạch của Joe đã phá sản bởi tình yêu của họ. Cái vẻ xảo quyệt bên ngoài của anh từ từ tan chảy dưới sự quyến rũ của Ann, cho đến khi anh quyết định bảo vệ nàng trước sự truy đuổi của mật vụ hoàng gia, thay vì khai thác người yêu cho một bài báo long trời lở đất. Anh cũng đã quyết định không bao giờ công bố những bức ảnh paparazzi “có một không hai” như công chúa hút điếu thuốc lá đầu tiên, công chúa đánh kẻ truy đuổi bằng cây đàn guitar… do một đồng nghiệp được Joe thuê chụp trong suốt một ngày họ rong ruổi khắp thành Rome.

Một trong những điều kỳ diệu nhất của Roman Holiday là nó được quay hoàn toàn tại La Mã. Những điểm “check-in” trong phim đặc trưng cho thành phố bảo tàng đến độ tờ The New York Times đã không quá lời khi tuyên bố: đến Rome, chỉ cần sử dụng bộ phim như một “tour guide”.

Các tòa nhà cổ kính còn được sử dụng như một biện pháp tương phản với khuôn mặt trẻ trung, mới tinh của Audrey Hepburn. Và điều thú vị không thể không nhắc tới, đó là cảnh đôi tình nhân đèo nhau tham quan “thành phố vĩnh hằng” trên một chiếc Vespa. Hình ảnh truyền cảm hứng cho vô số du khách khi đến Rome đều phải thực hiện điều tương tự để 
trải nghiệm. 

Xuyên suốt bộ phim, Ann mang trong mình ánh hào quang cô đơn, nhưng lại gắn kết người đàn ông mình yêu bằng trí tuệ của sự cảm thông, hiểu biết lẫn nhau, chứ không phải thân xác. Rồi không giống như tất cả các câu chuyện cổ tích, sự tưởng tượng phải kết thúc, cho dù đó là vào lúc nửa đêm Lọ Lem về với thực tại, hay khi công chúa Ann dũng cảm hiểu rằng cô phải trở về với trách nhiệm vương quốc. Dường như cả Ann và Joe đều đưa ra quyết định, dù đối với sâu thẳm mỗi người, đó không phải là điều họ muốn.

Roman Holiday kết thúc bằng một thực tại xen lẫn buồn vui, nếu không muốn nói là hụt hẫng. Trong một cuộc họp báo chật ních các phóng viên, hai kẻ yêu nhau kết thúc cuộc tình bằng một vài từ ngữ đã được “mã hóa” hệt như bài thơ mà lúc say thuốc ngủ, Ann đã đọc cho Joe nghe:

“Nếu như em đã chết và được chôn cất/ Em vẫn nghe thấy giọng nói của anh/ bên dưới cỏ/ trái tim em/ tro bụi/ vẫn sẽ reo mừng”.

Ánh nhìn cuối cùng giữa hai nhân vật chính có thể khiến bạn phải bật khóc, nhưng đồng thời cũng mang lại đủ đầy hy vọng cho bản thân người xem trong nỗ lực tự viết phần tiếp theo câu chuyện tình yêu của chính mình. Thật đáng ngất ngây!

Kỳ nghỉ cùng các nhân vật huyền ảo có thể đang hoàn toàn không hề dễ chịu ngoài đời thực, trước dịch bệnh tấn công nước Ý, châu Âu và cả thế giới. Nguyện xin các tình nhân sẽ lại được sớm đu đưa trên những chiếc Vespa dạo quanh các “thành phố vĩnh hằng” bằng niềm hy vọng: bình minh rồi sẽ trở lại với Rome, với hành tinh của chúng ta, dù cho dịch bệnh đang đe dọa. Bởi dưới lớp cỏ, dưới tro bụi, chúng ta cũng vẫn nghe được lời yêu thương của nhau mà

Đoàn Phó Ba

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI