Báo động tình trạng trẻ em mắc 'bệnh người già'

14/10/2017 - 05:30

PNO - Tình trạng tăng huyết áp ở học sinh, trong đó, tỷ lệ học sinh trung học phổ thông mắc bệnh là 17%, trung học cơ sở 15% và tiểu học 13%.

Tại lễ tổng kết dự án “Cộng đồng vì trái tim khỏe” được tổ chức mới đây, bác sĩ (BS) Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp (THA) trong cộng đồng ngày càng cao, chiếm khoảng 25%. Điều đáng báo động là tình trạng THA ở học sinh, trong đó, tỷ lệ học sinh THPT mắc bệnh là 17%, THCS 15% và tiểu học 13%. Do quan niệm THA là bệnh của người già, nên nhiều người vẫn còn chủ quan, thờ ơ với căn bệnh này. 

Bao dong tinh trang tre em mac 'benh nguoi gia'
Trẻ cần được kiểm soát huyết áp, để tránh bệnh chuyển biến nặng


“Con nít mà lên máu nỗi gì?”

Trong giờ tập thể dục của một trường tiểu học ở Q.Gò Vấp, bé Nguyễn V.M., 6 tuổi, lê từng bước nặng nề vì cân nặng “quá tải” so với tuổi (38kg) và khi chưa chạy được nửa quãng đường theo yêu cầu của giáo viên thì M. lảo đảo, mặt tái xanh sắp ngất. Thầy giáo nhanh chóng đưa M. lên phòng y tế, em được đo huyết áp. Chỉ số huyết áp của M. làm ai cũng giật mình: 180/110 nên cô giáo gọi điện cho gia đình lên đón về. 

Bà ngoại của bé đến đón. Vừa nghe nhân viên y tế nói M. bị THA, bà đã trợn mắt: “Con nít mà lên máu nỗi gì? Mấy người bắt nó chạy quá sức nên nó mệt, giờ muốn chối chớ gì? Nó là con cưng, từ đó đến giờ có làm gì nặng đâu, giờ thầy cô bắt nó chạy, nó không mệt, không xỉu mới lạ!”.

Mặc nhân viên y tế và giáo viên thể dục, giáo viên chủ nhiệm khuyên bà nên đưa bé đến bệnh viện khám vì bé bị béo phì, nguy cơ THA cao, bà kiên quyết: “Nó có bệnh tật gì mà khám?”.

Hôm sau, M. vẫn đi học bình thường. Tuy nhiên, bé có biểu hiện mệt mỏi, than đau đầu và sau giờ cơm trưa thì ói. M. được đưa lên phòng y tế nằm nghỉ, nhưng em than chóng mặt, đau đầu. Đo huyết áp, chỉ số vẫn cao như hôm trước. 15 phút sau, M. được đo lại huyết áp, chỉ số vẫn không thay đổi.

Bao dong tinh trang tre em mac 'benh nguoi gia'
Ảnh: Phạm An

Cô giáo gọi điện thoại cho mẹ M. và 20 phút sau bà ngoại của em lại đến rước. Lần này bà đổ thừa “nhà trường cho cháu tui ăn gì nên nó mới bị ói”. Ngay khi bà đưa M. về nhà, cô giáo chủ nhiệm đã gọi điện thoại cho mẹ M., kể rõ sự tình và khuyên chị nên đưa M. đi bệnh viện khám, vì mấy lần đo, huyết áp của em đều tăng. Tối đó, mẹ của M. gọi điện xin lỗi và cảm ơn cô giáo vì sau khi đưa M. đi khám ở Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, BS xác định M. bị THA nguyên phát. 

Có một thực tế, trong suy nghĩ của nhiều người, THA mặc nhiên là bệnh của người lớn, không liên quan gì đến trẻ em. Do vậy, hầu hết phụ huynh đều thờ ơ với căn bệnh này và khi con có vấn đề về sức khỏe, tuyệt nhiên chẳng ai nghĩ đến do chứng THA mà ra.

BV Mắt từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị mờ mắt, phụ huynh nghĩ con đọc sách, chơi điện thoại nhiều nên bị cận thị. Đưa con đi khám mới lòi ra: bé không bị vấn đề về tật khúc xạ, mà nguyên nhân gây mờ mắt là do chứng cao huyết áp mà bố mẹ không hay. 

Trẻ sơ sinh cũng bị tăng huyết áp

Không chỉ có trẻ lớn, mà cả trẻ sơ sinh, nhũ nhi cũng bị THA. Đây thường là đối tượng rất dễ bị bỏ qua, bởi phụ huynh không bao giờ nghĩ tới khái niệm “THA ở trẻ sơ sinh”.  Vì lẽ đó, không ít trẻ từ bị THA thoáng qua, do không phát hiện sớm nên trở thành THA mạn tính.

Bao dong tinh trang tre em mac 'benh nguoi gia'
Ảnh: Phạm An

Với THA ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi, theo ThS- BS Đỗ Nguyên Tín - Phó khoa Tim mạch BV Nhi Đồng 1 - đó là những trường hợp THA thứ phát, nghĩa là THA bẩm sinh, mà nguyên nhân là do bệnh lý. 

Bé Lê Yến N., 4 tháng tuổi ở Q.8, từng làm cha mẹ mừng hụt vì một tháng tăng gần 2kg, người bụ bẫm ai nhìn cũng cưng. Tuy nhiên, bé ít ngủ và hay quấy khóc. Gia đình tưởng bé bị thiếu canxi, vitamin D nên tự mua về bổ sung cho bé.

Thế nhưng, bé vẫn quấy khóc và rất hay bị nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hóa. Thấy vậy, gia đình đưa bé đến BV Nhi Đồng 2 khám thì các BS thấy bé có dấu hiệu trữ nước, cho kiểm tra phát hiện bé bị THA. Nguyên nhân là do suy thận cấp nên cơ thể giữ muối, nước gây THA. 

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều nguyên nhân gây THA thứ phát ở trẻ em - nhất là trẻ sơ sinh, nhũ nhi như viêm cầu thận, hẹp động mạch thận, nhu mô thận… Còn nguyên nhân gây THA nguyên phát ở trẻ em (do lối sống), chủ yếu là do thừa cân, béo phì, lười vận động.

Hiện nay, tỷ lệ trẻ béo phì ở nước ta ngày càng gia tăng, trong một báo cáo gần đây, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết, tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì ở cả 3 cấp học (tiểu học, THCS, THPT) đã tăng lên 41,9%. Trong đó có 19% học sinh bị bệnh béo phì. Đặc biệt, theo BS Ngọc Diệp, “gần như 100% trẻ béo phì đều THA. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại về sức khỏe học đường”. 

Tại Việt Nam, THA hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Ước tính hiện nay nước ta có khoảng 12 triệu người bị THA, nghĩa là  trong năm người trưởng thành thì có một người mắc. Do đó, THA ở trẻ em nếu không được ngăn chặn sớm sẽ dễ trở thành vấn nạn quốc gia về sức khỏe. 

Theo BS Ngọc Diệp, thừa cân và tiêu thụ muối quá mức là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh THA ở trẻ em. Nhiều trẻ em chỉ thích thức ăn nhanh, nước uống có ga, cùng những món ăn đường phố có nhiều muối như bánh tráng trộn, khoai lắc, trái cây ngâm muối đường… Vì vậy, phụ huynh cần hạn chế những thực phẩm có hại cho sức khỏe của trẻ, nên ăn nhiều rau củ, trái cây… và khuyến khích trẻ tăng cường vận động. 

Những trường hợp nào trẻ cần được đo huyết áp?

Vì tần suất THA ở trẻ em không nhiều như người lớn và việc đo huyết áp không dễ dàng thực hiện nếu trẻ không hợp tác, nên đo huyết áp không bắt buộc thực hiện ở tất cả trẻ đến khám bệnh.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo,  trẻ nên được đo huyết áp khi thăm khám, ít nhất 1 lần trong những lần khám sức khỏe. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, chỉ đo huyết áp trong một số trường hợp đặc biệt:

Tiền sử sinh non, rất nhẹ cân, hoặc biến chứng trong thời kỳ sơ sinh cần được hồi sức tích cực.

Tim bẩm sinh đã phẫu thuật hoặc chưa phẫu thuật. Nhiễm trùng tiểu tái phát, tiểu máu hoặc tiểu đạm tái phát. Bệnh thận hoặc các dị dạng đường niệu đã biết trước đây. Tiền sử gia đình bị bệnh thận bẩm sinh. Ghép tạng đặc. Bệnh ác tính hoặc được ghép tủy. Dùng thuốc có nguy cơ làm THA. Các bệnh hệ thống khác có liên quan đến THA (như đa u sợi thần kinh). Có bằng chứng tăng áp lực nội sọ.

ThS-BS Đỗ Nguyên Tín

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI