Bàn phương án 'quét' sạch sách rác

21/01/2015 - 15:00

PNO - PNO - Vấn đề nằm ở yếu tố con người và phải có biện pháp xử lý đủ tính răn đe.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tọa đàm chủ đề Những cuốn sách làm ô nhiễm môi trường giáo dục thanh thiếu niên - Thực trạng và giải pháp (do Hội xuất bản Việt Nam phối hợp cùng Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM tổ chức sáng ngày 21/1) đã mổ xẻ thẳng thắn, đa diện về thực trạng làm sách ẩu của ngành xuất bản trong những năm qua. Bằng thái độ quyết liệt và đồng lòng, các nhà làm sách chân chính đã cùng nhau tìm cách ngăn chặn “sách rác” gây ô nhiễm văn hóa đọc.

Ban phuong an 'quet' sach sach rac

Sách rác tràn lan - lỗi do đơn vị liên kết hay NXB?

Buổi tọa đàm có sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo ngành xuất bản, các đơn vị làm sách cùng đại diện thế hệ độc giả trẻ - đối tượng đang phải chịu ảnh hưởng lớn từ nguồn sách rác trong thời gian qua. Phát biểu đề dẫn, ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chi nhánh phía Nam nêu rõ: “Các loại sách làm ô nhiễm môi trường giáo dục thanh thiếu niên: sách giáo dục lịch sử, đạo đức, khoa học, tự điển… có chất lượng kém, biên soạn cẩu thả, nội dung nhảm nhí, phản cảm, kiến thức và ngôn từ lạc hậu, thậm chí sai. Vấn nạn này đã diễn ra trong nhiều năm qua, lăp đi lặp lại bởi một số dạng tác giả, nhóm biên soạn ở một số NXB, đối tác liên kết”.

Ông Lê Hoàng cũng nêu ra những vấn đề cần làm rõ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do đâu: năng lực và trách nhiệm cá nhân hay buông lỏng quản lý? Đối tác liên kết làm càn hay do đời sống khó khăn, NXB làm liều bán giấy phép?. “Vấn đề này cần phải được mổ xẻ toàn diện, đa chiều và thực tế hơn” - ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM yêu cầu.

Ban phuong an 'quet' sach sach rac

Một số sách đúng và sai quy định luật xuất bản được trưng bày tại tọa đàm

Có thể thấy ở tọa đàm lần này, các bài tham luận đã nêu sâu sát vào vấn đề, nhìn nhận một cách tổng quát và trực diện vấn nạn sách rác. Nhiều câu chuyện làm sách “cười ra nước mắt” được các nhà làm sách chia sẻ.

Ông Vũ Đình Thân - Giám đốc công ty TNHH TMDV văn hóa Gia Vũ, kể: “Năm 2008 tôi có người bạn mới về làm giám đốc NXB, đi tìm đối tác, và đơn vị liên kết này gửi đến cho ông 200 tác phẩm. Tất cả sách đều có tên tác giả là tiến sĩ, thạc sĩ. Giám đốc NXB tìm tôi nhờ tư vấn, tôi bảo chỉ cần mời một trong những tác giả đến để tôi làm việc thông qua. Nhưng chủ đối tác liên kết nói rằng nếu muốn cấp phép để lấy tiền quản lý phí thì làm, chứ tác giả đó cũng chính là tôi. Nếu không thì cũng có nhiều NXB khác xếp hàng. Tình trạng xào sách, lấy cuốn này ghép với cuốn kia là cho ra một cuốn sách mới thì làm sao có chất lượng?”.

Nhà báo Lưu Hà - báo VnExpress từng có thời gian làm việc cho một đơn vị “xào sách” thời mới ra trường, kể lại quy trình làm sách đáng sợ của cái gọi là “làm sách liên kết”. “Một bạn cỡ tuổi mới ra trường như tôi, đang viết sách về kinh nghiệm trồng cây, giải thích: chỉ cần đưa ra một danh sách các loại cây mình muốn, sau đó xào nấu từ nhiều nguồn sách vậy là thành sách kinh nghiệm. Giữa đơn vị liên kết và NXB chỉ là mối quan hệ cộng sinh, một bên có tất cả, chỉ thiếu giấy phép và một bên thiếu tất cả chỉ có giấy phép”.

Ban phuong an 'quet' sach sach rac

Ông Vũ Đình Thân - Giám đốc công ty TNHH TMDV văn hóa Gia Vũ phát biểu

Những cuốn sách gây chấn động trong thời gian qua: Bộ luật sự và văn bản hướng dẫn thi hành năm 2014, Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc, Từ điển dành cho học sinh của Vũ Chất, Đồng dao dành cho trẻ em mầm non (NXB Mỹ thuật), Phép cộng trừ phạm vi 100 của tác giả Hoàng Long… đều là sách liên kết.

“Nhưng không thể đỗ lỗi cho các đơn vị liên kết làm ô nhiễm ngành xuất bản, mà ngược lại họ đã góp phần tạo ra hiệu quả rất lớn cho ngành xuất bản trong những năm qua. Có chăng là do NXB khó khăn, làm liều, thanh gọn các khâu biên tập, rút ngắn thời gian biên tập, không cần hậu kiểm. Cho nên, vấn đề là cần phải có huy hoạch, điều chỉnh lại số lượng lẫn chất lượng của các NXB theo một kế hoạch tổng thể trong vòng nhiều năm, có mục tiêu cụ thể” - tham luận từ đại diện đến từ Bộ Công an nhấn mạnh.

Không thể nói suông

Đây không phải là lần đầu tiên những vấn nạn về sách được mang ra mổ xẻ, tìm kiếm giải pháp khả thi. Nhưng chưa có năm nào ngành xuất bản lại rơi vào tình trạng “ê chề” như năm qua với những vụ sai sót, cẩu thả gây chấn động và làm mất niềm tin của công chúng. “Mỗi NXB phải tự kiểm điểm, phải thấy cho được lỗ hổng trong quy trình quản lý ở đâu mà đề ra biện pháp khắc phục. Các cơ quan quản lý cũng cần nghiêm khắc hơn trong việc duyệt và xác nhận đăng ký đề tài cho NXB, phải dựa trên năng lực thực sự và chức năng của NXB. Dứt khoát không được để các NXB địa phương làm từ điển ngôn ngữ, từ điển chuyên ngành!”- ông Lê Hoàng nhấn mạnh.

Ban phuong an 'quet' sach sach rac

Rất nhiều giải pháp được đề ra: nâng cao năng lực quản lý, năng lực biên tập, bổ sung nguồn nhân lực…, nhưng vấn đề chính yếu hội nghị xoáy vào vẫn là yếu tố con người. Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục xuất bản yêu cầu: Cần phải triển khai kế hoạch thanh kiểm tra diện rộng trên phạm vi cả nước; kiên quyết xử lý, xử phạt nghiêm minh, ngoài phạt hành chính còn áp dụng các hình thức phạt bổ sung: đình chỉ hoạt động, tước giấy phép hoạt động, thu hồi chứng chỉ hành nghề biên tập… Phải như vậy mới răn đe được các cá nhân, đơn vị làm sách sai phạm.

399 xuất bản phẩm vi phạm bị phát hiện, xử lý trong năm 2014. Trong đó, Cục Xuất bản, In và Phát hành xử lý 1 xuất bản phẩm do Sở Thông tin Truyền thông cấp phép và 398 xuất bản phẩm của 43 đơn vị xuất bản, với các hình thức: thu hồi, đình bản, sửa chữa, đính chính... Ngoài ra, Cục xuất bản, In và Phát hành cũng xử lý các xuất bản phẩm mạo danh NXB, in lậu và lưu hành bất hợp pháp.

 
TIỀU QUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI