Ban hành chuẩn chương trình đào tạo đại học, cao học ngành vi mạch bán dẫn

15/05/2025 - 14:55

PNO - Bộ GD-ĐT vừa ban hành Quyết định số 1314/QĐ-BGDĐT về Chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT) ngành vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ.

Đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn tại Trung tâm Phenkia, Trường ĐH Phenkia. Ảnh: T.T
Đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn tại Trung tâm Phenkia, Trường đại học Phenkia - Ảnh: T.T

Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học xây dựng, rà soát, cập nhật chương trình đào tạo, phục vụ Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chuẩn CTĐT này đặt ra những yêu cầu chung tối thiểu đối với các chương trình đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn ở bậc đại học và thạc sĩ. Nội dung bao gồm mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, chuẩn đầu vào, cấu trúc chương trình, phương pháp giảng dạy, đánh giá kết quả học tập, đội ngũ giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất và học liệu.

Quá trình xây dựng chuẩn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, lấy ý kiến từ các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp tuyển dụng và cựu sinh viên. Chuẩn cũng tham khảo CTĐT của các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền công nghiệp bán dẫn phát triển như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...

Chuẩn CTĐT được thiết kế theo Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT, bảo đảm tương thích với các bậc trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Trên cơ sở này, các cơ sở đào tạo có thể xây dựng các chương trình ngành chính, ngành phụ, liên ngành hoặc song bằng về vi mạch bán dẫn, tùy theo điều kiện thực tiễn.

Ngoài kiến thức chuyên ngành, chương trình hướng đến trang bị các kỹ năng liên ngành như lập trình, mô phỏng, phân tích dữ liệu, nhằm giúp người học thích ứng với tốc độ thay đổi nhanh của công nghệ và môi trường làm việc toàn cầu. Các trường có thể giảng dạy một phần hoặc toàn bộ chương trình bằng tiếng Anh để nâng cao năng lực ngoại ngữ và tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.

Với phương pháp tiếp cận “lấy người học làm trung tâm”, việc đánh giá kết quả học tập sẽ dựa trên cả lý thuyết và năng lực thực hành, khả năng giải quyết vấn đề thực tế, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp.

Chuẩn đầu ra của chương trình phải đáp ứng các yêu cầu của Khung trình độ quốc gia và phù hợp với đặc thù từng ngành đào tạo, sử dụng thang năng lực Bloom làm căn cứ xác định mức độ năng lực ở từng trình độ. Chuẩn đầu vào cũng được quy định rõ về trình độ, năng lực và kinh nghiệm, bảo đảm người học đủ khả năng theo học và tốt nghiệp thành công.

Chuẩn CTĐT ngành vi mạch bán dẫn được kỳ vọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, phục vụ chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn quốc gia trong giai đoạn tới.

Bích Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI