Bài học điềm tĩnh từ 12 người đàn ông giận dữ

05/07/2020 - 19:13

PNO - Một tác phẩm trắng đen có bối cảnh gói gọn trong một căn phòng. Suốt phim chỉ có những đoạn hội thoại, tên các nhân vật cũng không được đề cập, họ chỉ được gọi bằng những con số và cụm từ chung chung như ông lão, người phụ nữ, thằng bé, vậy mà cuốn hút người xem từ đầu đến cuối.

Tác phẩm 12 người đàn ông giận dữ (12 angry men, đạo diễn Sidney Lumet) ra đời cách đây 63 năm, nhưng những bài học ứng xử, thông điệp nhân văn mà phim để lại đến nay vẫn còn giá trị, nhất là trong thời điểm hiện tại, dư luận đang quan tâm đến một vụ án giết người mà mọi chứng cứ pháp lý còn chưa vững chắc, tương tự như tình huống đặt ra trong phim. 

Có tội hay vô tội?

Chuyện phim bắt đầu tại một phòng xử án ở New York (Mỹ) với bị cáo là một cậu nhóc 18 tuổi bị buộc tội giết cha. Một bồi thẩm đoàn gồm 12 người đàn ông thuộc nhiều ngành nghề, lứa tuổi được mời đến để biểu quyết cậu nhóc có tội hay vô tội, sau khi đã nghe các lời khai tại tòa.

Vị thẩm phán số 8 (thứ hai từ trái sang) luôn giữ bình tĩnh dù bị người khác chỉ trích, nhạo báng
Vị thẩm phán số 8 (thứ hai từ trái sang) luôn giữ bình tĩnh dù bị người khác chỉ trích, nhạo báng

Nếu tất cả đều nhất trí “có tội”, thủ phạm sẽ lên ghế điện, nhưng chỉ cần 1 trong 12 vị cho rằng “vô tội”, vụ án sẽ được xem xét lại. Bất ngờ xảy ra ở lần biểu quyết đầu tiên khi vị thẩm phán số 8 tin đứa bé vô tội, bởi theo ông: “Đây là mạng sống của một con người, chúng ta không thể quyết định trong 5 phút”.

Lập tức ông bị các thành viên còn lại chỉ trích, chế giễu, bởi trong vụ án này nhân chứng, vật chứng đều có. Một ông lão sống ở căn hộ tầng dưới khai đã nghe hai cha con cãi nhau, thằng bé hét lớn: “Tôi sẽ giết ông”, một lúc sau ông nghe có tiếng động mạnh ở tầng trên, tiếng mở cửa, tiếng chân người… nên từ trong nhà lao ra xem, và thấy một bóng người chạy xuống cầu thang. Một người phụ nữ sống ở ngôi nhà đối diện bên kia đường khai đã thấy cảnh giết người khi đứng bên cửa sổ. Hung khí là con dao có lưỡi với cán khá đặc biệt, và dù trên dao không có dấu vân tay, nhưng tòa vẫn xác định là của thủ phạm 18 tuổi dựa theo lời khai của người bán dao và đám bạn đã từng thấy con dao dắt trong người cậu bé.

Không nao núng trước sự công kích của đám đông, vị thẩm phán số 8 bình tĩnh phân tích những điểm bất hợp lý trong các chứng cứ buộc tội. Ông trưng ra một con dao giống hệt hung khí mà mình đã mua vài ngày trước ở một cửa tiệm gần khu nhà cậu bé sinh sống, để thấy rằng không đủ cơ sở kết luận cậu bé là người duy nhất sở hữu con dao đặc biệt như tang vật. Ông phân tích những điểm mâu thuẫn trong lời khai của hai nhân chứng, như việc ông lão bị liệt một bên chân không thể di chuyển gần 16m chỉ trong vòng 15 giây để kịp thấy bóng hung thủ, và người phụ nữ bị cận thị không thể nhìn rõ ở một khoảng cách từ bên kia đường, trong đêm tối.

Vậy là từ tỷ lệ 1/11, số người tin cậu bé vô tội tăng lên sau vài lần biểu quyết, để đến cuối cùng, tất cả đều nhất trí cậu bé vô tội. Phim để ngỏ cái kết về việc hung thủ thật sự là ai, bởi có thể cậu bé chính là hung thủ, nhưng câu chuyện về 12 người đàn ông xa lạ cùng ngồi lại để bảo vệ mạng sống của một người mà họ không quen biết, khiến người xem xúc động, bởi đó chính là tình người, là công lý, là lẽ phải - những điều tốt đẹp cần có ở đời.

Tâm tĩnh, trí thông

12 người đàn ông giận dữ cho thấy một tác phẩm điện ảnh không cần kinh phí cao cho những màn hành động nghẹt thở, phục trang công phu, bối cảnh hoành tráng, mà chỉ cần chăm chút cho nghệ thuật kể chuyện, xây dựng tình huống, khắc họa tính cách nhân vật cũng đủ hấp dẫn người xem. Ai tinh ý cũng có thể nhận ra cách đặt góc máy, một số chi tiết nhỏ như việc cây quạt không hoạt động, trời đổ mưa… đã giúp lột tả tâm lý nhân vật, không khí diễn tiến câu chuyện.

Kịch tính phim nằm trọn ở việc sắp đặt 12 người đàn ông xa lạ có tuổi tác, nghề nghiệp, kinh nghiệm sống, tính cách khác nhau vào một căn phòng để mỗi người bộc lộ cá tính, và những cá tính này đối chọi nhau: do dự (vị số 12), nhút nhát (vị số 5), cứng rắn (vị số 6), huênh hoang (vị số 10), hời hợt (vị số 7), điềm tĩnh (vị số 8), thông minh (vị số 9), lý trí (vị số 4)… Không có tính cách nào xấu, nhưng phim để lại bài học về sự bình tĩnh. Bình tĩnh để có cái nhìn khách quan, không bị người khác áp đặt, không bị định kiến dẫn dắt.

Trong mắt 11 vị thẩm phán kia, cậu bé 18 tuổi nhanh chóng được họ tin là thủ phạm giết cha, bởi quá khứ phức tạp của bản thân và gia đình: mẹ mất, cha vào tù, sinh ra và lớn lên trong khu ổ chuột, từng bị cải tạo vì tội ăn cắp. Vì vậy, khi án mạng xảy ra không ai tin vào lời khai của một đứa bé hư hỏng, rằng thời điểm đó em đang đi xem phim, túi quần bị thủng nên rớt mất con dao.

Tất cả người lớn, kể cả luật sư bào chữa cũng không hề thắc mắc, truy vấn nhân chứng, mà lập tức tin vào lời khai của nhân chứng để kết tội cậu bé. Số đông chưa hẳn đã đúng, và ai trong đời chưa từng rơi vào trường hợp bị do dự giữa việc lựa chọn theo đám đông, hay nên đấu tranh cho những gì mình tin là đúng. Vị thẩm phán số 8 chọn cách nêu chính kiến riêng, và bằng thái độ ôn hòa, bình tĩnh, ông đã từng bước thuyết phục những người khác. Giả sử ông giận dữ phản ứng lại khi bị chỉ trích, kết phim hẳn đã khác, và thần công lý có thể bị che mắt.

12 người đàn ông giận dữ đã mang đến bài học về việc rèn được sự bình tĩnh, bởi một tâm trí bình tĩnh có khả năng nhìn thấu mọi thứ một cách logic và rõ ràng. 

Hương Nhu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI