Phía sau đô thành những ngày “thu thay áo mới”

Bài cuối: Màu dân tộc thắm đằm trên tơ lụa

31/08/2020 - 13:51

PNO - Tranh lụa nói riêng, nghệ thuật nói chung, trong mọi làn sóng chung, luôn có những lối đi nhỏ, có ngã rẽ bất ngờ.

Phía sau đô thành những ngày “thu thay áo mới”

Phía sau lời hiệu triệu lên đường của những “đoàn vệ quốc quân một lần ra đi/ nào có mong chi đâu ngày trở về”, vẫn còn đó những tiểu tự sự, những tiếng lòng bé nhỏ bị che lấp bởi tiếng nói của thời cuộc. Qua ba lát cắt văn chương, âm nhạc, mỹ thuật, Báo Phụ nữ TP.HCM muốn phục dựng phần nào diện mạo, tính chất của các lớp trầm tích tư tưởng, tình cảm ẩn sâu trong giới văn nghệ buổi đầu độc lập; để nhìn lại một thời ta đã sống “thép đã tôi thế đấy”, nhưng cũng đầy lãng mạn và tự vấn về hai chữ con-người.

Bài 1: Một khoảng lặng văn chương sau ngày cách mạng

Bài 2: Tình tự lãng mạn của một cuộc cách mạng

Cùng với tranh giấy, tranh lụa là một vật liệu xuất hiện khá lâu đời tại Việt Nam, đã đi vào lịch sử. Nhưng cách của tranh lụa khác, không vội vàng “thay áo mới” trước bối cảnh mới của cách mạng mà vẫn tình tứ với tà áo xưa. Nay đã đủ độ lùi để nhìn lại, thấy rằng, nếu có “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” (Hoàng Cầm), thì cũng sẽ có màu dân tộc thắm đằm trên tơ lụa.  

(Em be cho chim an) Tác phẩm Em bé cho chim ăn (mực và bột màu trên lụa, 65cm x 50cm, 1931) của Nguyễn Phan Chánh từng xuất hiện tại nhà đấu giá Christie’s Hong Kong tối 27/5/2018, được bán với giá tương đương 850.000 USD, chưa tính thuế và lệ phí.
Tác phẩm "Em bé cho chim ăn" (mực và bột màu trên lụa, 65cm x 50cm, 1931) của Nguyễn Phan Chánh từng xuất hiện tại nhà đấu giá Christie’s Hong Kong tối 27/5/2018, được bán với giá tương đương 850.000 USD, chưa tính thuế và lệ phí.

Tất nhiên không phải tất cả, nhưng có thể nói, về mặt vật liệu và chất liệu, thời 1930-1975, sơn dầu giống như những chiến sĩ ngoài tiền tuyến, còn lụa giống như những người mẹ, người chị nơi hậu phương. Sơn dầu, sơn mài, rồi cả màu nước, bột màu thường được chọn để diễn đạt những đề tài đại tự sự, có tính chiến đấu cao, tuyên truyền - mặt trận, trong khi lụa thì không, hoặc rất ít khi. Lụa thường diễn đạt những đề tài đằm thắm, hoài nhớ, hương xa và chân quê. Sau này, nhất là đầu thế kỷ XXI, tranh lụa càng đi vào những riêng tư, thường nhật.

Xét về vật liệu, bảy bức tranh (năm bức sơn mài, hai bức sơn dầu) được công nhận là Bảo vật quốc gia chẳng có tranh lụa. Xét về đề tài, bút pháp và cả “tính chiến đấu”, tại sao Hai thiếu nữ và em bé (sơn dầu, 101cm x 78,4cm, 1944) của Tô Ngọc Vân (1906-1954) và Em Thúy (sơn dầu, 60cm x 45cm, 1943) của Trần Văn Cẩn (1910-1994) được công nhận bảo vật quốc gia, mà tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) thì chưa; trong khi công bằng nhìn nhận, một vài bức tranh lụa của Việt Nam đã hoàn toàn xứng đáng là bảo vật quốc gia? Có lẽ, cả ba đều chỉ diễn tả sự yên bình của đời sống qua vẻ thanh tao của phái nữ. 

Nguyễn Phan Chánh cũng có những tác phẩm “nhập cuộc” khí thế thời đại như Bữa cơm ngày mùa thắng lợi, Vườn trẻ, Lớp mẫu giáo, Sau giờ trực chiến, Bát nước giải lao, Đi chống hạn… nhưng có vẻ “hơi ít” khí thế, nên không thành công bằng những chủ đề thân thuộc của ông. Trong khi đó, những bức như Chơi ô ăn quan, Lên đồng, Em bé cho chim ăn, Rửa rau cầu ao, Tiên Dung và Chử Đồng Tử, Người bán gạo, Người bán ốc… đã thực sự làm cuộc cách mạng về tranh lụa, trở thành những kiệt tác ngày càng được trân trọng.  

Dù nổi danh với sơn dầu, nhưng bức lụa Vỡ mộng (92,5cm x 57cm, 1932) mới là cao giá nhất của Tô Ngọc Vân. Tại phiên đấu giá của nhà Christie’s Hong Kong ngày 26/5/2019, bức này đã bán tương đương hơn 1,1 triệu USD, thuộc Top 5 tranh có giá công khai cao nhất của Việt Nam
Dù nổi danh với sơn dầu, nhưng bức lụa "Vỡ mộng" (92,5cm x 57cm, 1932) mới là cao giá nhất của Tô Ngọc Vân. Tại phiên đấu giá của nhà Christie’s Hong Kong ngày 26/5/2019, bức này đã bán tương đương hơn 1,1 triệu USD, thuộc Top 5 tranh có giá công khai cao nhất của Việt Nam

 Không chỉ có Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tường Lân (1906-1946), Lê Văn Đệ (1906-1966), Mai Trung Thứ (1906-1980), Lê Phổ (1907-2001), Vũ Cao Đàm (1908-2000), Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Tôn Thất Đào (1910-1979), Lê Thị Lựu (1911-1988), Lương Xuân Nhị (1914-2006), Nguyễn Tiến Chung (1914-1976), Bàng Thúc Long (1922-1990)… đều rất thành công với tranh lụa, trở thành một mảng quan trọng trong sự nghiệp cá nhân, tiêu biểu trong lịch sử mỹ thuật, tạo sức hút trên thị trường. 

Ngay cả những danh họa có tinh thần chiến đấu cao như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn… khi vẽ lụa, tự dưng cũng nhẹ nhàng, đằm thắm. Nếu không có tranh lụa, suốt một giai đoạn dài, mỹ thuật chỉ có chiến đấu và xây dựng, tuy hữu hiệu về mặt định hướng hình ảnh, nhưng có lẽ cũng hơi lệch pha và nặng nhọc. Nếu các chất liệu khác thường tỏ ra ưu thế khi diễn đạt các ý tưởng mang tính đại tự sự, thì lụa là tiểu tự sự, có không khí của đời sống tiểu tư sản. 

Trên thị trường quốc tế, Lê Phổ đang là một trong vài tên tuổi thời danh của mỹ thuật Việt Nam, đang dẫn đầu về giá bán. Trong hàng ngàn tác phẩm của ông, mảng tranh lụa giữ một vị thế quan trọng, trở thành một căn cước văn hóa của giới sưu tập quốc tế khi nghĩ về tranh Việt Nam thời kỳ đầu. So với tranh giấy và tranh sơn mài, ngó vậy mà lụa chu du thế giới rộng rãi hơn, có lẽ nhờ độ bền và sự thuận tiện trong vận chuyển.  

Những câu chuyện, những thông điệp trong tranh lụa giai đoạn 1930-1975, mới nhìn tưởng là quá riêng tư của Việt Nam, thậm chí khu biệt trong không khí Bắc bộ, nhưng khi ra quốc tế lại thành một trân phẩm của hương xa. Ngay từ lúc tham gia những kỳ đấu xảo đầu tiên tại Hà Nội và Paris, tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh và vài họa sĩ khác đã thu hút khách quốc tế.  

Tác phẩm Gia đình ngư dân (mực và gouache trên lụa, 67cm x 110cm, 1940) của Lương Xuân Nhị bán gần 605.000 USD tại Christie’s Hong Kong ngày 26/5/2019
Tác phẩm "Gia đình ngư dân" (mực và gouache trên lụa, 67cm x 110cm, 1940) của Lương Xuân Nhị bán gần 605.000 USD tại Christie’s Hong Kong ngày 26/5/2019

Không chỉ mang hồn cốt dân tộc, cách chia tỷ lệ và bố cục nhân vật của Nguyễn Phan Chánh rất hiện đại, khiến nhiều nhà nghiên cứu phương Tây thời bấy giờ ngạc nhiên. Trước đây, tranh lụa Đông phương thường tư duy theo bố cục “thiên-địa-nhân”, nghĩa là vẽ trời đất trước, vẽ người sau, với tỷ lệ nhỏ nhắn, khiêm nhường. Nguyễn Phan Chánh hiện đại hơn nhiều họa sĩ Việt dùng vật liệu và kỹ thuật Tây phương thời kỳ đầu, nếu xét về mặt bố trí nhân vật, tranh ông là “nhân-địa-thiên”, nơi chỉ có những con người sống với nhau, chơi với nhau, mặc cho trời đất thế nào.

Nếu nhìn mở rộng hơn, xét lại các tác phẩm của “Trí, Lân, Vân, Cẩn”, của “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái”, của “Phổ, Thứ, Lựu, Đàm”, và của nhiều họa sĩ khác nữa, thành công nhiều hơn vẫn là khi vẽ những câu chuyện tiểu tự sự, những tự tình riêng. Bùi Xuân Phái (1920-1988) và Dương Bích Liên (1924-1988) thành công với “phố Phái, gái Liên”. Nguyễn Tư Nghiêm (1918-2016) thì thành công với các điệu múa cổ, vẽ con giáp. 

Chiến tranh vệ quốc, giành độc lập, kiến thiết quốc gia là những nghĩa vụ lớn lao, thiêng liêng của cả đất nước. Về mặt nghệ thuật, nếu có ưu tiên cho những điều này trong các giai đoạn nhất định, cũng là điều hết sức bình thường. Trên thế giới và tại Việt Nam đã có không ít tác phẩm thành công với các ưu tiên này. Nhưng tất cả chỉ vì một vài ưu tiên thì cũng không hay.

Rất may và rất hay, lụa nói riêng, nghệ thuật nói chung, trong mọi làn sóng chung, luôn có những lối đi nhỏ, có ngã rẽ bất ngờ, có tinh thần “phù suy chứ không phù thịnh”… Chính điều này đã giúp tìm lại sự hài hòa, cân bằng cho khí quyển nghệ thuật và cả đời sống, giai đoạn đó và cả về sau. 

Lý Đợi

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Quách Liêu 01-09-2020 21:38:48

    Bài viết sâu sắc. Nếu thiếu tranh lụa, mỹ thuật VN sẽ thiểu đi nét dung dị, đằm thắm, thuần khiết vốn có bao người dân vốn giản dị và trang nhã.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI