Bagan - chuyện thần tiên có thật thời hiện đại

25/10/2017 - 14:00

PNO - Sẽ chẳng nói ngoa khi gọi Bagan là vùng đất thần tiên trong những câu chuyện cổ tích còn sót lại của thế giới hiện đại.

Nằm ngay Myanmar, Bagan vốn là một đồng bằng rộng khoảng 16 dặm vuông, uốn lượn theo bờ đông của sông Irrawaddy.

Xen kẽ giữa những tán cây xanh mướt là hàng trăm ngôi chùa và đền cổ do các vị vua của vương quốc Bagan xây dựng từ năm 1057 đến năm 1287.

Vào thời điểm ấy, Bagan liên tục hứng chịu thiệt hại đến từ những trận động đất liên miên và sự xâm lăng của quân Hốt Tất Liệt. Nhỏ bé trước thiên nhiên và thế lực nước láng giềng, người Miến Điện cổ chỉ còn biết bấu víu vào các thế lực siêu nhiên. Từ đó, hàng loạt ngôi chùa đã “mọc” trên mảnh đất này, với niềm tin rằng phước lành sẽ đến với Đức Vua và chính bản thân họ.

Bagan - chuyen than tien co that thoi hien dai
 

Đến nay, trải qua hàng trăm năm, vùng đất từng là vương triều hùng mạnh của 55 đời vua tồn tại suốt 12 thế kỷ giờ đây chỉ còn lại khoảng 2.200 ngôi chùa Phật giáo, những ngôi đền cổ đổ nát chống chọi với sự khắc nghiệt của thời gian và tự nhiên. Người dân chuyển đến sống ở khu Bagan “mới”, còn Bagan “cũ” được chính phủ và UNESCO bảo tồn nghiêm ngặt.

Vốn nhạy cảm với nhịp sống hối hả của một trong những đô thị bùng nổ nhất châu Á, tôi không khỏi “khớp” khi đặt chân xuống con đường đất của Bagan “cũ”. Hàng cây xanh mọc tùy tiện, những con đường đất ngoằn ngoèo, nhịp sống ở đây dường như chẳng đổi thay suốt hàng trăm năm qua.

Vị trụ trì già thong thả đốt cỏ khô, một đoàn nhà sư trẻ đi khất thực, những người phụ nữ đội chiếc giỏ mây trên đầu, di chuyển điệu nghệ như nghệ sĩ xiếc, đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ… tất cả mờ đi rồi lại hiện rõ sau lớp bụi mù khi một chiếc xe thô sơ đời cũ chạy vội qua. Tôi dụi mắt, tần ngần tự hỏi, có phải mình đang lạc ở phim trường của một bộ phim cổ trang nào đó hay không?

Bagan diệu kỳ đâu chỉ nhờ khả năng “bất bại” trước thời gian và quá trình hiện đại hóa, mà còn ở món quà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho vương quốc cổ này. Người ta nói, đến Bagan mà không ngắm mặt trời mọc thì quả thật phí cả một chuyến đi. Nghe “dọa” thế, tôi không ngại một mình đạp xe đến Bagan “cũ” lúc 4g sáng, trèo lên đền Shwegugyi và hồi hộp đợi bình minh lên.

Khoảnh khắc những tia nắng đầu tiên vừa chạm đến vạn vật ở Bagan, tôi chỉ muốn thét lên với cả thế giới, vì những gì đang diễn ra trước mắt thật sự nằm ngoài sự tưởng tượng của mình. Màn sương mù hững hờ phủ trên những ngọn cây, hàng trăm ngôi đền cổ như xé tan bóng tối mà vươn mình lên đầy tự hào, giữa không trung là những quả khinh khí cầu đủ màu sắc lửng lơ điểm xuyết. Tôi chỉ biết chôn chân ở bậc thềm đền Shwegugyi, cố gắng thu hết cảnh tượng ngoạn mục ấy vào trong bộ nhớ.

Bagan còn thần tiên nhờ những con người hồn hậu và tử tế. Ung - tên anh chàng tài xế taxi đón tôi tại bến xe - đáng lẽ chỉ chở tôi đến nhà nghỉ là xong, nhưng cuối cùng lại “la cà” với tôi cả một ngày dài, chở tôi đi thăm những điểm tham quan nổi tiếng, đi đến đâu thuyết minh đến đó như một hướng dẫn viên thực thụ.

Rời Bagan, sau chuỗi ngày rong ruổi, tôi không ngăn được cơn buồn ngủ ập đến khi xe vừa chuyển bánh. Chập chờn trong giấc ngủ, giữa cái mùi đất nồng nồng mà tươi nguyên của vương quốc một thời, chợt văng vẳng trong đầu tôi câu hát chẳng biết dành cho vùng đất nào: “Giấc ngủ vùi chiều hôm, giữa đền đài bỏ hoang…”. 

Vĩnh Trinh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI