Bán báo để… trao học bổng

07/08/2014 - 17:23

PNO - PN - Gần 20 năm nay, ngày nào cũng vậy, dù mưa hay nắng, các chị ở Hội Phụ Nữ (PN) chợ Nguyễn Tri Phương như con ong cần mẫn, vẫn nhận báo về bán để có tiền trao học bổng cho con em cán bộ, tiểu thương của chợ.

edf40wrjww2tblPage:Content

4g sáng một ngày cuối tháng Bảy, tiết trời se lạnh vì còn ảnh hưởng bởi cơn mưa đêm, chị Nguyễn Thị Gòn khoác vội chiếc áo mỏng, lọc cọc đạp chiếc xe cà tàng đến từng tòa soạn lấy báo. 5g30, chở một chồng báo lớn về nhà, chị thoăn thoắt lồng từng tờ quảng cáo vào rồi nhanh chóng đem ra chợ phát cho từng chị tiểu thương. 6g30 chị lại tất tả phụ em gái dọn gian hàng bán quần áo, sau đó đi chợ nấu cơm, lo cho mẹ già để kịp giờ làm việc. Kể về chị, từ anh xe ôm đến chị tiểu thương trong chợ, ai cũng nói đầy vẻ tự hào: “Phó chủ tịch Hội PN đi bán báo chỉ có duy nhất chợ chúng tôi thôi, không ngại khó ngại khổ, chỉ cần có tiền chăm lo cho chị em nghèo là chị làm bất kể ngày đêm”.

Tiếp tôi khi đã bắt đầu vào giờ làm việc, gương mặt chị Gòn vẫn còn lấm tấm mồ hôi vì “dư âm” của hàng tá công việc lúc sáng. Chị kể, cách đây 20 năm, khi Hội PN chợ được thành lập, Quận Hội PN khuyến khích chị em nên đọc báo để tăng kiến thức. “Tụi tôi nghĩ, dù gì các chị cũng mua báo để đọc, sao mình không lấy báo về bán cho các chị. Tôi là tiểu thương nên rất hiểu, việc buôn bán kiếm sống đã vắt kiệt sức và thời gian rồi, còn đâu nhiệt huyết tham gia sinh hoạt Hội. Nhưng việc bán báo, góp quỹ học bổng Nguyễn Thị Minh Khai giúp chính con các chị sẽ là cầu nối gắn các chị với Hội…”, chị tâm sự.

Lúc bắt tay vào việc bán báo, chị cũng sợ mọi người không ủng hộ, nhưng khi nghe bán báo gây quỹ trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, chị nào cũng hưởng ứng. Ngày đó, chợ có 600 tiểu thương, mỗi tổ ngành hàng đều đặt mua bốn-năm tờ rồi chia nhau đọc, mỗi loại báo bán được 100 - 120 tờ/ngày.

Chị Gòn kể, lúc trước, chị Nguyễn Thị Hạnh còn giữ chức vụ chủ tịch Hội PN, tiện đường đi làm nên chị ấy đảm nhận công việc lấy báo, còn chị Gòn sẽ lồng và phát báo. Khi chị Hạnh nghỉ hưu, chị Gòn kiêm luôn cả hai việc. Cực nhất là khi lấy báo trúng những ngày mưa. Không ít lần quần áo ướt rồi khô nhưng chị Gòn quyết không để báo ướt, vì mỗi tờ báo bán được sẽ góp phần tiếp sức ước mơ của các em. Góp nhặt từng đồng lời bỏ ống heo, mỗi năm Hội PN chợ kiếm được từ 10 - 12 triệu đồng để trao học bổng và khen thưởng.

Bán báo dẻ… trao học bỏng

Để có tiền cấp học bổng cho các em, dù cực khổ bao nhiêu, chị Nguyễn Thị Gòn (bìa phải) cũng cảm thấy hạnh phúc

Số tiền trao học bổng không nhiều, nhưng có sức mạnh vô hình gắn kết chị em hội viên với Hội. Năm 2011, thực hiện nghị quyết 11/NQ-CP về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Hội đã thành lập mô hình bình ổn giá tại ngành hàng rau củ quả, bước đầu thu hút 45 tiểu thương tự nguyện tham gia. Về sau, mô hình tiếp tục phát triển ra ngành hàng thủy hải sản, ngành hàng ăn uống… và đều được chị em hưởng ứng.

Để góp phần xây dựng văn minh thương nghiệp, các thành viên còn chủ động tích cực thực hiện phong trào “Người kinh doanh mới” như trưng bày hàng hóa gọn gàng, đẹp mắt, không lấn chiếm lối đi; không bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; không xả rác bừa bãi, không đổ nước bẩn xuống khu vực buôn bán; tự chủ động niêm yết giá, tự tìm nguồn hàng rẻ, tự sản xuất… để kiềm chế “bão giá” và thu hút khách về chợ.

Chị Nguyệt Hường - Tổ trưởng ngành rau đồng 3, có con nhận học bổng suốt 12 năm liền, chia sẻ: “Phần quà nhỏ của chị Gòn vậy mà làm tụi nhỏ vui và thấy tự hào với bạn bè lắm. Là phụ huynh, không chỉ riêng tôi mà tất cả tiểu thương tại chợ rất cảm kích và thấy mình phải có trách nhiệm hơn với các phong trào của Hội”.

Hình ảnh chị Gòn nhẫn nại bao năm với chồng báo trên tay trở thành dấu ấn đẹp trong trái tim, là động lực để các em cố gắng học tập, biết chia sẻ yêu thương. Chị Dương Tú Anh - bán lá xông tại chợ, có con nhận học bổng mười năm nay cho biết, mỗi khi nhận được học bổng, con bé đều lấy số tiền đó gửi tặng lại các em có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Vừa rồi, em đã gửi tặng các em học sinh ngoài Trường Sa 200.000đ. “Tiền học bổng là món quà tinh thần động viên em phải cố gắng học thật giỏi. Em cũng muốn chia sẻ để các bạn nghèo nói chung và các bạn ngoài đảo xa vượt qua khó khăn và cùng cố gắng như em” - Em Trần Tú Nguyệt, con gái chị Dương Tú Anh chia sẻ.

Bán báo để kiếm tiền trao học bổng đã trở thành truyền thống suốt 20 năm và đem lại nhiều hiệu quả tích cực, nhưng lẫn trong niềm vui ấy vẫn phảng phất nỗi lo trên gương mặt chị Gòn. “Công việc buôn bán của tiểu thương ngày càng ế ẩm. Giờ báo điện tử ra nhiều, ai cũng có điện thoại, máy tính để đọc tin tức nên số lượng báo bán ra giảm so với trước, đồng nghĩa với số tiền trao học bổng cho các em ngày càng ít đi” - Chị Gòn bộc bạch.

 Hoa Lài

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI