Ánh sáng xanh ảnh hưởng đến não, gây lão hóa kể cả khi không nhìn màn hình

26/10/2019 - 12:00

PNO - Nghiên cứu mới từ Đại học bang Oregon (Mỹ) cho thấy bước sóng xanh tạo ra bởi các điốt phát sáng làm hỏng các tế bào trong não cũng như võng mạc.

Để đi đến kết luận trên, các tác giả tiến hành thí nghiệm trên loài ruồi giấm thông thường, một sinh vật có cơ chế phát triển, tế bào tương đối giống với động vật và con người.

Trong thí nghiệm, nhóm ruồi trải qua 12 giờ trong ánh sáng LED - tương tự bước sóng xanh lam phổ biến từ các thiết bị như điện thoại, máy tính bảng - và 12 giờ trong bóng tối có tuổi thọ ngắn hơn so với nhóm ruồi sống hoàn toàn trong bóng tối hoặc trong môi trường lọc bỏ ánh sáng xanh.

Anh sang xanh anh huong den nao, gay lao hoa ke ca khi khong nhin man hinh
 

Quá trình tìm hiểu sâu hơn cho thấy, nhóm ruồi tiếp xúc ánh sáng xanh bị tổn thương các tế bào võng mạc và tế bào thần kinh não, từ đó làm suy yếu sự vận động như khả năng bám vào vách lồng nuôi.

Một số con ruồi trong thí nghiệm mang đột biến không phát triển mắt, nhưng chúng cũng bị tổn thương não và suy giảm vận động, do vậy nhóm tác giả kết luận rằng, ảnh hưởng xấu vẫn hiện hữu ngay cả khi đối tượng không tiếp xúc trực tiếp ánh sáng xanh bằng mắt.

Trong báo cáo đăng trên Tạp chí Aging and Mechanisms of Disease, giáo sư Jaga Giebultowicz, trưởng nhóm nghiên cứu viết: “Chúng tôi đo biểu hiện của một số gen ở ruồi và thấy rằng các gen bảo vệ, phản ứng với stress hoạt động mạnh nếu cá thể được giữ trong môi trường ánh sáng. Số ruồi này có tuổi thọ ngắn hơn bình thường và sự sống rút ngắn đáng kể nếu môi trường có nhiều ánh sáng xanh”.

Các tác giả nêu một số biện pháp giúp mọi người tự bảo vệ khỏi ánh sáng xanh như dùng kính mắt với tròng kính màu hổ phách để bảo vệ võng mạc; cũng như thiết lập lại điện thoại, máy tính xách tay và các thiết bị khác sang chế độ hạn chế ánh sáng xanh.

 Ngọc Hạ 

Nguồn ScienceDaily
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI