Ảnh hưởng dịch COVID-19, người dân mua sắm tết tiết kiệm hơn

25/01/2021 - 06:57

PNO - Tết Nguyên đán gần kề, nhưng các dịch vụ mua bán hàng hóa tết ở TPHCM không sôi động như các năm. Có thể thấy, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến thu nhập của đại đa số người dân khiến sức mua giảm đáng kể.

Xu hướng thắt chặt chi tiêu

Chị Ngô Thị Hòa - công nhân một cơ sở may gia công tại Q.Thủ Đức - cho biết vợ chồng chị đều làm công nhân, gửi con ở quê (tỉnh Hải Dương) cho ông bà nội chăm sóc. Tháng 4 và 5/2020, cả hai phải nghỉ việc gần hai tháng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Công ty có hỗ trợ 30 - 40% lương nhưng chừng đó không đủ để chi tiêu và anh chị phải vay mượn thêm để gửi về quê. Tết này, lương, thưởng bị cắt giảm nhiều do đơn hàng trong năm ít, công nhân phải nghỉ luân phiên. Anh chị quyết định ở lại TPHCM để tiết kiệm khoản tiền đi lại, mua sắm quà cáp. 

Một số đồng nghiệp của chị Hòa cũng chọn cách ở lại xóm trọ ăn tết. Họ dự định khi nào nghỉ tết, sẽ cùng nhau gói bánh, làm giò, chả rồi chia nhau ăn tết. “Mấy đồng nghiệp rủ nhau ngày 29, 30 tháng Chạp cùng vào siêu thị để mua được thực phẩm giá rẻ nên chắc tôi cũng đợi lúc đó đi mua sắm tết luôn thể” - chị Hòa chia sẻ.

Người tiêu dùng ngà y cà ng tìm đến các kênh bán hàng giảm giá, khuyến mãi nhiều hơn
Người tiêu dùng ngày càng tìm đến các kênh bán hàng giảm giá, khuyến mãi nhiều hơn

Không chỉ những người lao động xa quê, nhiều người thường trú tại TPHCM cũng cho biết, thu nhập của họ năm nay giảm đáng kể do ảnh hưởng của dịch bệnh nên họ phải tính toán chi li việc mua sắm hàng dịp tết. 

Theo kết quả khảo sát của nền tảng tiếp thị di động Adtima, người tiêu dùng quyết định chi tiêu, mua hàng tết ít hơn, đồng thời cân nhắc nhiều hơn khi mua sắm. Cụ thể, 76% người dùng chủ động tìm kiếm kênh bán hàng cam kết bình ổn giá; 64% tìm kiếm hàng khuyến mãi, giảm giá; 39% lựa chọn nhãn hàng cung cấp hậu mãi và chăm sóc khách hàng. Đặc biệt, 21% khách hàng đã cởi mở hơn với việc chơi game tương tác của nhãn hàng hoặc xem quảng cáo để nhận khuyến mãi đặc biệt.

Hầu hết các nhà sản xuất, bán lẻ đều không rầm rộ ra mắt các sản phẩm mới như mọi năm, thay vào đó đều tiết giảm nguồn hàng, chỉ tập trung vào nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Đại diện Saigon Co.op nhận định, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phần lớn người tiêu dùng sẽ cắt giảm chi tiêu, chỉ tập trung mua các mặt hàng thiết yếu và sẽ sử dụng dịch vụ giao hàng, đặt hàng qua điện thoại nhiều hơn. Vì vậy, siêu thị tập trung khuyến mãi các nhóm hàng thiết yếu và giảm giá sớm, giảm giá kéo dài để người tiêu dùng mua sắm tết dần. Đội ngũ giao hàng, gói quà, trực điện thoại cũng tăng hơn 30% so với năm trước để đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng tết qua điện thoại. 

Bà Nguyễn Thị Bích Vân -  Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam - đánh giá: “Đời sống người dân khó khăn hơn do dịch COVID-19. Giá một số mặt hàng tăng cao do nguồn cung thiếu, chẳng hạn thịt heo. Chúng tôi đã chủ động đàm phán với các nhà cung cấp để có thể thực hiện chương trình bán thịt heo tươi không lợi nhuận, áp dụng từ đầu tháng 1/2021, góp phần bình ổn giá thịt heo mùa tết, giúp người dân dễ dàng mua được thịt heo với giá tốt nhất”.

Ông Nguyễn Thế Sỹ Quý - Phó phòng Thị trường, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) - cũng cho biết để tránh tăng giá, ngoài việc tăng lượng hàng dự trữ, công ty còn đóng gói sản phẩm với trọng lượng nhỏ hơn, giá thấp hơn để người mua dễ chọn lựa. 

Nhóm có thu nhập thấp “ngại” sắm đồ tết

Theo nghiên cứu của Ipsos Việt Nam, tuy có sự khác biệt giữa các nhóm thu nhập nhưng nhìn chung, mọi người vẫn có ý định chi tiêu cho tết năm nay không khác năm ngoái. So với tết trước, ý định chi tiêu cho tết có phần cao hơn trong nhóm có thu nhập cao, hầu như giữ nguyên ở nhóm thu nhập trung bình và giảm khoảng 15% trong nhóm thu nhập thấp.

Người tiêu dùng ngày càng tìm đến các kênh bán hàng giảm giá, khuyến mãi nhiều hơn
Người tiêu dùng "săn"  hàng giảm giá

“Chỉ có một tỷ lệ nhỏ muốn du lịch nước ngoài (9% trong nhóm thu nhập cao, 7% trong nhóm thu nhập thấp). Gần 50% vẫn giữ truyền thống “về quê ăn tết”. Việc số đông về quê ăn tết là cơ hội gia tăng mua sắm các sản phẩm ăn uống. Tuy nhiên, người tiêu dùng có ý định giảm chi đối với thuốc lá, rượu bia, bánh kẹo và các thực phẩm chế biến” - Ipsos phân tích.

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc thương mại Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Vietnam - cũng cho rằng người tiêu dùng ở phân khúc có thu nhập cao, trung bình sẽ không giảm chi tiêu tết. Năm nay, hầu hết các đơn vị kinh doanh đều tung khuyến mãi sớm, kéo dài và liên tục hơn so với mọi năm để kích thích mua sắm tết sớm. Ngược lại, phần lớn người tiêu dùng lại chờ đến cận tết mới mua sắm; thường từ ngày 22 tháng Chạp, sức mua mới tăng cao.

Theo bà Nguyễn Thị Như Ngọc - Giám đốc marketing Kantar Worldpanel - dựa trên báo cáo mùa tết năm 2020, doanh thu ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) dịp tết tăng không nhiều, đồng thời giảm ở phần chi tiêu cho quà tặng. Xu hướng đơn giản hóa mùa tết đã diễn ra trong vài năm trở lại đây, đặc biệt ở nhóm người trẻ. Do đó, việc mua sắm tết năm nay sẽ không sôi động. 

Theo các chuyên gia ngành hàng tiêu dùng, dù tiết kiệm, người tiêu dùng vẫn có mùa tết đủ đầy nếu biết tính toán. Chẳng hạn, cần lên danh sách những thứ cần mua, trong đó xác định những thứ thực sự cần thiết như thực phẩm thiết yếu, đồng thời chọn mua những mặt hàng thuộc chương trình bình ổn thị trường. Hiện nhiều địa phương có chương trình bình ổn thị trường, giá thực phẩm thiết yếu từ chương trình thấp hơn thị trường 10 - 20%. Người tiêu dùng cũng có thể tự tay làm một số món ăn, đồ trang trí trong nhà dịp tết.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI