Ấn Độ theo dõi Biển Đông từ Việt Nam: Đôi bên cùng có lợi!

06/01/2016 - 06:55

PNO - Trạm vệ tinh của Ấn Độ xây dựng tại TP. HCM dựa trên thỏa thuận với ASEAN nên sẽ đem lại hiệu quả cho cả 2 bên.

Hợp tác dân sự

Chiều ngày 5/1/2016, nói với Phunuonline về thông tin Ấn Độ chi 23 triệu USD xây dựng trạm vệ tinh mặt đất đặt tại Việt Nam để theo dõi Biển Đông, ông Nguyễn Xuân Lâm - Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia cho biết, dự án sẽ làm tăng thêm hiệu quả giám sát Biển Đông của Việt Nam trong tương lai.

Hiện tại, Việt Nam đã có nhiều hệ thống giám sát Biển Đông như radar biển tần số cao, vệ tinh VNREDSat-1... Năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã thực hiện dự án lắp đặt hệ thống viễn thám Biển Đông với khả năng cung cấp thông tin trên diện rộng, liên tục, chính xác đồng thời có thể cung cấp cả thông tin về không gian và thuộc tính hóa của đối tượng quan trắc. Hệ thống này sẽ góp một phần vào việc giám sát hiện trạng các hoạt động diễn ra ở khu vực Biển Đông.

An Do theo doi Bien Dong tu Viet Nam: Doi ben cung co loi!
Một thiết bị vệ tinh của Ấn Độ. (Ảnh minh họa: defencenews.in)

Ông Lâm cho hay: "Các hệ thống này đều đang hoạt động rất hiệu quả, thông tin kịp thời, chính xác những diễn biến mới nhất ở Biển Đông, đặc biệt là hành động cải tạo đảo trái phép của Trung Quốc ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Sắp tới, dự án viễn thám Biển Đông của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành sẽ cung cấp nguồn tài liệu bao quát trên diện rộng, có khả năng cập nhật theo chu kỳ và chứa đựng nhiều thông tin khu vực biển tốt như nguồn tin từ ảnh viễn thám”.

Nhưng không phải vì thế mà Việt Nam không cần đến sự trợ giúp, hợp tác của các nước khác trên thế giới. Theo ông Lâm, trên thế giới cũng có nhiều nước tham gia lắp đặt vệ tinh quan sát ở trên lãnh thổ của một nước khác. Trong khi đó, Ấn Độ có nền khoa học kỹ thuật hiện đại vào bậc nhất trên thế giới. Dự án lắp đặt vệ tinh theo dõi Biển Đông tại Việt Nam là hợp tác dân sự nên cũng đáng được hoan nghênh.

"Đây là chương trình hợp tác của Ấn Độ với khối ASEAN. Họ đã lắp đặt các trạm vệ tinh ở các nước Indonesia và Brunei nên cần thêm một trạm ở giữa để kết nối 2 trạm kia lại với nhau, theo vị trí địa lý thì TP. HCM của Việt Nam hoàn toàn phù hợp" - ông Lâm cho hay.

Đồng thời, ông Lâm cung cấp thêm: "Tôi được biết, dự án lắp vệ tinh của Ấn Độ tại TP. HCM chưa được hoàn thiện, chờ ngày kích hoạt như một số thông tin trước đó đã nêu. Dự án mới đang trong giai đoạn xây dựng. Trạm vệ tinh này sẽ không làm ảnh hưởng tới hoạt động của các hệ thống giám sát Biển Đông của Việt Nam đã có trước đó".

An Do theo doi Bien Dong tu Viet Nam: Doi ben cung co loi!
Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây dựng ồ ạt các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông (Ảnh: NYTimes).

Thêm "cánh tay nối dài" của Việt Nam ở Biển Đông

Vì là hợp tác dân sự nên ông Lâm khẳng định, chắc chắn cả 2 nước Ấn Độ và Việt Nam đều có lợi khi dự án này đi vào hoạt động. "Trạm vệ tinh của Ấn Độ sẽ chụp lại toàn bộ hình ảnh ở Biển Đông để phục vụ cho việc nghiên cứu đường hàng hải, tài nguyên thiên nhiên, môi trường, khí hậu ngoài biển. Việt Nam sẽ được Ấn Độ chia sẻ toàn bộ những hình ảnh cũng như thông tin mà trạm vệ tinh này thu được" - ông Lâm cho hay.

Bình luận về sự kiện này, TS Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ cho rằng, đây là dự án cần thiết của Việt Nam với Ấn Độ trong bối cảnh Biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp do có sự can thiệp của nhiều nước khác, đặc biệt là Trung Quốc đang tiến hành cải tạo đảo, thăm dò dầu khí trái phép ở Biển Đông.

"Tôi hy vọng có thêm trạm vệ tinh này, Việt Nam sẽ quan sát tốt hơn trên vùng biển để ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản xa bờ, theo dõi chi tiết tình hình an ninh hải đảo và có thêm chứng cứ chứng minh Trung Quốc đang quân sự hóa thông qua việc cải tạo đảo trái phép ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam" - ông Trục nói.

Để tận dụng dự án một cách hiệu quả nhất, ông Trục đưa ra lời khuyên: "Chúng ta cần phải giám sát chặt chẽ trạm vệ tinh này, yêu cầu Ấn Độ thực hiện đúng cam kết đã ký giữa 2 bên, làm theo luật pháp hiện hành của Việt Nam".

Chi Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI