Ăn 80% - nghệ thuật sống khỏe

26/09/2022 - 06:23

PNO - Ngày nay, khi vật chất đủ đầy, con người có xu hướng thu nạp quá nhiều thực phẩm so với nhu cầu của cơ thể. Hậu quả là tỷ lệ người thừa cân, béo phì và mắc phải các bệnh lý tim mạch, ung thư, tiểu đường… ngày càng tăng cao. Thực hành nguyên tắc ăn 80% theo các nhà dưỡng sinh phương Đông sẽ giúp hạn chế nguy cơ sinh bệnh và sống khỏe.

Ngừng ăn khi còn chưa cảm thấy no

Ăn vừa đủ, nghĩa là dừng lại trước khi có cảm giác no bụng, là lượng thực phẩm chỉ khoảng 70 - 80% sức chứa của dạ dày. Lợi ích của việc này trước tiên là giúp bảo vệ cơ quan tiêu hóa. Hoạt động này liên quan đến toàn bộ các cơ quan trong ống tiêu hóa: răng, miệng, tuyến nước bọt, thực quản, dạ dày, gan, mật, tụy, ruột non, ruột già…

Ăn cân bằng đủ vị và đủ nhóm chất dinh dưỡng là điều kiện để bảo đảm sức khỏe - ẢNH: ĐOÀN PHÚ
Ăn cân bằng đủ vị và đủ nhóm chất dinh dưỡng là điều kiện để bảo đảm sức khỏe - Ảnh: Đoàn Phú

Phủ vị trong y học cổ truyền tương ứng với dạ dày, là nơi chứa, nhào trộn và nghiền nát thức ăn với dịch vị. Hình dung nó như một chiếc máy xay sinh tố, nếu bạn đổ quá nhiều nguyên liệu vào, máy sẽ chạy rất ì ạch. Nếu bạn thường xuyên khiến dạ dày bị quá tải, có khả năng nó sẽ “đình công”. Quá trình tiêu hóa thức ăn không thể diễn ra dẫn đến tình trạng ứ đọng, sinh ra nhiều chứng bệnh tại chỗ như đầy trướng bụng, viêm, loét; và bệnh cho cả hệ thống tiêu hóa như tiêu lỏng, tiêu phân sống; cho cả cơ thể như thiếu máu, suy nhược hoặc ứ trệ các chất gây hại cho cơ thể…

Ăn uống quá nhiều sẽ sinh ra 5 thứ bệnh: đại tiện nhiều, tiểu tiện nhiều, ngủ không yên, trọng lượng nặng, mắc bệnh ăn không tiêu. Hậu quả lớn nhất là sẽ gây tổn thọ. Ngược lại, khi bạn cung cấp một lượng nguyên liệu vừa đủ, quy trình tiêu hóa diễn ra nhẹ nhàng, và việc hấp thu chất dinh dưỡng ở giai đoạn sau cũng trở nên dễ dàng, đầy đủ, đồng thời cơ thể có thời gian để lọc bỏ những chất độc trong thực phẩm (nếu có).

Khi thu nạp thực phẩm, trước tiên cần phải nhai kỹ. Khoa học đã chứng minh, trong khoang miệng có hai tuyến nước bọt chứa một số men giúp chuyển hóa thực phẩm thành các dạng đơn chất, giúp cơ thể dễ hấp thu.

Ăn đầy đủ nhóm chất và ngũ vị 

Cơ thể có 5 tạng (cơ quan) chính là can, tâm, tỳ, phế, thận, tương ứng với 5 vị chua, đắng, ngọt, cay, mặn. Mỗi vị đi vào một tạng và có tác dụng khác nhau. Chẳng hạn, vị chua giúp giảm tiết mồ hôi; vị ngọt giúp bồi bổ; vị đắng giải độc, thanh nhiệt, giáng khí; vị cay hành khí, hoạt huyết; vị mặn chống táo bón, bồi bổ âm huyết… Sách Hoàng đế nội kinh viết: “Điều hòa ngũ vị thì xương mới ngay, gân mới dẻo, khí huyết lưu thông, khe hở giữa các thớ thịt mới khít, cốt khí sẽ tinh, khỏe mạnh sống lâu”.

Không nên ăn quá thiên về một vị nào. Cụ thể, nếu ăn quá mặn sẽ khiến máu bị ứ trong huyết mạch; dùng nhiều thực phẩm vị đắng khiến da khô, lông tóc rụng; lạm dụng vị cay sẽ làm gân co rút, móng tay chân kém nhuận; môi miệng nứt nẻ, bắp thịt xơ cứng nếu dùng quá nhiều vị chua; thừa vị ngọt dễ bị đau khớp, rụng tóc. Đồng thời cũng không nên ăn quá nhiều một loại thực phẩm nào; luôn cân bằng đủ vị và đủ nhóm chất dinh dưỡng là điều kiện để bảo đảm sức khỏe.

Nhiều tác phẩm dưỡng sinh kinh điển còn đặc biệt nhắc nhở về lượng ăn của từng bữa. Ban ngày dương thịnh, cơ thể hoạt động nhiều nên cần được cung cấp năng lượng tương ứng. Càng về chiều tối, phần dương suy, âm thịnh lên, cơ thể thu dần các hoạt động lại; vì vậy chỉ cần một lượng thực phẩm vừa đủ. Nguyên tắc chung là “bữa sáng vừa mà ngon; bữa trưa nhiều mà no; bữa tối nên dùng ít, như vậy sống đến già không lo bệnh tật”.

Chế độ dinh dưỡng thuận theo mùa

Mỗi mùa có đặc tính khác nhau. Thế nên, chế độ dinh dưỡng cũng cần thuận theo mùa. Mùa xuân nên ăn nhiều hoa quả, rau tươi; giảm vị chua, tăng vị ngọt để dưỡng tỳ khí (năng lượng cho cơ quan tiêu hóa); ít chất béo, ít mỡ động vật, hạn chế đồ nếp. 

Sang mùa hè nên dùng thực phẩm có vị chua ngọt vừa phải; tuy nóng nhưng không nên uống nước lạnh vì sẽ khiến tì vị bị hàn, sinh đau bụng, tiêu chảy, đặc biệt là người già.

Vào mùa thu ưu tiên dùng các thực phẩm như: mè, gạo nếp, gạo tẻ, mật ong, sữa tươi, quả táo mèo, dứa, mía; đồng thời nên ưu tiên ăn cháo vào buổi sáng; không nên ăn nhiều rau quả, hạn chế gia vị có tính cay, nóng. 

Đến mùa đông nên chế biến món ăn đậm đà ở dạng hầm, nướng; giàu chất dinh dưỡng; ưu tiên dùng các loại rau quả có sắc đỏ như: cà rốt, cà chua; tăng cường dùng gia vị có tính cay, nóng; không ăn thực phẩm cứng, lạnh.

Đông y sĩ Hà Nguyễn (Hội Đông y quận Phú Nhuận)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI