Âm nhạc và cuộc chiến sang - sến

16/10/2013 - 17:25

PNO - PNO - Bên bảo mình văn minh, bên nói mình trường cửu; cuộc chiến giữa hai phe ủng hộ nhạc "sang" - nhạc "sến" (trong phạm vi ca khúc) không biết bắt đầu tự bao giờ nhưng e rằng sẽ không có hồi kết.

TÔI SANG, TÔI VĂN MINH

Am nhac va cuoc chien sang - senGần một thập kỷ trước, các nhà phê bình âm nhạc đã có một cuộc luận chiến nảy lửa kéo dài nhiều tuần về cái-gọi-là nhạc "sang" và thế nào là nhạc "sến" bởi theo các chuẩn mực chuyên môn thì không hề có những khái niệm này. Không ai mô tả được nhạc thế nào thì mới là sang, kể cả những người tốt nghiệp lý luận âm nhạc. Nhạc sang phải do những tên tuổi viết ra? Không phải. Nhạc sang phải dựa trên nền hoà thanh cổ điển? Kết luận ấu trĩ. Nhạc sang phải có ca từ như thơ, mang tính văn học? Cũng không hẳn bởi trong trường hợp đó nhạc đã bị tách biệt khỏi lời - vốn là thành tố tạo nên nó. Năm ấy, nhạc sĩ Đỗ Bảo đã phải hứng chịu một cơn "mưa đá" khi tuyên bố rằng với anh chỉ có nhạc Tây mới gọi là hay.

Không thể nói "Tôi là ai", nhưng người ta vẫn tự xếp hạng âm nhạc của mình là sang và, có lẽ là để tránh một cuộc tranh cãi khác, sau đó khai sinh ra khái niệm mới: Âm nhạc văn minh.

Trên sân khấu, ở các cuộc thi ca hát, để khen ngợi một thí sinh, họ gọi đó là người có gu âm nhạc văn minh, cách chọn bài văn minh và cách xử lý ca khúc cũng văn minh. Nhiều hơn một lần, trên ghế huấn luyện viên của Giọng hát Việt, nhạc sĩ Quốc Trung chọn những gương mặt "văn minh" vào đội hình của mình và đi tiếp cùng anh trên hành trình âm nhạc. Nghe, xem lại từng phần biểu diễn của các thí sinh The Voice, các thí sinh "văn minh" là những người chọn hát nhạc "kiểu Quốc Trung" với những bản phối, nội dung gần với "phong cách Quốc Trung". Mỹ Linh, Hồng Nhung cũng nhiều hơn một lần nhắc đến khái niệm âm nhạc văn minh khi chọn thí sinh cho đội mình hoặc để khen ngợi một giọng hát mà hầu hết đều thuộc nhóm "hướng huấn luyện viên". Không khó để nhận ra việc các thí sinh đã chọn huấn luyện viên trước khi lên sân khấu vòng giấu mặt.

ANH XƯA, ANH SẾN, ANH BỊ LOẠI

Am nhac va cuoc chien sang - senChuyện sẽ không có gì để phải ầm ĩ bởi ai cũng có quyền tự thấy mình hay, yêu mến các sản phẩm lao động của chính mình. Nhưng khi một số cá nhân thuộc trường phái văn minh ra đòn tấn công nhạc "sến", họ lập tức nhận lại phản ứng của phe "bảo thủ" vốn chỉ thích nghe nhạc xưa, thường đến phòng trà hơn là lâu lâu chi cả triệu đồng để đến một sân khấu "văn minh".

Giở lại hồ sơ cuộc luận chiến nhiều năm cũ, cũng chẳng ai xác định được nhạc sến là thứ nhạc gì, nhưng sự kỳ thị thì đến nay vẫn vậy. Cùng với thời gian, nhạc sến bị đánh đồng với nhạc boléro - một trong vô vàn các điệu nhạc. Người ta gọi nhạc sến là nhạc "kẹo kéo", "bến xe", thậm chí có nhạc sĩ nổi danh còn gọi thẳng thừng nhạc sến là "nhạc ăn mày" và cần phải bị loại bỏ khỏi đời sống âm nhạc.

Các nhân vật ủng hộ "xử tử nhạc sến" đã công khai xuất hiện trên báo chí chỉ trích dòng nhạc boléro, chỉ trích cả những người yêu mến nó là không văn minh, là "không bình thường" và bày tỏ sự thất vọng khi đến thế kỷ 21 mà vẫn còn những con người "mông muội" bám víu lấy những điều xưa cũ.

Nhưng, nhạc sến là nhạc gì? Âm nhạc tử tế là sao? Nhạc sang hay thế nào? Nhạc "kẹo kéo" đáng bị khai tử chưa và bằng cách nào để đưa gu thưởng thức của khán giả lên tầm vóc văn minh như một số nhạc sĩ mong đợi, yêu cầu?

Còn bạn? Bạn thích nhạc gì? Tây hay Ta? Sang hay sến? Bạn cảm thấy thế nào khi bị đánh giá là kém văn minh - toàn nghe nhạc teen, nhạc bến xe? Xin mời cùng trao đổi trong phần comment bên dưới!

PNO

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI