Ám ảnh ‘ma lá ngón’

14/09/2019 - 07:52

PNO - Yêu nhau mà bị ngăn cấm là tìm đến lá ngón; anh em xích mích, bị bố mẹ mắng cũng dùng lá ngón giải quyết. Thậm chí có trường hợp gọi điện thoại cho chồng không nghe máy, cũng khóc rồi hái lá ngón ăn...

"Thuốc độc" mọc đầy bên đường

Những ngày đầu tháng 9, trong niềm vui trở lại trường lớp sau kỳ nghỉ hè, nhiều giáo viên và học sinh trường tiểu học Na Ngoi 1, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vẫn chưa hết nỗi ám ảnh bởi câu chuyện buồn của ngày khai giảng 2 năm trước.

Đó là buổi đi học thứ 2 sau kỳ nghỉ hè của Xồng Bá Dìa, Xồng Bá Xồ và Xồng Bá Rê (cùng học sinh lớp 3). Buổi sáng định mệnh ấy, khi giáo viên hỏi về việc đồ chơi của trường mầm non kế bên bị mất cắp, 3 nam sinh này đã rụt rè đứng lên nhận lỗi của mình.

Am anh ‘ma la ngon’
Cây lá ngón có mặt ở khắp nơi ở vùng cao Nghệ An

Sau khi thừa nhận, cả 3 lo lắng sẽ bị cha mẹ trách mắng nếu biết chuyện nên đã rủ nhau hái lá ngón ăn khi trên đường đi học về nhà. Cả ba được người dân phát hiện và đưa đi cấp cứu ngay sau đó, song em Dìa đã tử vong, hai em còn lại may mắn được cứu sống kịp thời.

Nói đến loại cây tử thần này, nhiều người dân vùng cao Nghệ An vẫn không khỏi ám ảnh bởi có cả nghìn lý do để người ta tìm đến lá ngón.

“Yêu nhau mà bị ngăn cấm là tìm đến lá ngón, anh em xích mích hay vợ chồng giận nhau, bị bố mẹ mắng dùng cũng đến lá ngón để giải quyết. Thậm chí có trường hợp gọi điện thoại cho chồng không nghe máy, nghi ngờ chồng đi chơi với người con gái khác cũng khóc rồi hái lá ngón ăn...” - ông Lầu Y Rê, trú tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn - nói và cho biết, có lẽ vì lá ngón ở nơi đây mọc quá nhiều ở đồi núi, dọc ven đường khiến con người dễ tìm đến cái chết hơn khi gặp bế tắc.

Am anh ‘ma la ngon’
Một cặp đôi 17 tuổi ở huyện Kỳ Sơn quyết định ăn lá ngón do bị ngăn cấm chuyện tình cảm

Lá ngón là một loại cây dây leo, hoa rất đẹp mang tên đoạn trường thảo và có sức sống rất mãnh liệt nhưng chưa bao giờ khiến người ta thôi ám ảnh. 

Một ngày trung tuần tháng 3/2018, vợ chồng anh Moong Văn Đi (40 tuổi) và Lô Thị Văn (39 tuổi) dọn cơm mời anh Moong Văn Tuệ (34 tuổi, em ruột anh Đi) và Lữ Văn Khăm (25 tuổi, em rể anh Đi) sau công chuyện.

Trong bữa cơm, anh Đi mang chai rượu ngâm rễ cây do chính tay mình săn từ rừng về ra để cả 4 người cùng uống. Chừng 30 phút sau bữa ăn, cả 4 người rơi vào tình trạng hoa mắt, chóng mặt... dù được đưa vào bệnh viện cấp cứu song vợ chồng anh Đi và anh Tuệ đã tử vong do chất Koumin là hợp chất có trong cây lá ngón.

Nỗ lực xóa bỏ cây lá ngón

Một ngày đầu tháng 7, sau vài ngày bị gia đình từ chối cho kết hôn vì chưa đủ tuổi, Vừa Bá Nênh - 16 tuổi, trú huyện Kỳ Sơn - đã hái sẵn nắm lá ngón ở bên đường bỏ vào túi quần khi trên đường sang gặp bạn gái 17 tuổi ở xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn.

Am anh ‘ma la ngon’
Chị em phụ nữ cùng nhau nỗ lực nhổ bỏ cây lá ngón ở những khu vực gần nơi sinh sống

Thuyết phục lần cuối song vẫn không được gia đình hai bên chấp thuận, cả hai quyết định chở nhau lên một ngọn đồi rồi cùng nhau ăn lá ngón tự tử để “mãi ở bên nhau”.

Tình trạng những cặp đôi vị thành niên ăn lá ngón tự tử vì bị ngăn cản trong chuyện tình cũng là một trong những rào cản khiến công tác ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở nhiều xã vùng cao Nghệ An trở nên khó khăn.

Phó chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn Hạ Bá Lỳ thừa nhận, việc xóa bỏ tình trạng trên không dễ bởi tình trạng tìm đến lá ngón để tự sát khi bị ngăn cấm chuyện tình cảm đang là nỗi sợ của những người làm cha, làm mẹ nơi đây. 

Là một cán bộ văn hóa xã Huồi Tụ, hơn chục năm qua, ông Lỳ Nhìa Cở vẫn luôn quyết tâm xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Thế nhưng, chính ông lại đã đánh mất đi tiếng nói của bản thân cũng chỉ vì nỗi sợ hãi đến từ lá ngón.

Am anh ‘ma la ngon’
Lực lượng biên phòng Nghệ An sử dụng bài thuốc dân gian từ cây chuối để cứu người ăn lá ngón tự tử

Ổng Cở chua xót kể, hai năm trước, khi ông đi dự đám cưới một người thân ở xa về tới nhà thì ngã ngửa biết tin cô con gái đầu mới lên 15 tuổi đã cuốn gói đồ đạc về nhà chồng. Điều đáng nói, vợ ông và bà thông gia lại là hai chị em ruột với nhau. “Khi về thì con gái đã là ma nhà họ. Không đồng ý nhưng cũng không dám làm căng vì sợ cả hai đứa nó kéo nhau đi ăn lá ngón thì mất luôn con” - ông Cở nói.

Bà Vũ Thị Huyền - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Kỳ Sơn - cho biết, ngoài tuyên truyền, đơn vị này cũng đang phối hợp cùng các lực lượng chức năng tổ chức loại bỏ thứ cây chết chóc này ra khỏi đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở các xã biên giới.

Những buổi triển khai nhổ bỏ cây lá ngón của Hội phụ nữ huyện Kỳ Sơn được nhiều người dân đồng tình và đánh giá cao. Hội Phụ nữ Kỳ Sơn cũng dự kiến sẽ phát động việc loại bỏ cây lá ngón ở tất cả các xã biên giới, và sẽ đưa việc làm này thành hoạt động thường xuyên trên mỗi bản làng.

“Đây không hẳn là việc tối ưu nhất song nếu có thể loại bỏ được cây lá ngón xung quanh khu vực sinh sống của bà con sẽ giúp ích rất lớn trong việc ngăn chặn những cái chết từ thứ lá kịch độc này” - chị Huyền nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI