69 học sinh/lớp - chịu nổi không?!

29/08/2018 - 06:31

PNO - Năm học 2018-2019, Hà Nội tăng đến 30.000 học sinh lớp Một so với năm học trước. Trước áp lực này, nhiều trường phải chấp nhận sĩ số lớp học lên đến 68-69 học sinh.

Do đó, phải bố trí thêm bàn cho học sinh, không gian lớp học thêm chật hẹp. Lớp học quá đông, thầy trò mệt mỏi, kéo theo nhiều bất cập. Trong đó, người thiệt thòi nhất chính là các em học sinh. Ngoài việc giảm không gian học, chơi, học sinh còn bị giảm thời gian tương tác với giáo viên.

69 hoc sinh/lop - chiu noi khong?!
Quan niệm chọn sinh con năm “rồng vàng” - Nhâm Thìn, cùng sự phát triển ồ ạt của các chung cư đã dẫn đến tình trạng tăng lượng học sinh đột biến

Sĩ số tăng kỷ lục

Tuyển sinh lớp Một năm học 2018-2019

'Hiếm khi nào có lớp đạt sĩ số chuẩn'

Lớp quá đông ảnh hưởng sức khỏe cô lẫn trò

Sĩ số 'khủng' sinh nhiều hệ lụy

Nhiều năm qua, hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn TP.Hà Nội đều rất hiếm khi “đạt” sĩ số chuẩn của Bộ GD-ĐT (không quá 35 học sinh (HS) mỗi lớp). Dù mức trung bình của các năm thường trên 50 HS, nhưng năm học 2018-2019 này, con số đó càng trở thành “mơ ước”. Trường tiểu học Phan Đình Giót và Trường tiểu học Thanh Xuân Trung (Q.Thanh Xuân) là hai trường có sĩ số HS lớp Một đông kỷ lục: 68-69 HS/lớp.

Các trường tiểu học khác như Dịch Vọng B (Q.Cầu Giấy), mỗi lớp cũng có đến 64-66 HS. Phòng học của lớp 1A vốn chỉ có ba dãy bàn, năm nay HS tăng đột biến nên nhà trường phải kê thêm một dãy. Hai dãy ở giữa phải ghép thành một để các cháu có đủ chỗ ngồi và để giữa hai dãy bàn còn có lối đi. Khoảng trống đó mọi năm hai cháu chạy nhảy thoải mái, nhưng năm học này chỉ đủ cho một cháu đi lại. Các bàn học vốn thiết kế đủ chỗ ngồi cho hai học sinh, nay phải thêm một em. Diện tích lớp học khoảng 50m2, tính ra cả cô lẫn trò chia nhau, mỗi người chỉ được 0,75m2. Nhìn các cháu chen vai thích cánh sát sạt nhau, cảm giác đến nghẹt thở.

Cô chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Loan chốc chốc lại phải lớn tiếng đề nghị bọn trẻ trật tự. Cháu nào cũng nghiêm túc được chốc lát rồi xoay bên nọ, vẹo bên kia đầy khổ sở. Cháu Huy bảo: “Con quay bên nào cũng vướng vào các bạn, tay không vươn được, mỏi lắm”. Cháu Nga thì có vẻ sợ: “Con chưa nhớ, chưa viết xong chữ G thì các bạn đã viết được chữ H rồi”. Năm nay sĩ số đông, ngoài cô Loan dạy chính, trường còn bố trí thêm một cô để hỗ trợ, kèm cặp những cháu kỹ năng đọc, viết còn chưa bằng các bạn.

Sáng thứ Ba ngày 28/8, trời đổ mưa. Giờ giải lao, lớp học như cái tổ ong vỡ. Không chạy nhảy được ngoài sân nên lớp học vốn nhỏ lại càng thêm chật chội. Hai lối giữa các dãy bàn không đủ để đi, bọn trẻ phải nghiêng người lách qua nhau. Đứa nào cũng hiếu động, cũng nhấp nhổm muốn chen lên chạy nhảy. Có lúc, đứa này xô đứa kia va người vào cạnh bàn, thế là quay ra cãi nhau chí chóe. Ngoài hành lang thì hệt như những con đường ùn tắc vào giờ cao điểm, chỗ nào cũng dày đặc học sinh, tiếng hò hét inh ỏi.

Tại Trường tiểu học Phan Đình Giót (Q.Thanh Xuân), cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Ngọc thấy lượng học sinh quá đông, phải xin ý kiến của UBND quận và phòng GD-ĐT được tăng thêm một lớp. Số lớp Một tăng từ tám thành chín, lớp học đông nhất đã giảm xuống còn 57. Các lớp mới tách chỉ có 45 học sinh. Riêng việc tách học sinh từ các lớp cũng không phải dễ, trường phải vận động và dựa trên tinh thần tự nguyện chuyển con sang lớp tách của phụ huynh. Vì nhà trường đã xếp lớp ngay từ đầu, nếu bây giờ tự san đều sĩ số e các phụ huynh hiểu lầm là đẩy con họ sang lớp mới.

Học sinh mất cuối tuần để học thêm

Không chỉ năm học 2018-2019 lượng học sinh mới tăng đột biến mà hầu như năm “vàng” nào lượng trẻ cũng tăng. Rồi lượng chung cư mọc lên như nấm, riêng P.Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai) có đến 78 chung cư, với khoảng 1.000 hộ dân thì mỗi tòa nhà đúng bằng dân số của một… làng, thậm chí bằng số dân của cả một xã vùng cao. Chung cư tăng theo từng năm, dân số tăng lên chóng mặt, nhưng trường học bao năm vẫn thế. Cả P.Hoàng Liệt vẫn chỉ có hai trường tiểu học là  Hoàng Liệt và Chu Văn An. Trường tiểu học Chu Văn An năm nay có số lượng HS lớp Một cao kỷ lục: 23 lớp với 1.149 HS.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Loan chia sẻ: “Ngoài những mệt mỏi, vất vả của giáo viên thì HS cũng chịu thiệt thòi nhiều. Ngoài không gian học, chơi, các cháu còn bị giảm bớt thời gian tương tác với cô. Ví dụ trước đây, mỗi tiết học tôi có thể gọi mỗi cháu hai lượt lên đọc bài, phát biểu. Nhưng bây giờ, lớp học quá đông mỗi cháu chỉ được một lượt. Việc chúng tôi sâu sát đến từng em cũng không thể tốt như trước nên nhiều khi các em không bắt nhịp được bài giảng, không theo kịp các bạn. Thú thật là với lớp học đông như thế, riêng việc nhớ hết tên các cháu đã khó rồi”.

Nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học Khương Thượng (Q.Đống Đa), là người có nhiều kinh nghiệm ở nhiều môi trường học tập khác nhau, cô giáo Nguyễn Xuân Lan cho biết: “Việc quá tải học sinh tiểu học ở Hà Nội đã diễn ra từ lâu. Khi tôi còn công tác, khoảng mười năm trước đã có tình trạng quá tải học sinh (đặc biệt là lứa “lợn vàng” Đinh Hợi - 2007). Vào kỳ tuyển sinh đầu tháng Bảy chúng tôi rất đau đầu, phòng GD-ĐT quy định mỗi lớp không quá 50 học sinh nhưng thực tế, riêng các cháu nằm trong danh sách được vào học đã nhiều hơn số đó. Cuối cùng, buộc phải cho các cháu vào học, dù sĩ số vượt quy định”. 

Bà Lan phân tích thêm: lớp Một là giai đoạn bước ngoặt trong tâm lý của trẻ. Từ việc được chăm sóc, bảo bọc ở trường mẫu giáo, các cháu phải tự lập khi vào lớp Một. Vài tháng trước thôi các cháu còn được hai, ba, có khi là bốn cô giáo chăm sóc từng ly từng tí, nhưng vào lớp Một thì chỉ có một cô giáo. Các cô vừa truyền tải kiến thức trong các tiết dạy vừa phải chăm sóc, dạy dỗ các cháu. Việc xây dựng nền nếp cho các cháu trong thời gian đầu thực sự rất vất vả, nhiều cô trong tuần đầu tiên đã khản tiếng, không nói được.

Lớp học của con gái chị Trần Phương Trang (Q.Cầu Giấy) có đến 66 cháu, nên từ khi con chưa đi học lớp Một chị đã rất lo lắng về chất lượng dạy học: “Lớp học quá đông, cô giáo không thể nào có thời gian cầm tay để nhắc nhở, uốn nắn cho từng cháu được nên từ đợt hè tôi đã cho cháu đi học thêm bên ngoài để biết trước mặt chữ. Bây giờ thứ Bảy, Chủ nhật tôi vẫn phải đưa cháu đi học thêm, việc về quê hay cho cháu đi chơi vào cuối tuần cũng không thể nữa”. 

Kiến nghị xây thêm phòng học để giảm sĩ số

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội - thừa nhận việc quá tải trường lớp, nhất là với lớp Một trong năm học 2018-2019. Việc quá tải đó khiến hầu hết các quận nội thành buộc phải “đẩy” sĩ số mỗi lớp trên 60 học sinh, trong khi điều lệ trường tiểu học quy định mỗi lớp không quá 35 học sinh.

Ông Tiến cho biết, sở đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các địa phương, nhất là các quận, khu đô thị và các khu chung cư tăng cường quỹ đất, đầu tư xây dựng thêm phòng học để giảm sĩ số học sinh mỗi lớp, ít nhất là không quá 45 học sinh mỗi lớp.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI