15h ngày 2/8: Bão số 3 cách Móng Cái, Quảng Ninh khoảng 95km

01/08/2019 - 18:11

PNO - Tính đến 15h ngày 02/8, vị trí tâm bão khoảng 21,3oN; 108,8oE, cách Móng Cái khoảng 95km, cách Hải Phòng khoảng 220km, cách Nam Định khoảng 320km.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 3 cấp 9 (75-90km/h), giật cấp 12. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 5-10km/h.

Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) được cảnh báo có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Sóng biển cao từ 3-5m, biển động rất mạnh. Vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 4,0-4,5m.

Trên đất liền, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng từ chiều nay (02/8) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10-11. Các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Thanh Hóa từ chiều tối nay có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9-10.

Đồng bằng Bắc Bộ cũng được cảnh báo sẽ có gió giật mạnh cấp 6-7. Khu vực Hà Nội từ chiều và đêm nay (02/8) có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm), từ tối nay có gió mạnh dần lên cấp 5, giật cấp 6-7.

Cơ quan này cũng đưa ra cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất trên các sông ở Bắc bộ, Thanh Hóa và Nghệ An.

Cụ thể, hiện nay, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xuất hiện mưa, có nơi mưa vừa. Mực nước trên các sông thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đang biến đổi chậm và ở mức thấp. 
Cảnh báo từ đêm nay đến ngày 04/8, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa 200-400mm/đợt).

Trên các sông suối khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-6m, hạ lưu từ 1-3m.  Mực nước đỉnh lũ trên sông Thao có khả năng đạt mức báo động (BĐ)2; sông Hoàng Long và thượng lưu sông Mã (Thanh Hóa) đạt mức BĐ1-BĐ2; thượng lưu sông Lô, lưu lượng đến hồ Hòa Bình trên sông Đà, thượng lưu sông Thái Bình, sông Bằng Giang và hạ lưu sông Mã đạt mức BĐ1; hạ lưu sông Cả (Nghệ An) còn dưới mức BĐ1.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An). 

Chiều 1/8, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ra công điện khẩn số 09/CĐ-TWPCTT về việc ứng phó với bão số 3. Theo dự báo, vào ngày 2/8, bão sẽ gây ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển phía Bắc từ Quảng Ninh đến Nam Định gây nước dâng sóng lớn. Hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Trong khi đó, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng đồi núi, gây ngập úng tại những vùng thấp, trũng ven biển. 

15h ngay 2/8: Bao so 3 cach Mong Cai, Quang Ninh khoang 95km
Chiều 1/8, vị trí tâm bão số 3 (tên quốc tế là WIPHA) ở vào khoảng 21,0 độ vĩ Bắc; 110,7 độ kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng khoảng 330km về phía Đông

Do diễn biến của bão còn phức tạp nên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, theo dõi chặt chẽ diễn biến và chủ động triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”.

15h ngay 2/8: Bao so 3 cach Mong Cai, Quang Ninh khoang 95km
Công điện khẩn số 09 được phát đi vào ngày 1/8

Trên biển, tiếp tục rà soát, kiểm đếm phương tiện, thông tin kịp thời và hướng dẫn tránh, trú, neo đậu an toàn cho tàu thuyền, con người; có thể thực hiện cấm biển tùy vào tình hình thực tế ở địa phương; hướng dẫn di chuyển, gia cố, đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại với hoạt động nuôi trồng thủy sản…

Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị thì rà soát, chủ động sơ tán, di dời dân tại các khu vực nguy hiểm như ven biển, cửa sông, lồng bè, chòi canh thủy sản; đảm bảo an toàn cho người và tài sản với các hoạt động du lịch; kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt trên cao tốc, cầu vượt biển trong thời gian bão đổ bộ; triển khai các phương án chống úng ngập, bảo vệ các công trình, kết cấu hạ tầng, đê điều…; đảm bảo an toàn của hệ thống điện, thông tin liên lạc để kịp thời ứng phó.

Với các khu vực trung du, miền núi phải kiểm soát chặt chẽ những khu vực dễ xảy ra lũ quét, sạt lở để chủ động sơ tán, di dời dân; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho các hồ đập, nhất là các hồ đập đang thi công, sửa chữa, những hồ thủy điện nhỏ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố…

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ phối hợp cùng các Bộ như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Giao thông vận tải, Xây dựng và Đài truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam để thông tin kịp thời, thực hiện, triển khai các nhiệm vụ cụ thể để phòng chống bão số 3.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI