100 năm Báo Người Cùng Khổ và tầm vóc của Hồ Chí Minh

20/06/2022 - 06:13

PNO - Kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), Hội Nhà báo TPHCM, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM và Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp tổ chức triển lãm chuyên đề “Nhà báo Nguyễn Ái Quốc và 100 năm Báo Người Cùng Khổ” với nhiều tư liệu quý vừa được tìm thấy.

Nguồn tư liệu phong phú để khai thác

Theo nhà báo Trần Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam - lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam đã ghi nhận Le Paria (Người Cùng Khổ) là tờ báo đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tham gia sáng lập và có vai trò đặc biệt quan trọng trong hành trình báo chí, hành trình cách mạng và cứu nước của Người. 

Nhà báo Trần Kim Hoa giới thiệu về các tư liệu trong cuộc triển lãm “Nhà báo Nguyễn Ái Quốc và 100 năm Báo Người Cùng Khổ”  tại trục đường Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM
Nhà báo Trần Kim Hoa giới thiệu về các tư liệu trong cuộc triển lãm “Nhà báo Nguyễn Ái Quốc và 100 năm Báo Người Cùng Khổ” tại trục đường Đồng Khởi, Q.1, TPHCM

Năm 1922, báo chí cách mạng Việt Nam chưa ra đời và Le Paria xuất hiện như một trong những tờ báo đầu tiên khai phá lĩnh vực làm báo phục vụ công cuộc đấu tranh cách mạng. Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc viết bài báo đầu tiên thì năm 1922, chàng thanh niên yêu nước này đã tham gia sáng lập và chủ biên cũng như làm mọi khâu vận hành tờ báo. Ba năm sau, năm 1925, Nguyễn Ái Quốc cho ra Báo Thanh Niên, khai mở dòng báo chí cách mạng Việt Nam.

Tại cuộc triển lãm “Nhà báo Nguyễn Ái Quốc và 100 năm Báo Người Cùng Khổ”, có nhiều tư liệu mới tìm được từ nước ngoài. Nhà báo Trần Kim Hoa cho biết, Le Paria tồn tại trong bốn năm (1922 - 1926) với 38 số nhưng hiện nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam mới sưu tầm được 29 số, phần lớn là từ Pháp, vào cuối tháng 3/2022. 

Tổ nghiên cứu, sưu tầm của Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã miệt mài tìm kiếm thông tin, trao đổi, thuyết phục với các nguồn lưu trữ trong nhiều tháng. Trong đó, Thư viện Quốc gia Pháp lưu giữ đến 25 số báo nhưng tờ số 1 lại không có. Tiếp tục thông qua các trung tâm lưu trữ quốc tế, cán bộ sưu tầm của bảo tàng đã tìm được tờ Le Paria số 1 trong kho tư liệu về Đông Dương thuộc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp.

Bà Trần Kim Hoa cho biết, bảo tàng sẽ tích cực khai thác bộ sưu tập này để giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Một trong những việc phải làm là dịch thuật và việc dịch toàn bộ tờ báo cần nhiều thời gian.

Cũng qua lần tìm kiếm này, Bảo tàng Báo chí Việt Nam được biết, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp đang bảo quản số hồ sơ lưu trữ liên quan đến Đông Dương dài khoảng 4km. Trong đó, có tám hộp tư liệu dày hơn 8.000 trang về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp, Trung Quốc, Đông Dương… Có thể nói, vẫn còn rất nhiều tài liệu vô cùng quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu lạc ở nước ngoài, rất cần được sưu tầm và nghiên cứu.

Nhà báo hàng đầu của nền báo chí cách mạng

Xem lại các tư liệu Báo Người Cùng Khổ, ông Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách khu vực phía Nam - nhận định, ngay từ khi còn là một thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn có ý thức dùng báo chí để đấu tranh. Đi bất cứ đâu, Người đều nghĩ đến việc thành lập một tờ báo làm công cụ tuyên truyền tư tưởng giải phóng dân tộc, chủ nghĩa Marx - Lenin đến các tầng lớp nhân dân. 

Ông Trần Trọng Dũng cho rằng, qua Báo Người Cùng Khổ, Bác thể hiện không chỉ ngòi bút sắc bén mà cả tư duy làm báo toàn diện. Người vừa lãnh đạo, vừa viết báo, vừa biên tập, vẽ minh họa, thậm chí phát hành, quảng cáo, bán báo, chụp ảnh dịch vụ để có thêm nguồn thu cho báo. “Người làm tất cả mọi thứ, từ việc lớn đến việc nhỏ nhất để đưa bằng được tờ báo đến tận tay độc giả. Tác phẩm báo chí làm ra không đến được công chúng thì coi như thất bại. Đó cũng chính là bài học lớn nhất cho người làm báo hôm nay, nhất là người quản lý” - ông Trần Trọng Dũng nói. 

Báo Le Paria là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc và các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đến từ các nước thuộc địa khác của Pháp như Algeria, Tunisia, Morocco… thành lập vào ngày 1/4/1922. Báo được in trên khổ giấy 36 x 50cm, tên báo được viết bằng ba thứ tiếng Pháp, Ả Rập và chữ Hán (dịch thành Lao Động Báo), mỗi số in từ 1.000 - 5.000 bản. Báo được phát hành tại Pháp, được gửi theo các tàu viễn dương đến Đông Dương và các nước thuộc địa.

Nhận xét về vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với Le Paria, luật sư Max Clainville Bloncourt - Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp thuộc địa - từng viết: “Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp rất nhiều cho tờ báo. Tất cả bài và tranh ký tên Nguyễn Ái Quốc trên Báo Le Paria mang một màu sắc đặc biệt, đó là tinh thần đấu tranh cách mạng triệt để và quyết tâm chống chủ nghĩa thực dân. Xem tranh, đọc bài, người ta thấy rõ tác giả có một tinh thần tiến công rất chủ động và thông minh”.

Tam Bình

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI