Xuân Quý Mão - kỳ vọng mùa lễ hội tưng bừng, văn minh

11/01/2023 - 06:06

PNO - Đến lúc này, ban tổ chức các lễ hội lớn trong cả nước đã công bố kế hoạch khai hội vào những ngày đầu xuân Quý Mão, sau 3 năm tạm dừng do dịch bệnh. Nhiều người đang háo hức chờ được hòa mình vào các hoạt động này, nhưng cũng mong chúng diễn ra nhộn nhịp nhưng trật tự, có văn hóa.

 

Phụ nữ TPHCM vui trong lễ hội mùa xuân ẢNH: WEBLEHOIAODAI 2022
Phụ nữ TPHCM vui trong lễ hội mùa xuân - Ảnh: Weblehoiaodai 2022

Sau 3 năm tạm dừng do đại dịch COVID-19, xuân năm nay, khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều sẽ có những lễ hội văn hóa truyền thống vốn được tổ chức mỗi dịp đầu xuân. Ngược lại, những lễ hội không còn phù hợp như chém lợn, đâm trâu sẽ bị bãi bỏ.  

Háo hức chờ mùa lễ hội 

Từng ngất ngây với giọng ca của các liền anh, liền chị ở hội Lim (tỉnh Bắc Ninh) cách đây gần 10 năm, chị Thanh Ngọc (quận 3, TPHCM) dự tính khi các con lớn, chị sẽ đưa cả nhà đi dự hội này: “Con gái tôi rất mong chờ dự hội Lim do được nghe mẹ kể nhiều lần”.

Sau 3 năm gián đoạn, hội Lim sẽ đón khách vào ngày 2 - 3/2. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh còn có festival “Về miền quan họ 2023” diễn ra từ ngày 24 - 28/2, kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận. Điểm nhấn của chương trình là chương trình nghệ thuật giới thiệu quan họ Bắc Ninh và nhã nhạc cung đình, hát xoan, bài chòi, ca trù, đờn ca tài tử Nam Bộ, hát then, dân ca ví dặm, cồng chiêng Tây Nguyên, ca nhạc đường phố, ẩm thực đường phố, vẽ tranh đường phố…

Trong chuyến du xuân Quý Mão, gia đình chị Thanh Ngọc dự định sẽ tham gia lễ hội Khai ấn đền Trần (tỉnh Nam Định), dự kiến diễn ra từ ngày 1 - 6/2. Đây là nghi lễ có từ Triều Trần (thế kỷ XIII) để vua tế lễ trời, đất, tiên tổ. Lễ hội này đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia với các nghi thức khai ấn, rước kiệu Ngọc Lộ, rước nước, tế cá, dâng hương, rước kiệu từ đền Cố Trạch về đền Thiên Trường. 

Vốn đam mê khám phá văn hóa của các dân tộc trên dải đất hình chữ S, Yến Linh và nhóm bạn là sinh viên Trường đại học RMIT (TPHCM) đã lên lịch khám phá lễ hội Lồng tông (lễ hội xuống đồng) của dân tộc Tày ở xã Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang vào ngày Tám tháng Giêng (28/1). 

Diễu hành trong lễ hội Nguyên tiêu tại đường Lương Nhữ Học (quận 5, TPHCM)
Diễu hành trong lễ hội Nguyên tiêu tại đường Lương Nhữ Học (quận 5, TPHCM)

“Lễ hội văn hóa của miền Bắc có sức hấp dẫn lạ kỳ. Tôi và các bạn từng lên kế hoạch mỗi năm, cố gắng khám phá ít nhất 2 lễ hội văn hóa của đồng bào miền núi phía Bắc, nhưng lịch trình cứ “trồi sụt” do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Năm nay, chúng tôi khởi động lại kế hoạch của nhóm bằng lễ hội Lồng tông” - Yến Linh hào hứng.

Theo kế hoạch do UBND TP.HCM ban hành, năm nay, lễ hội tết Nguyên tiêu 2023 sẽ diễn ra ngày 4 - 5/2 ở công viên Văn Lang và trung tâm văn hóa quận 5 với nhiều hoạt động như diễu hành nghệ thuật qua các tuyến đường, đêm hội Nguyên tiêu với tuần lễ ẩm thực dimsum (điểm tâm), biểu diễn văn nghệ, kịch, lân sư rồng, các nghi lễ, sinh hoạt tín ngưỡng, đêm thơ Việt Nam… Lễ hội Nguyên tiêu là một trong những sự kiện văn hóa tiêu biểu của TPHCM, đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.

Chú trọng giữ bản sắc văn hóa

Trong dịp tết Quý Mão 2023, UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức chương trình hội tết với các hoạt động phục dựng cây nêu, gióng chuông, chiêng, trống tại các di tích đình, chùa, miếu, lễ cúng Thần nông, cúng cầu bông, cúng tiền hiền. Các lễ hội truyền thống luôn được chú trọng giữ đúng như xưa. Từ ngày 17-19 tháng Giêng  (7 - 9/2), diễn ra hội thi hô bài chòi.

Trò chơi tung còn ở lễ hội Lồng tông - Thái Nguyên - Ảnh: Mạnh Cường
Trò chơi tung còn ở lễ hội Lồng tông - Thái Nguyên - Ảnh: Mạnh Cường

Theo ông Tống Quốc Hưng - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP Hội An, để các lễ hội có thể lan tỏa giá trị, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, vấn đề cốt lõi đầu tiên là phải “sống” được. Điều này đòi hỏi phải có sự quan sát, nghiên cứu, sáng tạo trên nhiều phương diện và cần có quá trình chứ không phải ngày một ngày hai. Các lễ hội phải giữ đúng bản sắc văn hóa vốn có của từng vùng đất, không theo kiểu thương mại hóa, thêm thắt các yếu tố hiện đại không phù hợp. 

Trong 3 năm tạm dừng tổ chức lễ hội do COVID-19, khu quảng trường trung tâm thuộc dự án Khu di tích lịch sử văn hóa Trần đã được hoàn thành để lễ hội Khai ấn đền Trần trở lại trong không gian rộng hơn với nhiều khu để tham quan, chơi trò chơi dân gian, trưng bày hiện vật văn hóa. Có 4 khu vực phát ấn để chia nhỏ lượng khách tập trung. Nhiều camera được lắp đặt để kịp thời phát hiện những hành vi phản cảm trong lễ hội. 

Từ năm 2018, nghi lễ rước lộc và tục cướp lộc trong lễ hội Gióng ở đền Sóc đã thay đổi. Theo đó, lộc được chia nhỏ và phát cho du khách ở đền Hạ, đền Mẫu, nhằm ngăn nạn cướp lộc.

Để các lễ hội đi vào nền nếp, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ban hành Công văn số 1240 về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023 và tết Nguyên đán Quý Mão. Công văn yêu cầu chính quyền các địa phương kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để các đối tượng xấu lợi dụng lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động mang tính tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục.

Gia Minh - Huỳnh Kim Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI