Xây dựng mô hình bến xe kiểu mẫu

27/06/2014 - 22:20

PNO - PNO - Ngày 27/6, tại Đà Nẵng, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Hội nghị “Phát triển công tác xã hội hóa, đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả quản lý đối với bến xe ô tô khách”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng Bộ Giao thông vận tải cần có quy chế chung ưu đãi cho các nhà đầu tư xây dựng bến xe theo mô hình xã hội hóa. Bộ cũng cần xây dựng một mô hình bến xe kiểu mẫu, văn minh, ứng dụng công nghệ để các địa phương áp dụng trong tương lai, nhằm phục vụ người dân tốt hơn.

Xay dung mo hinh ben xe kieu mau
Bến xe phía Nam Đà Nẵng đầu tư hiện đại nhưng chưa thể hoạt động vì không được phân luồng tuyến

Ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ Giao thông vận tải, cho biết cả nước hiện có 457 bến xe khách. Trung bình mỗi tỉnh, thành phố có 7 bến xe đang hoạt động. Trong đó, có 322 bến xe loại 4 trở lên, phục vụ vận tải hành khách liên tỉnh theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. So với tháng 1/2010, cả nước giảm 87 bến xe khách do không đủ điều kiện hoạt động theo thông tư 24/20/TT -BGTVT.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, trang thiết bị tại 322 bến xe loại 4 trở lên, đặc biệt là các bến xe trung tâm thành phố, thị xã đều đã được đảm bảo đúng quy chuẩn. Tuy nhiên, các trang thiết bị này mới chỉ dừng ở mức độ phục vụ nhu cầu tối thiểu của hành khách theo quy chuẩn. Ông Hùng cho biết, nhiều bến xe loại 4 chưa bố trí thiết bị, chưa thực hiện kết nối internet giữa bến xe và các cơ quan quản lý tuyến.

Tại nhiều địa phương, việc bố trí doanh nghiệp, phương tiện hoạt động và tuyến đường chưa hợp lý. Ông Hùng dẫn chứng, ở Hà Nội trong khi một số bến xe đang trong tình trạng quá tải thì bến xe Nước Ngầm, bến xe Yên Nghĩa vẫn chưa khai thác hết năng lực của mình. Việc tổ chức, bố trí phương tiện hoạt động tại một số bến xe chưa hợp lý nên chưa tận dụng được hết cơ sở vật chất và mặt bằng. Bên cạnh đó, công tác tổ chức giao thông trong bến cho các phương tiện xe máy, taxi, xe buýt vào đón, trả khách ở nhiều bến xe trung tâm còn lộn xộn. Tình trạng tranh giành, co kéo hành khách vẫn diễn ra làm cho nhiều hành khách ngại vào bến đi xe.

Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, tại 63 tỉnh, thành phố có 213/457 bến xe tiến hành xã hội hóa, hoạt động theo luật doanh nghiệp. Các bến xe xã hội hóa có nhiều ưu điểm như điều kiện cơ sở vật chất tốt, ứng dụng khoa học công nghệ trong điều hành và tổ chức quản lý.

Nhiều đại biểu cho rằng, Nhà nước chưa có cơ chế chính sách chung nên chưa khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư xây dựng bến xe khách. Các địa phương có nhiều chính sách ưu đãi nhà đầu tư nhưng mỗi nơi làm mỗi kiểu như: ưu tiên giải phóng mặt bằng, cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ xây dựng, ứng dụng phần mềm quản lý bến xe…

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Luân, Giám đốc bến xe Phương Trang Đà Lạt, đề nghị bộ GTVT cần hỗ trợ các nhà đầu tư đào tạo cán bộ phục vụ tại bến xe. Ngoài ra, ông Luân yêu cầu Bộ GTVT, chính quyền các địa phương đối xử công bằng với các bến xe xây dựng theo mô hình xã hội hóa để nhà đầu tư không nản lòng. Nhà nước chỉ nên đóng vai trò quản lý như trọng tài, không thiên vị bất cứ đơn vị nào. Các bến xe, doanh nghiệp được cạnh tranh công bằng theo cơ chế thị trường.

Xay dung mo hinh ben xe kieu mau
Bên trong Bến xe phía Nam Đà Nẵng

Ông Phan Xuân Viên, đại diện Tập đoàn Đức Long Gia Lai, chủ đầu tư bến xe phía Nam Đà Nẵng bức xúc về việc bến xe này khánh thành đã hơn 2 năm vẫn không được Sở GTVT Đà Nẵng phân luồng tuyến nên dự án phải bỏ hoang, trang thiết bị xuống cấp, nhân viên phải nghỉ làm dẫn đến nản lòng nhà đầu tư. Ông Viên đề nghị TP Đà Nẵng sớm hoàn thành quy hoạch hạ tầng giao thông đường bộ, kèm theo phân tuyến để bến xe phía Nam sớm đi vào hoạt động, tránh lãng phí số tiền đầu tư hơn 130 tỉ đồng.

Một số đại biểu cũng cho rằng Bộ Giao thông vận tải cần có quy chế chung ưu đãi cho các nhà đầu tư xây dựng bến xe theo mô hình xã hội hóa. Bộ cũng cần xây dựng một mô hình bến xe kiểu mẫu, văn minh, ứng dụng công nghệ để các địa phương áp dụng trong tương lai nhằm phục vụ người dân tốt hơn. Nhiều đại biểu đánh giá cao mô hình hoạt động, cơ sở vật chất của bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng và cho rằng đây là mô hình đáng được nhân rộng trong cả nước.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, việc xã hội hóa bến xe là vấn đề cần thiết để phục vụ người dân tốt hơn. Bộ sẽ nghiên cứu và sớm ban hành các quy chế, chính sách ưu đãi phù hợp, liên quan đến tiền thuê đất, lãi suất vay vốn, vấn đề giải phóng mặt bằng và các điều kiện thuận lợi khác… để các nhà đầu tư an tâm tham gia kinh doanh khai thác bến xe.

ĐÌNH THỨC


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI