Vướng mắc của chương trình nhà ở xã hội là thiếu nhà để mua chứ không thiếu tiền để vay

08/07/2025 - 15:05

PNO - Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 diễn ra sáng 18/7.

Theo ông Phạm Xuân Bắc, NHNN luôn xác định chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 33 là một chương trình rất quan trọng của Chính phủ. NHNN đã thành lập các đường dây nóng, làm việc trực tiếp với từng chủ đầu tư, và rà soát từng dự án để đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận vốn vay, nhằm đẩy mạnh triển khai chương trình.

Khó khăn cho vay vốn nhà ở xã hội hiện nay là thiếu nguồn cung chứ không phải thiếu vốn
Khó khăn cho vay vốn nhà ở xã hội hiện nay là thiếu nguồn cung chứ không phải thiếu vốn

Tính đến thời điểm hiện tại, có 9 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia chương trình với tổng số tiền đăng ký là 145.000 tỉ đồng. Chương trình dự kiến sẽ được triển khai tối đa đến năm 2030.

Kể từ khi triển khai chương trình đến nay, NHNN đã 6 lần thông báo giảm lãi suất cho vay. Ban đầu, mức lãi suất là 8,7% đối với chủ đầu tư và 8,2% đối với người mua nhà. Hiện tại, lãi suất đã giảm xuống còn 6,45% cho chủ đầu tư và 5,9% cho người mua nhà.

Theo báo cáo, hiện có 38 UBND tỉnh đã gửi văn bản công bố danh mục các dự án tham gia chương trình trên cổng thông tin điện tử, với tổng số khoảng 103 dự án trên toàn quốc. Đến cuối tháng 5/2025, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 8.200 tỉ đồng cho các dự án, và doanh số giải ngân đạt 4.094 tỉ đồng. Trong đó, 3.464 tỉ đồng dành cho chủ đầu tư và 630 tỉ đồng cho người mua nhà. Điều này cho thấy số tiền giải ngân đã có sự cải thiện rõ rệt theo thời gian, tháng sau cao hơn tháng trước.

Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Bắc nhìn nhận rằng trong quá trình triển khai, NHNN nhận thấy khó khăn, vướng mắc lớn nhất vẫn là nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Mặc dù đã có 103 dự án nhà ở xã hội được công bố, nhưng có tới 28 dự án (chiếm khoảng 30%) mà chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn. NHNN đã có các văn bản báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan và UBND cấp tỉnh thực hiện các giải pháp để giải quyết vấn đề này, nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Vấn đề này cũng đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng nhận diện và thực hiện nhiều biện pháp để tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Như ban hành Nghị quyết 192 ngày 1/5/2025 về một số chính sách phát triển nhà ở xã hội theo hướng chấp thuận chủ trương đầu tư, thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội, điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội đều được quy định theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư xây dựng và người dân có nhu cầu tiếp cận nhà ở xã hội.

Tại Nghị quyết 211 của Quốc hội cũng có chủ trương thành lập Quỹ Nhà ở Quốc gia để tạo nguồn cung nhà ở xã hội. Như vậy, có thể thấy nhà ở xã hội đã và đang nhận được sự quan tâm chỉ đạo rất lớn từ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương. Những giải pháp này góp phần tăng nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian tới, tháo gỡ khó khăn chính để phát triển nhà ở xã hội. "Chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tích cực triển khai chương trình cho vay theo Nghị quyết 33, đặc biệt là cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội" - ông Phạm Xuân Bắc thông tin.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI