Vững hành trang để tiến về phía trước

19/04/2025 - 06:50

PNO - Ngành GD-ĐT TPHCM trong 50 năm qua đã trải qua quá trình xây dựng và phát triển rất đáng tự hào.

Giai đoạn 2021-2025: GD-ĐT TPHCM phát triển theo yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng nhà trường thông minh.
Giai đoạn 2021-2025, GD-ĐT TPHCM phát triển theo yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng nhà trường thông minh

Giai đoạn 1975-1990: Hòa bình vừa được lập lại, công lập hóa các trường tư, giáo viên thiếu, chất lượng sư phạm trong quá trình được xây dựng. Một bộ phận học sinh phải học ca 3, ca 4. Điều kiện sống khó khăn, nhiều giáo viên phải bỏ nghề hoặc kiếm sống bằng nghề tay trái. Đến năm 1987, một số lớp hệ B và bán công bắt đầu được mở ra, có thu một phần học phí để góp phần tăng nguồn đầu tư từ xã hội, nhà trường bắt đầu khởi sắc, vượt qua được những khó khăn. Từ thực tế ấy của TPHCM, tháng 12/1988, Quốc hội cho phép nhà trường thu một phần học phí, là tiền thân của chủ trương xã hội hóa giáo dục sau này.

Giai đoạn 1991-2000: GD-ĐT tiếp nhận chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước (1986). Đầu thập niên 1990, Bộ GD-ĐT ban hành quy chế các trường ngoài công lập (bán công, dân lập, tư thục), huy động được nguồn lực đầu tư giáo dục từ xã hội. Chủ trương xã hội hóa giáo dục và đa dạng hóa trường lớp được Nhà nước ban hành. Cũng trong giai đoạn này, Bộ GD-ĐT thực hiện bộ sách giáo khoa năm 2000 theo tinh thần cải cách giáo dục lần thứ tư. Ở đây, lực lượng sư phạm TPHCM đã phát hiện sự bất cập của chủ trương đổi mới phương pháp dạy học trong khi các thành tố khác của sự nghiệp giáo dục chưa được thay đổi và đề xuất với bộ phải có công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nước nhà.

Giai đoạn 2001-2010: GD-ĐT TPHCM phát triển tương đối đồng bộ trên cả các mặt cơ sở vật chất, kỹ thuật, quy mô, phổ cập giáo dục và chất lượng chuyên môn. Quyết định số 02/2003/QĐ-UB của UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường lớp được ban hành, mỗi năm có hàng ngàn phòng học mới được xây dựng, nhiều quận, huyện phát triển được 70 - 80% trường lớp học 2 buổi/ngày, từng bước giảm sĩ số học sinh trong lớp. Phổ cập giáo dục bậc trung học sau khi phổ cập tiểu học đúng độ tuổi năm 1995. Những mô hình nhà trường đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội được hình thành, như Trường THPT Lê Quý Đôn tiên tiến hội nhập quốc tế theo tinh thần Thông báo số 242/TB-BCT của Bộ Chính trị và mô hình chuyên ngữ Trường THCS - THPT Trần Đại Nghĩa hoàn chỉnh hệ thống trường tăng cường tiếng Anh từ lớp Một. Năm học 2005-2006, TPHCM có tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp phổ thông cao nhất nước.

Giai đoạn 2011-2020: Củng cố và phát huy những thành tựu đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng hội nhập quốc tế của giai đoạn trước, tạo cơ hội để thành phố thực hiện tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT với một chiều sâu tích cực, đem lại cho con em TPHCM một nền giáo dục tiến bộ về mặt tổ chức quản lý, phương pháp dạy học và thi cử, đánh giá.

Giai đoạn 2021-2025: GD-ĐT TPHCM phát triển theo yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng nhà trường thông minh. Lực lượng quản lý và nhà sư phạm TPHCM ngày nay đã khác xưa về trình độ tiếng Anh và công nghệ thông tin. Đây là cơ sở rất quan trọng để tập thể sư phạm đảm đương nhiệm vụ trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, công nghệ AI ra đời. Đây là hành trang để chúng ta tiến bước về phía trước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Niềm vui của ngành GD-ĐT TPHCM hôm nay được nhân lên gấp bội khi kết luận cuộc họp lần thứ 11, khóa XIII của Trung ương Đảng đã nêu ra những vấn đề rất sâu sắc và cụ thể về định hướng tiến trình kỷ nguyên mới. Chúng ta kỳ vọng Bộ GD-ĐT sẽ tạo điều kiện tích cực cho ngành GD-ĐT TPHCM phát triển theo định hướng mới ấy về tiến độ, về cách làm và về sự phát huy vai trò xã hội trong tình hình mới “Xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại, ngang tầm với khu vực và thế giới”.

Tiến sĩ Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI