Vụ bé 8 tuổi bị bạo hành: Sách giáo khoa thiếu nội dung dạy trẻ nhận diện bạo lực gia đình

28/12/2021 - 18:14

PNO - Hiện nay, trong sách giáo khoa chỉ có nội dung giúp trẻ phòng chống bạo lực xâm hại bên ngoài chứ chưa hướng dẫn phòng chống bạo lực trong gia đình.

Vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạn gái của bố bạo hành đến tử vong ở TPHCM khiến dư luận rúng động và xôn xao.

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy trên cơ thể bé gái có nhiều vết bầm, đầu có vết sẹo và bị phù nề phổi. Hàng xóm chia sẻ rằng họ thường xuyên nghe thấy tiếng ồn ào, la hét ở căn hộ nơi bé gái sinh sống.

Sự việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thiếu quan tâm của xã hội với vấn đề bạo hành trẻ em. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp trẻ em bị lạm dụng, ngược đãi mà chưa được phát hiện.

Điều khiến việc lạm dụng trẻ em khó bị phát hiện và ngăn chặn là kẻ bạo hành hầu hết lại chính là người quen thuộc với nạn nhân. Các em thường miễn cưỡng che giấu sự thật vì sợ hãi, vì không muốn tố giác người thân, ngoài ra nhiều em chưa có kỹ năng nhận diện, tố giác, kêu cứu khi bị những người trong gia đình bạo hành.

Về vấn đề này, PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) - cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông mới và cụ thể là trong môn Giáo dục công dân có hướng dẫn học sinh kỹ năng nhận diện và phòng tránh tai nạn thương tích, trong đó có kỹ năng nhận diện nguy cơ bạo lực và xâm hại.

Cư dân chung cư Sài Gòn Pearl đã làm lễ tưởng niệm cháu bé
Người dân chung cư Sài Gòn Pearl làm lễ tưởng niệm cháu bé

“Hiện nay, trong sách giáo khoa viết theo hướng giúp trẻ nhận diện và phòng chống bạo lực xâm hại bên ngoài chứ không phải phòng chống bạo lực trong gia đình. Tôi cho rằng đây là nội dung cần lưu ý và bổ khuyết.

Việc viết sách hiện nay cũng khá khó cho các tác giả, nhất là môn đạo đức, vì không được phép cho hình ảnh xấu nên nói thể đề cập thẳng thắn, cụ thể, trực diện. Vì thế, giáo dục ngoài giờ lên lớp trong giai đoạn nguy cơ cao như hiện nay cần được đầu tư nhiều hơn", PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Cũng theo ông, trong chương trình lớp 2 có nhắc đến kỹ năng tìm kiếm giúp đỡ hay kỹ năng giải quyết bất hòa, dẫu vậy, cô giáo có thể biến thành kỹ năng cho các em và xử lý trong tình huống thực tế được hay không lại là vấn đề khác, nhất là trong hoàn cảnh dạy online như hiện nay.

“Dạy bằng hình thức trực tuyến nhiều khi kiến thức được truyền tải còn bập bõm chứ nói gì đến việc biến kiến thức thành thực hành. Theo tôi, cần số hóa các quy trình xử lý, nhận diện những tình huống bạo hành cho các con dưới dạng video để bài học trở nên sinh động. Cùng với đó, chúng ta phải xác định những giai đoạn nguy cơ bạo hành, phải có chương trình bổ trợ vì nghiên cứu chỉ ra hiện nay trong thời điểm dịch bệnh, trẻ có nguy cơ đối mặt với bạo hành trong gia đình. Do đó phải có chương trình “huấn luyện” làm cha mẹ tích cực, hướng dẫn giáo viên phát hiện nguy cơ, chương trình ngoài giờ cho học sinh để nhận diện bạo lực, nhận diện nguy cơ cũng như có cách phản kháng”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI