Về xứ Quảng thăm làng bích họa

27/07/2021 - 06:51

PNO - Đó là một cái làng như bao nhiêu làng chài ven biển miền Trung. Bỗng một ngày, nó trở nên nổi tiếng khắp nơi vì lớp áo mới đẹp đẽ được khoác lên. Cũng từ đó, nó thường được gọi là làng bích họa.

Một ngày, cả làng Tam Thanh được khoác lên lớp áo mới với đủ thể loại tranh trên các cổng, bờ rào, tường nhà…
Một ngày, cả làng Tam Thanh được khoác lên lớp áo mới với đủ thể loại tranh trên các cổng, bờ rào, tường nhà…

Ngôi làng ấy có tên Tam Thanh, ở thôn Trung Thanh, thuộc xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Thời gian qua, Tam Thanh khiến nhiều người hào hứng chia sẻ những hình ảnh dễ thương về nó - ngôi làng của những bức tranh tường sống động.

Quả thực, làng Tam Thanh đã để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc khi ghé thăm và đến tận bây giờ, khi nó đã không còn là ngôi làng bích họa duy nhất ở Việt Nam. Giờ đây, nhiều miền đã có làng bích họa nhưng Tam Thanh vẫn gây ấn tượng với tôi hơn cả vì vị trí, khung cảnh, bức vẽ có hồn và cả những nét dễ thương chất phác của một làng quê miền Trung.

Khi ngôi làng trở thành không gian triển lãm tranh quy mô lớn

Làng Tam Thanh nằm yên bình dài theo biển như bao ngôi làng miền Trung khác. Nhà trong làng phần lớn là những ngôi nhà cấp bốn, có tường, rào, mái ngói cũ kỹ. Thế rồi chỉ sau hơn ba tuần, cả làng được khoác lên lớp áo mới với đủ thể loại tranh, rực rỡ màu sắc trên các cổng, bờ rào, tường nhà…

Lớp áo mới của làng được khánh thành vào cuối tháng 6/2016 và lập tức gây sốt trong giới trẻ gần xa. Cả một làng quê biển hiền hòa im lìm với tông màu thâm trầm cũ kỹ, thậm chí bạc phếch vì thời gian, nắng gió bỗng sinh động, trẻ trung và đáng yêu hẳn ra. Nhà nào không đủ chỗ cho tranh thì được sơn lên những lớp màu bắt mắt, làm “dàn bao” cùng tông cho các bức tranh tường được vẽ khá đẹp và liên quan với bối cảnh thực tế.Những bờ rào sinh động với các màu sắc, họa tiết được tô vẽ đẹp mắt.

Những bức tranh được phân bổ với tỷ lệ hợp lý, hài hòa với từng vách tường và cả ngôi làng. Những ngôi nhà nhỏ nhắn nằm kề nhau; những lối hẹp dẫn ra biển với nhiều bức vách, bờ tường thấp cao… bỗng trở nên quyến rũ lạ thường, khiến người đi ngang qua cứ phải chậm lại để nhìn ngắm. Có những bức tranh như thể lưu lại kỷ niệm đáng nhớ cho chính những con người sống trong căn nhà ấy. Đó là khi cả một gia đình thợ may, một ngư dân, một anh thợ hớt tóc… được vẽ lại trên tường nhà, quán xá… của họ. Có những bức tranh như tái hiện một phần khung cảnh, cuộc sống làng quê; mang nhiều tâm trạng, hoài niệm xen lẫn những bức vẽ ngộ nghĩnh…

Cả ngôi làng như một buổi triển lãm sắp đặt quy mô lớn, trong cuộc chơi ngẫu hứng với sắc màu. Ánh nắng chiều xiên nhấp nhô theo những khối nhà càng khiến ngôi làng thêm sinh động. Ngắm tranh, tôi chợt nghĩ một triết lý vụn: Đời có thể không đẹp như tranh nhưng trong tranh vẫn thường có đủ chất liệu đời đan cài.

Làng bích họa Tam Thanh là kết quả của dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng do Quỹ Giao lưu văn hóa Hàn Quốc thực hiện liên tục trong 22 ngày với năm họa sĩ Hàn Quốc cùng tình nguyện viên của hai nước và sự giúp đỡ của dân làng. Loại hình mỹ thuật này đã được triển khai ở nhiều thành phố trên thế giới. Thế nhưng tại Việt Nam, Tam Thanh là làng bích họa đầu tiên.

Mừng mà lo 

Từ ngày trở thành “làng bích họa”, ngôi làng đông khách đến thăm hẳn, đặc biệt đông vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật và các dịp lễ. Người dân ở đây kể, có những ngày cuối tuần, khách đông nườm nượm, đi bộ chật kín cả con đường ngang qua làng cũng như các con hẻm nhỏ dẫn xuống biển. Hôm tôi đến là đầu tuần mà vẫn khá đông khách tham quan.

Làng bây giờ đã có nhiều nơi lắp wifi, người làng đã quen với cảnh các bạn trẻ tụm năm tụm ba chụp ảnh trước nhà mình. Rất nhiều ngôi nhà trong làng trương bảng giữ xe, bày hàng quán bán nước giải khát và đồ ăn vặt. Thậm chí, những chiếc nón lá cũng đã được thêm lên dòng chữ “làng bích họa” để khách mua về làm quà lưu niệm. Có gia đình còn trương bảng “bức bích họa gia đình” do chính họ được vẽ trên tường nhà để thêm sức thuyết phục cho du khách ghé thăm. Dân làng tỏ ra khá nhanh nhạy trong việc nắm bắt cơ hội để tập tành kinh doanh du lịch.

 

Giá cả ở đây rất dễ chịu khi giữ xe chỉ 3.000 đồng/chiếc, chai nước suối nhỏ 5.000 đồng/chai, nón lá 5.000 đồng/cái. Một ly chè đậu ván xoa xoa (một món chè phổ biến ở Quảng Nam - NV) chỉ 7.000 đồng. Một trong những mục đích của dự án vẽ tranh cho làng, bên cạnh mục tiêu cải thiện môi trường sống cho người dân, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường còn là góp phần giúp người dân địa phương có thêm điều kiện để phát triển du lịch.

Chỉ băn khoăn là khi tiếp xúc với công việc làm ăn, sự cạnh tranh, quyền lợi và những hệ lụy phiền toái hiển nhiên thường có khi làm du lịch liệu có ảnh hưởng đến lối sống và bản tính người dân nơi đây. Chẳng hạn, nhiều khi đơn giản là bãi xe nhà hàng xóm có khách vào gửi hoặc quán hàng xóm có nhiều người ghé hơn quán mình… liệu có thách thức tình xóm giềng gần gũi và sự chân chất, thân thiện vốn có ở người dân xứ này?

Đó là chưa kể nếp sống yên bình liệu có còn giữ được khi ngày nào cũng phải đón tiếp hàng ngàn khách thập phương đến nhìn ngắm, thoải mái leo bờ rào, í ới vào ra nhà mình để tạo dáng chụp ảnh?

Ra về, tôi cứ ngần ngại khi phải từ chối lời mời mua nước của một cậu bé con chừng năm, sáu tuổi sau khi đã từ chối lời mời của mẹ cậu, rồi nghe cậu nhỏ càm ràm rằng nhà mình chiều nay ế quá. Nhà cậu có bức bích họa vẽ chính gia đình cậu. Tôi không muốn nghĩ đó là điều khiến gia đình cậu bé cứ liên tục chào mời mỗi khi thấy khách ngang qua đưa máy ảnh lên. Chắc chắn vài năm trước, cậu bé này và lũ trẻ con trong làng cùng nhiều người làng chưa biết, chưa quen với chuyện bán buôn và mời chào hay chèo kéo khách.

Lo thì lo vậy nhưng cái gì cũng có hai mặt, rồi thì người ở làng cũng sẽ sớm nhận ra điều gì sẽ níu chân du khách. Hay là tôi nhạy cảm quá chăng? 

Xã Tam Thanh cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 70km về phía nam, cách Hội An 40km, cách trung tâm thành phố Tam Kỳ hơn 10km.

Đường đến làng Tam Thanh khá thuận tiện. Từ trung tâm thành phố Tam Kỳ, bạn đi theo đường Duy Tân rồi cứ thế chạy thẳng sẽ ra đến biển Tam Thanh. Nếu từ Hội An, bạn đi đường Trần Nhân Tông theo hướng cầu Cửa Đại, chạy suốt con đường ven biển nối Cửa Đại - Hội An với Tam Kỳ, gặp ngã ba thì rẽ trái theo lối chỉ dẫn vào làng. Nếu từ Đà Nẵng, bạn đi đường ven biển Đà Nẵng - Hội An đến phố cổ thì chạy thẳng theo đường đến cầu Cửa Đại.

Đường ven biển Cửa Đại - Tam Kỳ khá đẹp, vắng và nắng. Không có cây xăng và hàng quán dọc đường nên bạn cần lưu ý đổ xăng và chuẩn bị nước uống. Biển Tam Thanh rất đẹp và khá vắng. Nếu có thời gian, bạn không nên bỏ qua một lần tắm biển nơi này.

Bạn có thể kết hợp tham quan tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng (còn gọi là tượng đài mẹ Thứ) ở gần đấy, trên đường về lại thành phố Tam Kỳ. Đây là điểm đến quen thuộc của Tam Kỳ được Chính phủ đưa vào danh mục công trình văn hóa cấp quốc gia. Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại Quảng Nam được xây dựng trên tổng diện tích 15ha, dưới chân núi Cấm, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. 

Bài, ảnh: Lê Minh Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI