Về thăm nơi ấy Long Sơn

18/02/2020 - 07:15

PNO - Không chỉ lưu dấu những công trình kiến trúc cổ có hàng trăm năm, Nhà Lớn Long Sơn còn là nơi có nhiều phong tục lạ.

Cách TP. HCM chưa đầy 100km là ngôi Nhà Lớn Long Sơn từng được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là một di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia năm 1991. Ngôi nhà này hiện đang được bảo tồn và gìn giữ rất cẩn thận, nằm ở sườn Đông của Núi Nứa, thuộc xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhắc đến Nhà Lớn Long Sơn thì hầu như những nhà điều hành tour du lịch phương Nam đều biết bởi nó như một địa chỉ dành cho khách yêu thích loại hình du lịch phong cảnh, kiến trúc kết hợp với văn hóa tâm linh vốn dĩ đi vào tiềm thức của người Việt Nam.

Ở Nhà Lớn Long Sơn, khách thập phương sẽ được những người trông giữ tại đây đưa đi xem những Lầu Dài, Lầu Tiên, Lầu Trời, Lầu Phật... nhưng tuyệt đối không được phép đến gần Lầu Cấm là nơi tiền điện quan trọng dùng để cúng bái. Ở đây có những ngôi nhà khách rộng lớn, mát mẻ và vô cùng sạch sẽ dành cho khách thập phương tham quan. Đặc biệt, với những ai có nhu cầu nghỉ lại qua đêm hay dùng cơm chay, Nhà Lớn sẵn sàng thiết đãi mà không thu bất kỳ một khoản phí nào. Các bữa cơm do các dì, các mẹ là những cư dân bản địa Long Sơn chăm chút, chuẩn bị với tinh thần tương thân tương ái và vô cùng hiếu khách.

Tại Nhà Lớn Long Sơn, du khách có thể tìm hiểu về nghệ thuật kiến trúc theo lối cổ với các loại vật dụng, nội thất được làm bằng gỗ quý; xem tận mắt bộ tranh Vân Tiên khắc trên kính, chuyên chở những câu chuyện Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín ở đời.

Nơi đây hiện nay vẫn còn lưu giữ chiếc ghe lớn là phương tiện ngày xưa Ông Trần (tên thật là Lê Văn Mưu), người Hà Tiên đến đảo Long Sơn khai hoang lập ấp. Chiếc ghe ấy được lưu giữ cẩn thận như một sự tri ân, nhắc nhớ về bậc tiền hiền đã có công khai phá và dựng xây nên Nhà Lớn.

Ông Trần khi còn sống thường răn dạy con cháu lối sống chan hòa, tiết kiệm, đặc biệt là tinh thần bác ái, cưu mang đồng bào trong khốn khó nên rất được người dân nơi đây tôn kính. Họ học cách sống giản dị như ông. Nhiều người lớn tuổi đến nay vẫn trung thành kiểu để râu dài hoặc tóc búi tó, đi chân đất như câu xưa quen thuộc "là nam nhi đầu đội trời chân đạp đất".

Điều thú vị của bà con nơi đây đó là quan điểm "sống đồng tịch đồng sàng, chết đồng quan đồng quách". Họ thực hiện lễ cưới hoặc ma chay vô cùng giản tiện và tiết kiệm. Khi trên đảo có một người nào đó qua đời, họ tìm đến Nhà Lớn xin thỉnh lồng liệt (nơi đây gọi chuẩn là lồng liệt thay cho từ bao quan như thường thấy) về để làm đám xác. Người mất không để quá 24 tiếng (ví dụ: sáng tử chiều táng; chiều tử sáng táng) và dù giàu hay nghèo thì họ vẫn dùng chung nhau cái bao quan lưu giữ ở khu Nhà Lớn để đưa người quá cố về với đất. Thi hài sẽ được bó bằng đôi chiếu cói và một loại lá đặc trưng của địa phương. Nghi lễ đám xác gọn nhẹ và không quá hình thức, câu nệ.

Khách phương xa đến Nhà Lớn Long Sơn ngoài vãn cảnh, ngắm kiến trúc, tìm hiểu phong tục tập quán lạ của con dân đạo Ông Trần (đạo Ông Trần không kinh kệ, không mê tín dị đoan mà chỉ răn dạy những điều hay lẽ phải, bảo ban điều nhân nghĩa, sống thiện lành) còn có cơ hội ngao du sông nước để ngắm rừng đước. Ở đây du khách còn được tận mắt xem người ta nuôi hàu và thưởng thức các loại hải sản tươi sống.

Mênh mông rừng đước Long Sơn
Mênh mông rừng đước Long Sơn
Những bè hàu ở Long Sơn
Những bè hàu ở Long Sơn

Lễ Vía Ông Trần được Nhà Lớn tổ chức thường niên vào các ngày 19 và 20/2 âm lịch. Dịp này khách phương xa sẽ được thiết đãi những bữa tiệc chay thịnh soạn với các món ngon đặc biệt. Ngày này khách du lịch từ khắp nơi nhất là các tỉnh miền Tây đổ về Nhà Lớn rất đông. Họ đến thắp hương và tưởng nhớ bậc tiền hiền đã thương dân như con cháu.

Theo nhiều tài liệu, trong trận lụt năm Thìn lịch sử cách đây tròn 115 năm, ông Nhà Lớn đã từng xuất lúa để cứu giúp người dân các tỉnh miền Tây vượt qua khó khăn. Cũng vì mang ơn hạt gạo của tiền nhân mà đến nay, sau hàng trăm năm, sau mỗi mùa màng thu hoạch, không ai bảo ai, người dân miền Tây, đặc biệt là ở xã Nhị Bình, huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang đã tự giác tự nguyện chuyển hàng trăm dạ lúa lên tận Nhà Lớn để châm cho lẫm lúa được tràn đầy, để các dì, các mẹ nơi đây chăm chút bữa cơm thiết đãi cho khách thập phương.

Ngoài Lễ Vía Ông thì mỗi dịp Trùng Cửu (9/9 âm lịch) Nhà Lớn Long Sơn lại rộn ràng khách viếng.

 

 

Vẻ đẹp của Nhà Lớn Long Sơn
Vẻ đẹp của Nhà Lớn Long Sơn - Lầu Dài

 

 

Những căn nhà với kiến trúc kiểu Nam Bộ

Những căn nhà với kiến trúc kiểu Nam Bộ

 

Những dãy nhà dài sạch bóng, mát mẻ dành cho khách tham quan
Những dãy nhà dài sạch bóng, mát mẻ dành cho khách tham quan

 

Dàn bao lam chạm trỗ công phu
Dàn bao lam chạm trỗ công phu

 

Người dân Nhà Lớn rất hiếu khách. Họ luôn chuẩn bị sẵn nơi ăn chốn nghỉ cho khách thập phương
Người dân Nhà Lớn rất hiếu khách. Họ luôn chuẩn bị sẵn nơi ăn chốn nghỉ cho khách thập phương

 

Bà Lê Thị Kiềm - truyền nhân của Ông Trần
Bà Lê Thị Kiềm - truyền nhân của Ông Trần

 

Nơi lưu giữ chiếc ghe của ông Trần
Nơi lưu giữ chiếc ghe của ông Trần

 

Bài: Trương Quốc Phong

Ảnh: Quốc Phong - Lan Vi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI