Vẻ đẹp bất quy tắc của hoa văn vải nhuộm

28/08/2022 - 16:32

PNO - Bắt đầu xuất hiện trở lại trên bản đồ thời trang quốc tế từ hè 2019, đến nay, họa tiết loang màu vẫn giữ vững sức hút khác biệt.

 

Từng chỉ được biết đến như nét đặc trưng của văn hóa hippie và thể loại nhạc rock thập niên 1960, trào lưu tie-dye (kỹ thuật nhuộm thủ công bằng cách thắt/xoắn bề mặt vải tạo nên họa tiết loang màu ngẫu nhiên) đang tái xuất mạnh mẽ trên thị trường thời trang. Sau cơn đại dịch toàn cầu, trào lưu này không chỉ góp phần đem đến trải nghiệm nghệ thuật, niềm vui sáng tạo với nhiều người mà còn phản ánh một dấu ấn thiết kế đầy tính hoài niệm.

Mẫu sơ mi họa tiết nhuộm thắt thủ công của Proenza Schouler - ẢNH: PROENZA SCHOULER
Mẫu sơ mi họa tiết nhuộm thắt thủ công của Proenza Schouler - Ảnh: Proenza Schouler

Bắt đầu xuất hiện trở lại trên bản đồ thời trang quốc tế từ hè 2019, đến nay, họa tiết loang màu vẫn giữ vững sức hút khác biệt. Theo công cụ tìm kiếm uy tín Tagwalk chuyên về mặt hàng thời trang, cụm từ “tie-dye” thường xuyên nằm trong top 10 kiểu họa tiết trang phục được nam lẫn nữ giới ưa chuộng. Riêng vào mùa thu năm nay, đa dạng sắc thái loang màu được tìm thấy ở 16 bộ sưu tập thời trang nữ, mật độ xuất hiện tăng 139% so với cùng kỳ năm 2020 (theo dữ liệu thống kê từ Tagwalk). 

Trào lưu loang màu cũng được đông đảo người nổi tiếng quảng bá. Jennifer Lopez đặc biệt ưa thích đồ bộ thể thao của Polo Ralph Lauren với họa tiết loang màu cầu vồng bắt mắt. Năm 2020, Bella Hadid từng trực tiếp nhuộm 50 chiếc áo thun theo phong cách loang màu. Đây là dự án siêu mẫu người Mỹ cộng tác cùng hãng Chrome Hearts nhằm gây quỹ cho tổ chức cứu trợ Feeding America trong mùa dịch.

Họa tiết loang màu đem lại cảm nhận rực rỡ, lôi cuốn, càng trở nên phổ biến nhờ những thương hiệu thời trang danh giá như Louis Vuitton, Versace, Off-White, Tom Ford… Một số “ông lớn” khác của ngành mốt như Dior và Proenza Schouler thậm chí đã phát triển dòng sản phẩm đặc thù lấy cảm hứng từ trào lưu này.

Mẫu thiết kế với họa tiết loang màu của thương hiệu Baja East, bộ sưu tập xuân - hè 2021 - ẢNH: WWD
Mẫu thiết kế với họa tiết loang màu của thương hiệu Baja East, bộ sưu tập xuân - hè 2021 - Ảnh: WWD

Maria Grazia Chiuri, Giám đốc sáng tạo bộ phận thời trang nữ của thương hiệu Dior, thích thú trước việc ứng dụng tie-dye - một kỹ thuật nhuộm vải cổ xưa đã có mặt tại hàng loạt quốc gia với lịch sử thời trang dày dặn như Ấn Độ và Nhật Bản - để làm nên muôn vàn kiểu dáng họa tiết lý thú, đặc biệt trên bề mặt chất liệu độc đáo như ren. Nhà thiết kế gạo cội chia sẻ: “Họa tiết loang màu dễ nhắc nhớ chúng ta về quá khứ sôi động của thập niên 1960, 1970 - một không gian văn hóa vốn luôn khiến tôi say mê”. 

Nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc sáng tạo Jonny Johansson của thương hiệu cao cấp Acne Studios bày tỏ: “Loang màu càng thu hút công chúng vào thời điểm hiện tại, khi nhiều người đang muốn điều chỉnh thói quen tiêu dùng sản phẩm thời trang. Ngay từ quá khứ, nhuộm thắt vải đã được xem là một kỹ thuật sáng tạo họa tiết đẹp, thú vị, không đòi hỏi tay nghề cao mà vẫn có thể giúp bạn tái sử dụng nhiều loại trang phục”. 

Cho bộ sưu tập mùa thu 2021, nhà thiết kế gốc Thụy Điển đã làm mới nền vải bằng phương pháp tẩy và nhuộm chồng màu, tạo thành hàng loạt mẫu thiết kế với họa tiết hoa mềm mại, mang ấn tượng thoải mái như quần áo mặc nhà. “Thông qua trào lưu loang màu, tôi muốn truyền tải thông điệp về tinh thần tự do, cởi mở. Mỗi người đều có thể thử sức sáng tạo, xây dựng dấu ấn cá nhân với trào lưu nhuộm thủ công này. Bạn hoàn toàn có thể tự làm ra những mẫu họa tiết cho riêng mình”, Johansson nói. 

Dấu ấn loang màu nổi bật trong sô trình diễn của Dior năm nay - ẢNH: WWD
Dấu ấn loang màu nổi bật trong sô trình diễn của Dior năm nay - Ảnh: WWD

Bên cạnh đó, họa tiết loang màu còn phù hợp với đa số các loại vải mềm, nhẹ phổ biến hiện nay. Quy trình nhuộm đơn giản, dễ thực hiện ngay tại nhà. 

Tie-dye có sức hút càng đặc biệt hơn với bộ đôi nhà thiết kế Jack McCollough và Lazaro Hernandez (thương hiệu Proenza Schouler). Họa tiết này đã trở thành biểu tượng trên nhiều bộ sưu tập của họ trong suốt một thập niên. 

“Thoạt nhìn, tie-dye dễ gợi nhắc đến văn hóa phương Tây những năm 1960. Nhưng, kể cả với chúng tôi, thế hệ lớn lên trong thập niên 1990, họa tiết loang màu vẫn ẩn chứa dấu ấn hoài niệm riêng. Chúng tôi cũng rất hứng thú với kỹ thuật nhuộm thắt vải truyền thống của Nhật Bản, cụ thể là shibori”, hai nhà thiết kế chia sẻ.

Natalie Gibson, giảng viên chuyên ngành thời trang tại Đại học Nghệ thuật Central Saint Martins (London, Anh), đã giảng dạy về kỹ thuật nhuộm loang màu truyền thống từ khi bà bắt đầu đứng lớp vào năm 1964. “Tôi nghĩ tie-dye hồi sinh và cuốn hút hơn trong lúc này vì mọi người phải sinh hoạt tại nhà nhiều hơn. Chúng ta đang có xu hướng muốn tạo ra những sản phẩm thủ công. Nhuộm trang phục bằng kỹ thuật loang màu là phương cách đơn giản để bạn tìm thấy cảm hứng sáng tạo. Thật ra, đó là một trải nghiệm khá kỳ diệu vì bạn không bao giờ dự đoán chính xác được từng đường nét họa tiết, màu sắc xuất hiện trên mặt vải” - bà nói.

Mẫu đầm thuộc  bộ sưu tập thu 2021,  thương hiệu Altuzarra - ẢNH: WWD
Mẫu đầm thuộc bộ sưu tập thu 2021, thương hiệu Altuzarra - Ảnh: WWD

“Cơn sốt” họa tiết loang màu quả thật chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ian Bowers, Giám đốc điều hành George Weil & Sons - công ty có lịch sử lâu đời tại Anh chuyên cung ứng vật liệu thủ công - cho biết doanh thu những bộ sản phẩm nhuộm loang màu và màu nhuộm vải tự nhiên đã tăng gần 100% trong năm nay. 

Gibson, một nhà thiết kế giàu kinh nghiệm về kỹ thuật nhuộm vải, tin rằng tie-dye đang góp phần minh chứng cho mong mỏi đơn giản hóa nhịp sống của mọi người. 

Bà lý giải: “Trào lưu loang màu được phổ biến rộng khắp những năm 1960 giữa lúc số đông công chúng cảm thấy ngột ngạt trước nhiều đổi thay của đời sống. Khi ấy, bạn không thể mua những mẫu quần áo tươi vui, đề cao tính sáng tạo cá nhân. Trào lưu này được đón nhận trong bối cảnh như thế, nhất là bởi giới trẻ thời bấy giờ”.

Ngày nay, cảm nhận sáng tạo độc đáo Gibson đề cập vẫn phản ánh rõ nét qua nhiều sản phẩm loang màu của Proenza Schouler, vốn được nhuộm trực tiếp bởi đội ngũ tạo mẫu. Mỗi thiết kế, do đó, luôn mang tính độc nhất. 

“Có vô vàn hình thái họa tiết loang màu từng xuất hiện trong lịch sử thời trang thế giới. Chúng cũng đặc sắc như bề dày những nền văn hóa đã ươm mầm cho kỹ thuật nhuộm ấy, cũng phong phú như chính sức sáng tạo không biên giới của con người. Có thể nói, loang màu là một trong số ít họa tiết giới thiết kế sẽ luôn ưa chuộng để liên tục tái tạo, khám phá nó theo nhiều phương thức mới mẻ, thú vị hơn” - McCollough và Hernandez chia sẻ. 

Họa tiết loang màu rực rỡ trong bộ sưu tập  xuân 2021 của Tom Ford - ẢNH: TAGWALK
Họa tiết loang màu rực rỡ trong bộ sưu tập xuân 2021 của Tom Ford - Ảnh: Tagwalk

 

Như Ý (theo WWD)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI