Đạo diễn Lê Văn Kiệt: 'Nếu không có gì để nói, tôi sẽ không làm được phim'

21/01/2019 - 06:00

PNO - Lạ lùng thay, dù chưa bao giờ là cái tên thật nổi trên báo hay sở hữu phim lọt top doanh thu phòng vé như một số đạo diễn Việt kiều khác, Lê Văn Kiệt vẫn là cái tên được các nhà đầu tư tin tưởng.

Sau Dịu dàng - một cuốn phim đẹp và buồn - Lê Văn Kiệt trở lại điện ảnh với Hai Phượng - bộ phim thuộc thể loại hành động, giật gân - do Ngô Thanh Vân đóng chính kiêm nhà sản xuất. Bảy năm, kể từ sau Ngôi nhà trong hẻm, phim dài đầu tay của Kiệt tại Việt Nam, họ mới đủ duyên đồng hành cùng nhau trong một dự án điện ảnh mới.      

Dao dien Le Van Kiet: 'Neu khong co gi de noi, toi se khong lam duoc phim'
Đạo diễn Lê Văn Kiệt và Dustin Nguyễn 

Đạo diễn Lê Văn Kiệt là người vui tính, hay cà rỡn và không mấy quan tâm đến danh tiếng. Trước khi gặp anh, tôi không nghĩ một đạo diễn có những thước phim băn khoăn về mối quan hệ giữa người với người lại nhìn mọi thứ diễn ra xung quanh nhẹ nhàng và hài hước đến vậy. Còn Kiệt trước khi gặp tôi thì lúng túng vì… “có gì đâu mà nói”.  

Ít người biết, phim tốt nghiệp của Lê Văn Kiệt tại trường điện ảnh UCLA - Hoa Kỳ là một cuộn phim ngắn không lời thoại dài khoảng 15 phút có tên The Sound of Silence (2001). Phim xoay quanh việc một ông bố nấu bữa cơm cho con trong tâm trạng chẳng mấy thoải mái sau khi cãi nhau với vợ. Ông làm vì trách nhiệm đè nén, làm cho có thay vì chăm chút bữa ăn vì tình yêu thương.

Kiệt tập trung miêu tả âm thanh đanh, gọn của tiếng dao khi người bố chặt cá, thái rau, đặt để mọi thứ trong bếp. Đứa con ngồi đợi bố nấu bữa ăn cảm thấy căng thẳng. Nó “trò chuyện”/đáp lại âm thanh của bố bằng cách xếp ly bát trên bàn, có phong cách ăn uống hệt như cách người bố nấu cơm. Nghe âm thanh mô phỏng và nhìn hành động của con, người bố giật mình và bắt đầu trò chuyện cùng con. Câu chuyện kết thúc ở đó.

“Căng thẳng toát ra từ hành động nói nhiều hơn ngôn từ? Chẳng phải bạo lực đều phát sinh từ đó sao?” - Kiệt chia sẻ. The Sound of Silence đã giành được giải thưởng do huyền thoại điện ảnh Jack Nicholson trao tặng.

Dao dien Le Van Kiet: 'Neu khong co gi de noi, toi se khong lam duoc phim'
Cảnh trong phim Dịu dàng - một bộ phim đẹp và buồn

Khoảng thời gian bảy năm đi về giữa Việt Nam và Mỹ, Kiệt làm sáu bộ phim, với màu sắc riêng, dù được làm với mục đích phát hành thương mại hay theo hướng art-house. Hai trong số đó không thể ra rạp vì không qua được cửa kiểm duyệt, hai phim buộc phải cắt và điều chỉnh. Có một dạo, người trong nghề nói vui Kiệt là đạo diễn có phim bị cấm chiếu nhiều nhất Việt Nam. Kiệt cười và vẫn tiếp tục làm phim.

Lạ lùng thay, dù chưa bao giờ là cái tên thật nổi trên báo hay sở hữu phim lọt top doanh thu phòng vé như một số đạo diễn Việt kiều khác, Lê Văn Kiệt vẫn là cái tên được các nhà đầu tư tin tưởng. Là bởi sự độc đáo và dấu ấn của Kiệt trong lối kể chuyện và những khung hình.

Nghề phim cần đủ duyên và sự tương đồng góc nhìn

Phóng viên: Làm việc cùng Ngô Thanh Vân từ Ngôi nhà trong hẻm, hồi ấy Vân là một diễn viên; giờ đây, trong Hai Phượng Vân là nhà sản xuất, cuộc đồng hành này có thật sự... đồng điệu?

Đạo diễn Lê Văn Kiệt: Căng thẳng khi làm một bộ phim là điều không thể tránh được nhưng tôi đã chuẩn bị tinh thần. Trước khi kết hợp cùng nhau làm Hai Phượng, chúng tôi đã bàn tính khá nhiều trong thời gian Vân tham gia một số dự án tại Hollywood. Nghề phim không đơn thuần là công việc. Nó cần đủ duyên và sự tương đồng góc nhìn trong nhiều vấn đề. Như vậy mới đồng hành cùng nhau được.

Bây giờ, Vân hiểu biết về điện ảnh và sản xuất phim sâu rộng hơn. Đây là điều may mắn, vì tôi có thêm một cộng sự hiểu nhiều về công việc của mình, biết sắp xếp mọi thứ.

Dao dien Le Van Kiet: 'Neu khong co gi de noi, toi se khong lam duoc phim'
Lê Văn Kiệt

* Ý tưởng của Hai Phượng ra đời trong hoàn cảnh như thế nào?

- Trước khi có sự tham gia của tôi, Vân đã có ý định làm một bộ phim thuộc thể loại này. Khi bàn bạc cùng nhau, Vân nói rằng cô muốn làm một cuốn phim về tình mẫu tử nhưng mang chất giải trí hơn thay vì thiên về nghệ thuật mà vẫn có sự độc đáo. Trong khi mối quan tâm của tôi là về con người, những suy tư của họ.

Chẳng hạn, với Ngôi nhà trong hẻm là mối quan hệ giữa vợ chồng, là vợ chồng phải biết thông cảm, chia sẻ và tha thứ cho nhau; với Dịu dàng là đừng thay đổi khi quá muộn thì với Hai Phượng, tôi muốn xây dựng nhân vật là một bà mẹ nghĩ đã thoát được số phận nhưng thực tế không phải vậy.

Vậy là, chúng tôi dung hòa lẫn nhau. Một bộ phim hành động nhưng vẫn có nội dung cảm động, chạm vào trái tim người xem. Tôi mất một năm để hoàn chỉnh ý tưởng. Vân thuộc mẫu phụ nữ mạnh mẽ và giàu lòng yêu thương. Cô ấy đã thổi cho nhân vật tính cách và sức sống, tình yêu và trái tim của một người mẹ.

Nếu không làm phim, tôi chẳng biết làm gì!

* Anh có dễ chịu tác động bởi nhà sản xuất và diễn viên? 

- Tôi không nghĩ đó là sự tác động mà là lắng nghe để điều chỉnh cho hợp lý. Ở góc độ nghề nghiệp, tôi phải nghĩ xa hơn. Làm thế nào để cân bằng được giữa cái mình muốn và nhà sản xuất muốn, để phim có thể hút khán giả đến rạp. Và điều này phải xác định ngay từ đầu để thống nhất. 

Dao dien Le Van Kiet: 'Neu khong co gi de noi, toi se khong lam duoc phim'
Hậu trường Hai Phượng 

* Việc anh né đề cập hay diễn giải chi tiết có phải vì anh e ngại khâu kiểm duyệt?

- Cho đến hôm nay ngồi trò chuyện với bạn, phim vẫn chưa xong nên tôi không biết cái gì sẽ được duyệt, cái gì không. Tôi chỉ nghĩ chuyện duyệt phim không chỉ có ở Việt Nam. Ở Hollywood, đạo diễn phải duyệt phim với nhà đầu tư, truyền thông, phát hành. Nếu không đúng ý, họ còn không nói chuyện với mình nói gì đến chuyện sản xuất được phim. Không bao giờ đạo diễn có 100% tự do như mọi người vẫn nghĩ đâu. Có rất nhiều thứ, nhiều khâu và bộ phận chi phối. Cho nên tôi cứ bình tĩnh và làm theo từng bước một thôi. 

* Có khá nhiều phim bị ách lại tại cửa kiểm duyệt, điều gì đã giữ chân anh lại môi trường phim ảnh Việt Nam với sự kiên trì như thế? 

- Khi bạn dồn hết tâm sức, thời gian vào một bộ phim rồi nó không được ra rạp, đương nhiên bạn sẽ buồn, thậm chí xuống tinh thần. Tôi không nói về việc tôi hiểu về văn hóa kiểm duyệt ở Việt Nam hay ở Mỹ, nhưng tôi thật sự quan tâm đến yếu tố này khi làm phim. Nếu nó ảnh hưởng nhiều đến phim, tôi sẽ không làm. Ở góc nhìn của tôi, phim không qua được kiểm duyệt không phải vì nó nguy hiểm mà vì chưa tìm được tiếng nói chung.

Một bộ phim làm ra có thể vấp hai cú rớt. Một là duyệt, hai là phim tệ. Cú rớt thứ hai đau hơn chứ! Nếu chỉ có thành công thì con đường bằng phẳng quá. Bạn phải biết đứng dậy sau vấp ngã và lạc quan.

Tôi chọn nghề này vì đây là đam mê, là lựa chọn của tôi từ lúc còn trẻ. Các chị tôi rất giỏi, luôn dẫn đầu lớp và nhiều mặt khác trong đời sống. Đến lượt tôi, ở tuổi tốt nghiệp phổ thông, bỗng dưng thấy chán việc thi cử. Tôi nghĩ mình không thể làm điều gì thường xuyên mà thiếu đi sự thử thách. Lúc ấy, tôi thực sự không biết mình muốn gì. Vậy là tôi chọn văn học và điện ảnh để theo đuổi. Cho nên bây giờ không làm phim, tôi cũng không biết làm gì nữa. (cười lớn).

Trailer Hai Phượng:

 Mỗi lần ra phim trường là một thử thách

* Một số đạo diễn Việt kiều như Charlie Nguyễn, Victor Vũ có khá nhiều phim thành công. Đã lúc nào anh tự hoặc bị so sánh với họ?

- Phim đầu tiên của tôi tại Việt Nam - Ngôi nhà trong hẻm - thắng doanh thu nhưng lúc đó thị trường còn quá nhỏ. Tôi chỉ về Việt Nam khi quay phim hoặc ra mắt phim nên không am hiểu thị trường cũng như tình hình phim ảnh trong nước. Đó là lý do tôi thường cộng tác với những cộng sự người Việt. Bản thân tôi cũng thường xuyên đọc và tìm hiểu thêm về văn hóa, cuộc sống người Việt từ sách vở và đời sống.

Bạn hỏi so sánh ư? Không đâu! Tôi nói thật đấy! Cùng là những người làm phim, chúng tôi biết nhau cả dù hiếm khi gặp nhau. Có lẽ một phần vì văn hóa Mỹ, nơi chúng tôi lớn lên, không có sự kèn cựa, so sánh đó. Có thể vì thị trường Việt Nam quá rộng, quá mới chăng? Khán giả Việt thực sự là khán giả trong mơ với người làm phim. Họ sẵn sàng đón nhận cái mới và ủng hộ.

Chẳng hạn khi trailer Hai Phượng tung ra, dù chưa hài lòng một số điểm nhưng sự động viên của khán giả, như “Việt Nam cũng có thể loại phim này hả?” “Wow, không kém gì phim Hollywood” khiến tôi rất vui. Điều ấy cho tôi thêm rất nhiều động lực. Những sự bày tỏ tích cực như vậy rất hiếm trong thị trường phim ở Mỹ, châu Âu… Có lẽ không riêng tôi mà nhiều nhà làm phim cũng có cảm giác như vậy.

Với Hai Phượng, tôi thấy mình may mắn khi được góp tay vào một dự án mà ở đó, công nghệ làm phim của Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới. Thật vui khi chính mình được góp một chút sức với hy vọng đưa thị trường phim ảnh Việt sang một bước khác.

Dao dien Le Van Kiet: 'Neu khong co gi de noi, toi se khong lam duoc phim'
Đạo diễn Lê Văn Kiệt (giữa) cùng các cộng sự trên trường quay

* Thách thức lớn nhất của anh khi làm phim đến giờ là gì?

- Là mỗi khi on set (vào cảnh quay trên phim trường). Tôi thấy mình như một tờ giấy trắng, trống rỗng, không biết phải làm những gì để không bị thiếu, tránh phải quay thêm, gây lãng phí và tốn kém kinh phí, công sức của cả ê-kíp, sáng tạo của diễn viên. Thực sự rất khó! Nhất là khi mình muốn quá nhiều thứ mà không biết có làm được không. Thời gian thực hiện, nhân sự, thiết bị, diễn viên… tôi luôn tự hỏi liệu mình có bị tuột tâm lý không vì có quá nhiều phần phải kết hợp ăn ý với nhau mới ra được một cảnh như mong muốn. Tôi luôn bị ám ảnh vì điều này. Lúc đó, tôi thực sự sợ hãi.

* Thị trường phim Việt Nam chuộng những phim hài hước, tình cảm, còn anh, từ lúc bắt đầu đã chọn con đường hẹp hơn, khó đi hơn, vì sao vậy?

- Tôi xem phim thường xuyên và đọc sách nhiều. Tôi cũng không thể ngừng suy nghĩ về thân phận con người. Tôi thường thắc mắc tại sao họ như vậy, phía sau đó là gì? Do đó, phim của tôi xoay quanh mối quan hệ giữa con người với con người thay vì gò bó trong thể loại. Việc có khán giả hay không, tôi không đoán được. Nhưng tôi tin “bom tấn” sắp tới sẽ khiến khán giả khóc và mang theo chút dư âm về nhà.

Thị trường nào cũng vậy, làm những bộ phim chạm vào trái tim khán giả chắc chắn sẽ thắng. Ý tôi, không phải thời gian tới, tôi sẽ đuổi theo những bộ phim ngập nước mắt, mà là tôi không làm được phim về những gì tôi không hiểu. Một người làm phim phải có điều gì đó để nói về cuộc sống trong phim. Nếu tôi không có gì để nói, tôi không làm phim được. Tôi không phải là đạo diễn có thể làm thể loại phim nào cũng được.

Dao dien Le Van Kiet: 'Neu khong co gi de noi, toi se khong lam duoc phim'
Đạo diễn Lê Văn Kiệt (giữa) trên trường quay

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Đạo diễn Lê Văn Kiệt: Giá trị của bạn là những gì nằm ở ngày hôm qua

Có một câu nói mà tôi rất thích: “Giá trị tuổi trẻ của bạn là những gì nằm ở ngày hôm qua”. Cho dù thành công hay thất bại, nó vẫn thuộc về bạn. Khi phim không đạt doanh thu cao, tôi đâu còn là cái tên đủ sức thuyết phục để nhà đầu tư, nhà sản xuất tin tưởng. Làm điện ảnh là đầu tư kinh doanh mà, ai cũng phải quan tâm đến chi phí chứ.

Tôi thích James Wan (đạo diễn gốc Á tại Hollywood, đứng sau nhiều phim thành công như: Insidious, The Conjuring, Fast and Furious 7, Aquaman… - NV) và câu chuyện của anh ấy. Sau thành công của phim đầu tay, những phim sau đó của Wan đều thất bại. Các hãng phim không cho anh ấy nhiều kinh phí để làm phim tiếp theo nhưng Wan vẫn kiên trì và cuối cùng, anh ấy đã làm được với Insidious. Điều quan trọng nhất tôi học được là giữ vững tinh thần cho mình. Tôi cần làm việc, cần sáng tạo. Chính điều này tạo nên tôi. Do đó, tôi chưa bao giờ bỏ cuộc.

Khi mọi thứ đã ổn, tôi sẽ suy nghĩ và viết ra cái gì đó mới mẻ hơn. Khi bạn có một ý tưởng đủ tốt và hợp lý, chắc chắn nhà đầu tư sẽ chú ý đến bạn.


Hoàng Linh Lan (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI