Ưu tiên nhân lực để khoa học công nghệ bứt phá

16/04/2025 - 06:50

PNO - Sáng 15/4, trong phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Theo nhiều đại biểu, dự thảo cần thể hiện rõ hơn nữa vai trò của nguồn nhân lực.

Các nhà khoa học quốc tế  đến Việt Nam tham dự  hội thảo do Trường đại học  Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) tổ chức tháng 2/2025 - ẢNH: N.L.
Các nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam tham dự hội thảo do Trường đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) tổ chức tháng 2/2025 - ẢNH: N.L.

Cần chính sách thu hút nhà khoa học nước ngoài

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá, dự thảo luật đã thể hiện được tinh thần đổi mới, bám sát chủ trương trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, bà băn khoăn về các chính sách phát triển nguồn nhân lực KHCN và thu hút nhà khoa học là Việt kiều và người nước ngoài.

Theo bà, dự thảo luật đưa ra 10 nội dung chính sách về phát triển KHCN, trong đó lại xếp chính sách để phát triển nguồn nhân lực ở vị trí cuối cùng, sau chính sách về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, về phát triển thị trường khoa học và công nghệ, chính sách khuyến khích nghiên cứu… Cách xếp như vậy vô tình xem nhẹ chính sách nguồn nhân lực trong thứ tự ưu tiên, trong khi nhân lực là vấn đề cần ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, tạo đột phá.

Bà đề nghị cần có những tuyên bố rõ ràng hơn về việc thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực KHCN. Nghị quyết 57 nêu chủ trương ban hành cơ chế đặc thù để thu hút người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống có cơ chế đặc biệt về sở hữu nhà đất, thu nhập, môi trường nhằm thu hút, sử dụng, giữ chân nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia. Nhiệm vụ của dự thảo là luật hóa nội dung này, đồng thời đề ra chính sách rõ ràng cho các trường hợp là chuyên gia Việt kiều và người nước ngoài.

Đồng quan điểm, ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội - đề nghị ưu tiên vấn đề nguồn nhân lực và có quy định về sử dụng chuyên gia Việt kiều, người nước ngoài. Nếu không có chính sách cụ thể thì các đối tượng này sẽ lúng túng, e ngại cống hiến, đầu tư.

Đề cao trách nhiệm nhưng vẫn chấp nhận rủi ro

Theo Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Mạnh Hùng, một điểm đáng chú ý của dự thảo luật là giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu. Theo đó, cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi. Nhà nước quản lý mục tiêu, quản lý đầu ra, quản lý kết quả và hiệu quả nghiên cứu, không quản lý cách làm.

Ông giải thích: “Sự thông thoáng này khuyến khích các cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu và đẩy nhanh quá trình nghiên cứu. Nếu một dự án nghiên cứu không đạt được kết quả như kỳ vọng thì tổ chức nghiên cứu sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nghiên cứu”.

Theo ông, chấp nhận rủi ro ở từng nhiệm vụ, từng dự án cụ thể nhưng hiệu quả hoạt động vẫn được đánh giá trên tổng thể của tổ chức đó và chương trình nghiên cứu. Những tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí để tiếp tục phát triển. Ngược lại, những tổ chức hoạt động kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm nguồn lực.

“Việc giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu không có nghĩa là buông lỏng trách nhiệm mà tạo cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới, tạo động lực cho các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, mang lại những đột phá quan trọng”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Thẩm tra về nội dung này, Thường trực Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội đề nghị bổ sung đối tượng “tổ chức, cá nhân đề xuất, thẩm định đề án thử nghiệm” không phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự nếu tuân thủ đầy đủ quy trình liên quan đến cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Bên cạnh đó, dự thảo luật cần bổ sung quy định khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với nhiệm vụ KHCN, đổi mới sáng tạo mà không cần hóa đơn, chứng từ, góp phần đơn giản hóa thủ tục thanh, quyết toán.

Tháo “điểm nghẽn” trong hoạt động khoa học, công nghệ

Dự thảo Luật KHCN và Đổi mới sáng tạo cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lý giải, Luật KHCN năm 2013 quy định Nhà nước là chủ sở hữu của các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước. Đây là một điểm nghẽn lớn kéo dài trong thời gian qua. Việc tổ chức chủ trì được sở hữu kết quả nghiên cứu sẽ tạo sự chủ động trong việc thương mại hóa ngay sau khi kết thúc nghiên cứu. Nhà nước sẽ thu lại kinh phí đầu tư gián tiếp thông qua thuế, tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Đây là cách mà nhiều nước đã thực hiện.

Việc giao kết quả thực hiện nhiệm vụ cho tổ chức chủ trì về tổng thể sẽ tạo động lực cho các tổ chức nghiên cứu, tạo ra luồng sinh khí mới trong hoạt động KHCN, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI