Uống nước lá lộc mại, cụ ông nhập viện cấp cứu

30/05/2022 - 13:06

PNO - Sau khi uống nước đun lá lộc mại (còn gọi là du mại) một vài hôm, bệnh nhân xuất hiện vàng da, vàng mắt, nước tiểu đỏ.

Ngày 30/5, TS.BS Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết thời gian vừa qua BV tiếp nhận một số trường hợp ngộ độc lá cây lộc mại.

Đa số các trường hợp nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng do tan máu, kèm theo suy đa tạng.
Đa số các trường hợp nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng do tan máu, kèm theo suy đa tạng

Bệnh nhân thứ nhất là nam giới, 78 tuổi, uống nước đun lá lộc mại để chữa táo bón. Sau vài hôm, bệnh nhân xuất hiện vàng da, vàng mắt, nước tiểu đỏ, tiểu ít, kèm theo sốt và mệt mỏi nhiều nên được người nhà đưa đi cấp cứu.

Khi nhập viện, bệnh nhân rơi vào tình trạng lơ mơ, suy hô hấp, tụt huyết áp, da xanh, niêm mạc - củng mạc mắt vàng, vô niệu (không có nước tiểu). Xét nghiệm máu, bệnh nhân bị thiếu máu nặng, suy gan cấp, tổn thương thận cấp, rối loạn nước - điện giải và rối loạn toan kiềm.

Bệnh nhân nhanh chóng được cấp cứu và điều trị chuyên sâu bằng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp. Đồng thời được thở máy, lọc máu liên tục, lọc máu chu kỳ và thay huyết tương để hỗ trợ các tạng suy.

Ngoài ra, bệnh nhân còn phải truyền một khối lượng lớn máu và các chế phẩm máu. Hiện tại, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn đang phải điều trị và chăm sóc tích cực.

Bệnh nhân thứ hai là nam giới, 28 tuổi, đi ăn cỗ có món ăn được chế biến với lá lộc mại. Sau vài hôm, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, đi tiểu ít và nước tiểu màu đỏ.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt nhiều, da xanh, niêm mạc - củng mạc mắt vàng. Xét nghiệm máu có tình trạng thiếu máu nặng, suy gan cấp, tổn thương thận cấp và rối loạn nước - điện giải.

Được điều trị tích cực, truyền máu nhiều lần, hiện tại, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang được theo dõi sát tình trạng sức khỏe.

Theo bác sĩ Hoàng Công Tình, đa số các trường hợp nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng do tan máu, kèm theo suy đa tạng.

Bác sĩ Tình khuyến cáo, bà con không nên sử dụng lá lộc mại để làm thức ăn hoặc đun nước uống. Khi không may bị ngộ độc độc lá lộc mại, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được điều trị hoặc chuyển tuyến trên kịp thời.

Các trường hợp ngộ độc lá lộc mại, nhập viện trong tình trạng nặng, thường phải áp dụng các biện pháp điều trị chuyên sâu như: rửa dạ dày, thở máy, lọc máu, thay huyết tương, điều chỉnh rối loạn nước - điện giải và điều chỉnh rối loạn toan - kiềm máu mới có hy vọng được cứu sống.

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI