Tuyển sinh khối ngành sức khỏe: Đáng lo khi các trường thiếu hàng ngàn chỉ tiêu

12/10/2022 - 10:20

PNO - Hàng loạt trường khối ngành sức khỏe trên cả nước đang phải tuyển bổ sung chỉ tiêu với số lượng lớn. Điều này cho thấy những bất cập trong chính sách về tuyển sinh, học phí...

Hàng loạt trường khối ngành sức khỏe trên cả nước đang phải tuyển bổ sung chỉ tiêu với số lượng lớn. Theo các chuyên gia, tình trạng này cho thấy những bất cập trong chính sách về tuyển sinh, học phí và tuyển dụng đã tác động đến sự lựa chọn của thí sinh.

Có trường chỉ tuyển được 20-30% chỉ tiêu 

Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Trưởng khoa Y Đại học Quốc gia TP.HCM - cho biết năm nay, trường tuyển 200 chỉ tiêu ngành điều dưỡng nhưng đến hết đợt 1 mới được 50 chỉ tiêu (khoảng 25%). Do đó, trường đã phải thông báo tuyển bổ sung 160-170 chỉ tiêu ngành điều dưỡng và 16-20 chỉ tiêu ngành y học cổ truyền. 

Nhân lực điều dưỡng đang rất thiếu nhưng các trường đều khó tuyển sinh (trong ảnh: Sinh viên ngành điều dưỡng Trường cao đẳng Quốc tế TP.HCM thực tập tại bệnh viện) - ẢNH: P.T
Nhân lực điều dưỡng đang rất thiếu nhưng các trường đều khó tuyển sinh (trong ảnh: Sinh viên ngành điều dưỡng Trường cao đẳng Quốc tế TP.HCM thực tập tại bệnh viện) - ẢNH: P.T

Tương tự, Trường đại học Điều dưỡng Nam Định năm nay có 730 chỉ tiêu ngành điều dưỡng nhưng mới tuyển được 420 sinh viên. Bà Trần Thị Việt Hà - Phó Trưởng phòng Đào tạo nhà trường - cho biết: Năm ngoái, trường tuyển đủ 800 chỉ tiêu ngành điều dưỡng. Năm nay, trường đã cân nhắc hạ chỉ tiêu ngành điều dưỡng để điều chỉnh sang ngành khác, tuy nhiên sau đợt xét tuyển lần đầu vẫn bị thiếu hơn 40%. Vì thế, trường đã công bố tuyển bổ sung 260 chỉ tiêu ngành điều dưỡng và 160 chỉ tiêu ngành hộ sinh. 

Theo bà Trần Thị Việt Hà, một trong những nguyên nhân là do thí sinh chưa thích ứng được với cách xét tuyển mới. Trong khi các năm trước chỉ tiến hành lọc ảo với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, thì năm nay mọi phương thức tuyển sinh đều đưa lên hệ thống xét tuyển chung. Do vậy, có những thí sinh trúng tuyển sớm hoặc thí sinh tự do không nhập nguyện vọng lên hệ thống nên bị loại. Trường đã hỗ trợ cho thí sinh nhưng vẫn còn nhiều trường hợp như vậy.

Năm nay, số lượng trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm của trường là 560 thí sinh, sau bước đăng ký lên hệ thống lọc ảo chung còn 360 em, đến bước cuối cùng là xác nhận nhập học chỉ còn hơn 260 em. Mọi năm tỷ lệ xác nhận nhập học đối với phương thức xét tuyển sớm là khoảng 80%, trong khi năm nay chỉ còn 46%.

Trong khi đó, tại Trường đại học Y Dược Hải Phòng, điểm chuẩn năm nay giảm 0,6-3 điểm so với năm 2021. Đặc biệt, điểm chuẩn các ngành điều dưỡng và y học dự phòng giảm về sát điểm sàn nhưng vẫn thiếu nhiều chỉ tiêu. Với ngành điều dưỡng, năm nay, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường là 618, kết quả lọc ảo trả về số thí sinh trúng tuyển đến sát mức điểm sàn (19 điểm) chưa đến 140 thí sinh, trong khi chỉ tiêu là 200. Tương tự, ngành y học dự phòng với khoảng 250 thí sinh đăng ký xét tuyển, qua các vòng lọc ảo chỉ trả về 32 thí sinh, trong khi chỉ tiêu là 60. Do đó, trường đã thông báo tuyển bổ sung 155 chỉ tiêu cho các ngành này.

Tại Trường đại học Y khoa Tokyo Việt Nam (tỉnh Hưng Yên), năm nay tuyển sinh 266 chỉ tiêu cho bốn ngành sức khỏe nhưng chỉ tuyển được 74 chỉ tiêu. Trong đó, ngành điều dưỡng có 110 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 18 thí sinh, đạt hơn 16%. Do đó, trường đã thông báo tuyển bổ sung đợt 2 với số lượng hơn 200 chỉ tiêu.

Trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Trường đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên, Trường đại học Y Dược - Đại học Huế, Trường đại học Y khoa Vinh, Trường đại học Trà Vinh, Trường đại học Trưng Vương, Trường đại học Phenikaa, Trường đại học Hòa Bình, Trường đại học Tây Đô, Trường đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, Trường đại học Văn Lang… đều thông báo tuyển bổ sung các ngành về sức khỏe.

Quá nhiều rào cản cho thí sinh 

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - nhận xét: Tuyển không đủ chỉ tiêu là tình trạng chung của nhiều trường đào tạo nhóm ngành sức khỏe năm nay. Đáng lo ngại là không ít trường thiếu chỉ tiêu số lượng lớn. Bên cạnh nguyên nhân quy chế tuyển sinh thay đổi, việc tăng học phí của hàng loạt trường y dược thời gian qua cũng kéo theo sự chuyển hướng của thí sinh.

Nhiều trường công lập tăng mức học phí lên 50-70 triệu đồng, thậm chí hơn 100 triệu đồng/năm học là quá cao so với mặt bằng chung thu nhập người dân. Trong khi yêu cầu đầu vào cao, thời gian học dài, chương trình học nặng, nhưng ra trường công việc vất vả và mức lương thấp khiến nhiều thí sinh cân nhắc ngay từ khi đặt nguyện vọng xét tuyển. 

Theo ông Lê Viết Khuyến, mức học phí tăng cao đang tạo ra “rào cản” với những thí sinh thực sự có năng lực, đam mê nhưng không đủ khả năng kinh tế. Trong khi đó, vì thiếu chỉ tiêu nên nhiều trường phải hạ điểm chuẩn xuống sát điểm sàn và như vậy đã làm giảm chất lượng đầu vào của khối ngành sức khỏe.

Chủ trương tự chủ đại học không có nghĩa là chỉ chăm chăm tăng học phí. Hiện nay nhiều trường y dược đã xây dựng các bệnh viện thực hành đi kèm, đây không chỉ là nơi cho sinh viên thực hành, nghiên cứu, mà còn đem lại nguồn thu lớn cho các trường. Khoản thu này phải được sử dụng một phần để bù đắp cho chi phí đào tạo. Y dược là khối ngành đặc thù, liên quan đến đào tạo nhân lực chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng chính sách tuyển sinh và mức học phí phù hợp, với mục tiêu chính là thu hút những người có năng lực, tư chất chứ không nên đặt nặng vấn đề học phí.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM - chỉ ra một rào cản khác khiến thí sinh “quay xe” khỏi khối ngành sức khỏe. Đó là qua hơn hai năm dịch bệnh, nhân viên ngành y tế là lực lượng chịu áp lực công việc nặng nề, nguy hiểm nhưng thu nhập thấp, chế độ đãi ngộ không tương xứng. Điều đó đã tác động vào sự lựa chọn của thí sinh trong một, hai năm gần đây.

Chưa kể, hiện nay tuy các cơ sở y tế rất thiếu hụt nhân lực nhưng sinh viên ra trường lại khó tìm việc làm. Bởi, vẫn còn cơ chế xin cho trong công tác tuyển dụng tại các bệnh viện công. Hiện khối y tế công đang rất cần nhân lực nhưng chính sách tuyển dụng khắt khe, đòi hỏi bằng cấp, quen biết. Do đó, cần cơ chế tuyển dụng mềm dẻo, linh hoạt để những người có tay nghề, tâm huyết được dễ dàng tiếp cận cơ hội việc làm. Khi cải thiện môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế thì sẽ tác động trở lại đến sự lựa chọn của thí sinh. 

“Nếu không có giải pháp kịp thời, toàn diện thì tình hình nhân sự cho ngành y tế trong những năm tới đây sẽ rất đáng lo ngại. Theo tôi, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần ngồi lại để đưa ra chính sách đồng bộ cho bài toán nhân lực của ngành sức khỏe, ở cả khâu đào tạo, tuyển dụng và chế độ đãi ngộ” - ông Trần Anh Tuấn góp ý.

Trường “bao” đầu ra cho sinh viên, bệnh viện hoàn học phí 

Ông Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Quốc tế TP.HCM - thông tin: Thời gian qua, trường nhận được đặt hàng của rất nhiều bệnh viện về đào tạo nhân lực cho ngành điều dưỡng. Trước đây, hầu hết bệnh viện đều đòi hỏi trình độ đại học, tuy nhiên qua đợt dịch COVID-19, nhiều bệnh viện bắt đầu thay đổi quan điểm, chú ý đến sinh viên cao đẳng. Tuy cơ hội việc làm cho ngành này rất rộng mở nhưng trường gặp khó khăn trong tuyển sinh vì đầu vào rất ít. 

Năm nay, trường phối hợp Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) triển khai lớp cao đẳng điều dưỡng. Trong đó, sinh viên được học tại bệnh viện, được giảng dạy bởi các bác sĩ đầu ngành. Sau khi ra trường, sinh viên được nhận vào làm việc và được bệnh viện hoàn trả học phí. Với mô hình này, sinh viên vừa có tay nghề vững, không phải lo lắng về học phí lại vừa được “bao” đầu ra. Tuy vậy, trường cũng mới tuyển được 26 trong tổng số 80 chỉ tiêu.

Tại Trường đại học Phenikaa (TP.Hà Nội), để thu hút sinh viên ngành điều dưỡng, trường công bố giảm 20% học phí, đồng thời cam kết cơ hội việc làm cho 100% sinh viên. Tuy vậy, vẫn thiếu 95 trong tổng số 270 chỉ tiêu. Các Trường cao đẳng Y Dược Sài Gòn, Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn… cũng liên kết với các bệnh viện để đảm bảo đầu ra cho sinh viên ngành điều dưỡng.

Theo ông Nguyễn Đăng Lý, hiện nay, điều kiện tuyển dụng của các bệnh viện lớn là phải có trình độ đại học, trong khi với ngành điều dưỡng, chỉ cần trình độ cao đẳng là đáp ứng tốt công việc. Do đó, cần thay đổi chính sách tuyển dụng phù hợp thực tế, đảm bảo cơ hội việc làm cho sinh viên.

Phương Thanh 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI