Tuyển sinh đại học: tranh giành người học chỉ vì... lợi nhuận!

30/10/2017 - 08:40

PNO - Các trường đại học tranh giành người học chỉ vì doanh thu, bất chấp hậu quả sau này với người học sẽ thế nào.

Cuối tháng Mười, thời gian tuyển sinh cho năm học 2017 vẫn chưa kết thúc nhưng các trường đại học đã nhanh chóng ra quân hướng đến mùa tuyển sinh năm... sau.

- Em không đủ điểm đậu ngành tài chính - ngân hàng của ĐH Kinh tế - Không sao, em vẫn được học đại học (ĐH), cứ đăng ký xét tuyển vào trường bên chị, có ngành kế toán, marketing, gần với ngành em thích!

- Nhưng điểm thi của em thấp lắm - Không sao, các năm trước trường chỉ lấy chuẩn bằng điểm sàn.

- Em còn thấp hơn cả điểm sàn... - Thì trường có xét tuyển  bằng học bạ mà! Em cứ yên tâm nộp hồ sơ đi…

Tuyen sinh dại học: tranh gianh nguoi hoc chỉ vi... loi nhuan!
 

Đó là một đoạn đối thoại ngắn tại một buổi tư vấn tuyển sinh (TS) của một trường ĐH tư thục. Bằng mọi cách, các chuyên viên TS của trường phải thuyết phục, chèo kéo các bạn trẻ chịu vào học ở trường cho bằng được. Yếu tố năng lực, sự phù hợp ngành nghề… đều không đáng quan tâm.

Giữa thời buổi mà học sinh (HS) muốn rớt ĐH còn khó hơn... đậu thì việc thu hút TS đã thật sự trở thành cuộc chiến không khoan nhượng của các trường. Với danh nghĩa “hướng nghiệp”, hầu như trường nào cũng có một tour ra mắt HS các trường THPT từ Bắc chí Nam.

ĐH H. - một trường tư thục được xem là có đội quân TS hùng hậu nhất nhì hiện nay, thường có chiến thuật chia “quân” thành 2 cánh: một nhóm đi từ các tỉnh miền núi phía Bắc đổ vào Nam, nhóm kia xuất phát từ Trường THPT Ngọc Hiển (Cà Mau) - ngôi trường tận cùng của cực Nam, tuyên truyền cuốn chiếu ra hướng Bắc. Chiến dịch “hướng nghiệp” này thông thường kéo dài khoảng 2 tháng liên tục. 

Thời điểm cạnh tranh TS gay gắt nhất là ngay sau tết Nguyên đán - thời điểm vàng để các trường tiếp thị hình ảnh bằng cách tư vấn tận trường phổ thông, tổ chức những ngày hội quảng bá; phát cẩm nang, tờ rơi; thậm chí gửi thư, gọi điện thoại đến tận nhà cho từng HS… Trong những lần xuất hiện chung, trường nào cũng làm mọi cách để có bộ mặt ấn tượng hơn các đối thủ.  

Trước thực trạng đó, các trường ĐH công lập, lâu nay vốn chỉ có người học cần trường chứ trường không cần người học, cũng không thể đứng ngoài cuộc đua này. Dựa vào tên tuổi và uy tín vốn có, một số trường đã “đẻ” ra những hệ đào tạo kiểu chất lượng cao, chỉ dành cho những HS thiếu điểm nhưng thừa điều kiện kinh tế, với học phí gấp 3-5 lần hệ đại trà.

Có trường công dành đến 50% tổng chỉ tiêu TS cho hệ chất lượng cao này. Tuy nhiên, muốn kéo được HS vào hệ này cũng không dễ, phải có thêm chiêu trò. Hiệu trưởng một trường ĐH công lập lớn ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) đã định kỳ livestream, hoặc đến tận các quán cà phê để tư vấn cho HS những nội dung xoay quanh việc ngành nào bao nhiêu điểm thì đậu!

Cuộc chiến TS còn bị đẩy xa hơn: trường này “cài” HS sang đăng ký xét tuyển ở trường kia, canh me đối thủ có vi phạm quy định nào không để... tố ngay, khiến đối phương phải chia trí chia người giải quyết rắc rối. 

Có người học là sự sống còn của hầu hết các trường ĐH Việt Nam hiện nay, nên các trường đã và đang dồn toàn lực, dùng mọi tiểu xảo để giành giật HS vào trường mình. Từ mục đích “lựa chọn người học phù hợp”, việc TS nay đã biến tướng sang “nhiệm vụ” bằng mọi giá phải “kiếm cho đủ người học”, không cần tính đến việc người học có thật sự phù hợp với trường, với ngành đào tạo không!

Thực tế, những “người khổng lồ” như Harvard, Stanford… cũng tìm cách thu hút người học, nhưng lại bằng chính sách học bổng, bằng việc trải thảm đỏ để chào mời những HS giỏi. Cho dù “chiêu dụ” kiểu gì chăng nữa thì “đối tượng” họ tranh giành là những người phù hợp, xuất sắc và có tiềm năng thành công trên con đường học vấn, để bồi đắp thêm cho cái thương hiệu vốn đã “ngợp người” của họ.

Buồn thay, các trường ĐH của chúng ta thì tranh giành người học theo hướng... ngược lại, chỉ vì doanh thu, bất chấp hậu quả sau này với người học sẽ thế nào.

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI