Trường càng 'nổi', học sinh càng ngộp

28/10/2017 - 08:19

PNO - Khi đã vào các trường này, học sinh không chỉ gánh trách nhiệm duy trì thành tích của trường mà phải gánh thêm nhiều... bệnh tật học đường chỉ vì quá tải.

Sĩ số luôn vượt chuẩn, giáo viên, không “với” tới tất cả học sinh trong giờ chính khóa, chương trình học cũng nặng hơn trường khác… là mặt trái của những trường điểm, trường chuẩn quốc gia, trường có tiếng  của các địa phương, mà chỉ có phụ huynh và học sinh của các trường này mới hiểu... 

Truong cang 'noi', hoc sinh cang ngop
Các trường hot thường có sĩ số đông nghẹt - Ảnh: Nguyễn Phạm

Vừa vào cửa đã muốn chạy… tháo thân

“Lớp con tôi đến 50 học sinh (HS), bàn học xếp tràn đến sát bảng, nhìn phát ngộp. Con tôi cao nên may mắn không phải ngồi bàn đầu. Con đi học về, nhiều hôm thấy tập viết chưa hết, hỏi thì cháu giải thích tại lớp đông quá, cô không thể coi hết tập của tụi con trong một buổi. Trường cũng có sân và mảng xanh nhưng giờ ra chơi HS vẫn không có chỗ chơi vì chen chúc đông nghịt.

Tiếc môi trường sư phạm ở đây khá tốt, tôi định xin chuyển con sang lớp khác, nhưng lớp nào cũng trên dưới 50 HS. Tôi đã quyết định hết học kỳ này là chuyển con ra trường quốc tế, dù gì thì sĩ số ít, giáo viên có thời gian coi ngó từng HS nên vẫn tốt hơn”, chị T.T., phụ huynh (PH) một HS lớp Một Trường tiểu học (TH) Bế Văn Đàn (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết. 

Cùng với các trường TH Hồng Hà, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Trường TH Bế Văn Đàn… được PH truyền tai nhau là top trong những trường “hot” nhất quận. Mỗi mùa tuyển sinh, những trường “quyền lực” này trở thành mục tiêu cạnh tranh của những PH có điều kiện kinh tế. Thế nhưng, các PH không lường hết được vô số vấn đề phát sinh từ chính “cái tiếng” của trường. Trường TH Nguyễn Thái Sơn (Q.3, TP.HCM) được nhiều PH xếp vào top 3 trường TH của "quận nhà giàu" này.

Trái tuyến, muốn vào trường này không dễ. Nhưng vào rồi, nhiều PH mới “té ngửa” muốn chạy ra vì… lớp quá đông, áp lực học quá nặng. PH tên Y.P. than: “Nghe tiếng trường chuẩn nhưng vào học rồi mới thấy... vượt xa chuẩn. Không ai nghĩ HS lại đông kinh khủng như vậy. Nhưng, chật chội chỉ là chuyện nhỏ, áp lực học mới là chuyện lớn. Vào được đây thì 10 HS đã có đến 7-8 HS giỏi. Mẹ con tôi đã cùng cố gắng suốt mấy năm để “tồn tại” trong lớp tiếng Anh tăng cường, nhưng thấy con đu theo chương trình quá... đuối, xong học kỳ này tôi sẽ cho con chuyển trường”.

Nỗi khổ từ sự nổi tiếng

Hiệu trưởng một trường TH ước ao: “Chỉ cần giảm sĩ số HS/lớp xuống còn 40 thôi đã là lý tưởng với chúng tôi lắm rồi!”. Lời than này nghe có vẻ phi lý nhưng đó hiện đang là mong ước của rất nhiều người quản lý trường điểm, trường chuẩn tại TP.HCM. Danh tiếng của trường không chỉ khiến PH ngưỡng mộ, mà còn mang đến bao áp lực cho trường.

Truong cang 'noi', hoc sinh cang ngop
Trường tiểu học Lạc Long Quân

Trường TH Lạc Long Quân - một trong vài trường TH hiếm hoi của quận 11 đạt chuẩn quốc gia; tuy điều kiện giáo viên, diện tích… đều đúng chuẩn, nhưng sĩ số HS thì thường xuyên…“vượt chuẩn” với 45 HS, dù theo quy định, sĩ số HS mỗi lớp chỉ 35. Tương tự, nhiều trường chuẩn quốc gia tại TP.HCM đã đánh mất chuẩn, không thể nào khống chế nổi sĩ số HS. Còn HS, khi đã vào các trường này thì không chỉ gánh trách nhiệm duy trì thành tích của trường mà phải gánh thêm nhiều... bệnh tật học đường chỉ vì quá tải.

Chị L.T.M., PH một HS lớp Bốn Trường TH Lạc Long Quân, cho biết: “Dù giáo viên rất cố gắng nhưng cũng không thể sâu sát đến từng HS. Sau khi học ở trường về nhà, PH nào cũng phải kèm con mình học thêm vài giờ. Tôi không có thời gian nên đã phải kiếm gia sư kèm, cháu mới “gồng” được hết bài vở. Đó là chưa kể, khoảng cách từ bàn của con tôi đến bảng không đủ nên mới đi học mấy tháng đã bị cận, về là than mỏi cổ”.

Thầy Phan Văn Trí, Hiệu trưởng Trường TH Trưng Trắc (Q.11), đặt câu hỏi: Chạy vào các trường nổi tiếng là một thực tế phổ biến, nhưng liệu có cần? Học được hay không phần lớn do năng lực của HS quyết định. Nhiều PH cứ thấy trường có tiếng là muốn đưa con mình vào cho bằng được. Ở lứa tuổi TH, vấn đề quan trọng nhất là điều kiện phát triển thể chất, nhân cách; là môi trường có thể giúp trẻ quen với nền nếp, chứ không phải chuyện học kiến thức, nên chuyện trường có danh giá thế nào cũng không có bao nhiêu ý nghĩa. Hiện chúng tôi cũng đang nỗ lực để kéo giảm khoảng cách giữa các trường.

Theo thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh, Hiệu trưởng Hệ thống trường Việt-Mỹ, nếu HS có khả năng thực sự, tự lực vào trường điểm hoặc nhà ngay tuyến vào trường điểm (đối với bậc TH) thì nên chọn trường nổi tiếng. Về cơ bản thì những trường nổi tiếng vẫn có cơ sở vật chất đẹp, đội ngũ sư phạm tốt và nhiều HS chăm ngoan để tạo động lực thi đua và kéo theo con của bạn.

Tuy nhiên, PH cần hiểu thực lực của con mình và điều kiện tài chính, điều kiện cư trú của gia đình. “Đừng cố đẩy con vào trường top, chỉ làm khổ cả mình và con. Tôi từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp PH đem con tháo chạy khỏi những trường “đỉnh của đỉnh”. Sự phù hợp mới là quan trọng nhất khi chọn môi trường giáo dục con” - thạc sĩ Thịnh nhấn mạnh. 

“Tôi từng làm việc ở đủ dạng trường, từ trường công, tư lẫn quốc tế, nhưng cả cấp I và II, các con tôi đều học những trường bình thường trong quận, mà các cháu vẫn học tốt. Con gái lớn của đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Y Dược, con trai từ trường “làng” đậu vào Trường Phổ thông năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM”. 

Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI