Tự ý ngưng kháng sinh, trẻ bị biến chứng hư van tim

30/12/2017 - 12:00

PNO - Bệnh nhi đang điều trị bệnh thấp tim, thấy con ổn định, nhiều phụ huynh tự ý ngưng cho trẻ dùng kháng sinh, dẫn tới tình trạng viêm cơ tim tái phát, hư van tim.

Ngưng dùng kháng sinh, tính mạng trẻ bị đe dọa

Có những bệnh lý bắt buộc bệnh nhân phải dùng kháng sinh lâu dài, thậm chí suốt đời theo chỉ định của bác sĩ. Tự ý ngưng kháng sinh sẽ làm bệnh chuyển biến nặng, bệnh nhân có thể tử vong, dù sau đó điều trị được cũng phức tạp, tốn kém hơn.

Mới đây, bé gái tên P.N.M., 6 tuổi (ngụ Tây Ninh) được đưa vào Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, TP.HCM trong tình trạng nguy kịch. Năm 3 tuổi, bệnh nhi bị viêm họng do nhiễm loại liên cầu khuẩn đặc biệt. Do bé không được điều trị viêm họng dứt điểm đã tạo điều kiện cho liên cầu khuẩn tấn công vào tim, làm viêm cơ tim, tiến triển thành hở van tim.

Bác sĩ BV Nhi Đồng 1 điều trị hậu thấp tim bằng kháng sinh mỗi ngày cho bé M., kết quả tiến triển tốt. Tuy nhiên, thấy con gái hồi phục, mẹ bé tự ý ngưng không cho M. uống tiếp kháng sinh do sợ uống thuốc nhiều gây hại sức khỏe. Hậu quả, không lâu sau đó M. bị viêm cơ tim tái phát, hư van tim. Để cứu sống bệnh nhi, BV bắt buộc phải thay van tim, chi phí lên tới 2.000 USD.

Tu y ngung khang sinh, tre bi bien chung hu van tim
Phụ huynh tự ý cho trẻ ngưng dùng thuốc khiến nguy cơ bị viêm cơ tim tái phát

Chị T.T.D., 38 tuổi (Q. Gò Vấp), có con đang điều trị thấp tim, rất hối hận vì nghe lời bạn bè nên tự ý cho con ngưng dùng thuốc. Con gái chị là bé L.T.T., 8 tuổi, đã điều trị thấp tim 5 năm nay. “Tôi không thấy cháu có biểu hiện bất thường nên nghĩ chắc khỏi bệnh rồi. Ngày nào con cũng phải uống kháng sinh nên tôi xót ruột, sợ lâu dài ảnh hưởng đến gan, thận.

Ông bà nội cháu cũng trách vợ chồng tôi hay quan trọng hóa vấn đề, hở tí lại đưa con đi khám, uống thuốc, trong khi bé vẫn chơi đùa, khỏe mạnh”, chị D. kể. Do T. không được uống tiếp kháng sinh nên mệt, ngất xỉu. Chị D. đưa đi khám, bàng hoàng nghe bác sĩ kết luận con mình bị viêm cơ tim tái phát.

Các kết quả cận lâm sàng cho thấy tế bào van tim của bệnh nhi bị hủy hoại nặng. Nếu phẫu thuật không sửa chữa được thì bé T. phải thay luôn van tim mới mong giữ được mạng sống. 

Dù thay van tim cũng chỉ được từ 5-10 năm/lần

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín, khoa Tim mạch, BV Nhi Đồng 1 cho biết, nhiều bệnh nhi đang điều trị ổn định lại tự ý bỏ thuốc. Bệnh lý van tim (thấp tim) khởi đầu từ việc trẻ bị viêm họng do liên cầu khuẩn tán huyết beta nhóm A. Cấu trúc của loại liên cầu khuẩn này gần giống với cấu trúc của cơ tim và van tim.

Tu y ngung khang sinh, tre bi bien chung hu van tim
 

Khi cơ thể tạo kháng thể chống lại liên cầu khuẩn này, vô tình tấn công cả cơ tim và van tim của trẻ. Biểu hiện ban đầu lúc mắc bệnh, sau cơn viêm họng kéo dài dai dẳng bệnh nhi có biểu hiện đau thoáng qua ở các khớp, nếu liên cầu khuẩn tấn công tới tim, trẻ sẽ mệt mỏi khi chạy nhảy, thậm chí ngất xỉu lúc gắng sức.

Ở giai đoạn cấp tính của bệnh, trẻ thường bị viêm cơ tim nếu không được can thiệp kịp thời, để lại di chứng hậu thấp là hẹp van tim. Hiện nay, tại khoa Tim mạch có khá nhiều bệnh nhi ở thời kỳ hậu thấp đang được điều trị. Bệnh thấp tim còn do cơ địa. Không phải ai khi tiếp xúc với liên cầu khuẩn tán huyết beta nhóm A cũng mắc bệnh. 

Để phòng ngừa bệnh thấp tim ở trẻ, bác sĩ Tín khuyên phụ huynh không được chủ quan, phải điều trị tích cực khi con bị viêm họng. Với những người đã mắc bệnh cần uống kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Có những trường hợp bác sĩ yêu cầu uống kháng sinh tới năm 18 tuổi, nhưng có người phải uống kháng sinh suốt đời.

Hiện nay, tại Viện Tim, với những trường hợp hư van tim nhẹ, các bác sĩ cố gắng sửa chữa để giảm bớt gánh nặng chi phí cho người bệnh, tăng thích ứng ở góc độ sinh lý của cơ thể. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn sửa được, thay van tim lại rất tốn kém. Bệnh nhân sau phẫu thuật thay van tim còn dễ bị di chứng do phải uống nhiều loại thuốc lâu dài. Van tim sinh học có tuổi thọ 5 năm, van cơ học tuổi thọ khoảng 10 năm nên bệnh nhân còn phải trải qua nhiều lần phẫu thuật, điều trị rất phức tạp.

 Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI