Từ vườn trên sân thượng đến phiên chợ xanh gây quỹ giúp người

20/05/2022 - 10:48

PNO - Ban đầu chỉ nhằm tăng mảng xanh, phục vụ nhu cầu bữa ăn gia đình, nhưng lợi ích từ những “vườn rau sân thượng” đã được nhiều hộ gia đình hưởng ứng, đầu tư, để từ đó lan tỏa những ý nghĩa tốt đẹp hơn.

Những người "nông dân phố thị"

Đưa tay ngắt những bông so đũa để chuẩn bị cho bữa trưa, ông Lê Hồng Hải (ở số 488/14 đường Ba Tháng Hai, P.14, Q.10, TP.HCM) cho biết, đó là loại bông so đũa của Thái, giữa những cánh bông có màu hồng phớt, to mập hơn và vị ăn cũng khác so với bông so đũa ở ta. Chỉ có một cây vươn mấy nhánh từ thùng giấy trên sân thượng, nhưng ông Hải nói, bông cứ túc tắc ra hoài. Cứ cách vài hôm, ông lại xách rổ lên hái để nấu canh chua, nhưng dùng không hết phải nghĩ thêm món xào. Tiện thể, ông chỉ vào nhánh thanh long đang nhú bông, và đưa tay ngắt lấy trái cherry chín mọng ẩn mình giữa cành lá sum suê và lúc lỉu hoa trắng. 

Bà Tống Thị Hồng và những trái bí dài nửa mét trồng từ thùng xốp trên sân thượng
Bà Tống Thị Hồng và những trái bí dài nửa mét trồng từ thùng xốp trên sân thượng

Đứng giữa khu vườn xanh mát, ông Hải vẫn tiếc nuối vì không có nhiều không gian hơn để trồng thỏa thích: “Hồi xưa làm nhà, tôi chưa có ý định trồng rau. Tới đây chắc phải quy hoạch lại”. Trên khoảng sân thượng rộng chừng 40m2 là một vườn rau, từ rau gia vị, rau đay, cho đến bầu bí, khổ qua và đủ loại cây ăn quả. Không có nhiều không gian nhưng gì cũng thích trồng, ông Hải buộc phải phân tầng, những loại cây ưa nắng lên cao, loại chịu bóng râm thì len lách dưới thấp. Mà không chỉ trồng rau, ông Hải còn dành khoảng 10m2 trên sân thượng để nuôi gà và bồ câu. Khoảng 20 con bồ câu và 14 con gà đủ cung cấp cho gia đình ông nhu cầu thịt và trứng từ năm này qua năm nọ. Để khử mùi hôi, ông rải vỏ trấu dưới các ô chuồng rồi cứ khoảng mười ngày gom lại, dùng phân gà để bón cho cây, rồi cải tạo đất bằng chính rác thải thực vật. 

“Tôi phải trả giá bằng công sức trong hai năm mới có thể thưởng thức được rau trái tươi ngon, chất lượng nhà trồng”, ông Hải cho biết. Từ khi bắt đầu trồng rau để hưởng ứng phong trào vận động tại địa phương, ông đã có thời gian ngán ngẩm nhìn cây bệnh, chết trơ gốc. Nhưng vì yêu thích, ông kiên trì tìm hiểu từ nhiều nguồn để khắc phục. Đến nay, ông tự tin “bệnh nào của cây cũng bắt được” và rau nhà dư dả để chia sẻ cho hàng xóm. 

Từ sân thượng nhà ông Hải phóng mắt ra xung quanh, những giàn mướp, giàn bầu cũng bắt đầu xanh lên kể từ sau đợt dịch. Ông Hải cho biết, trước đó, mỗi đợt thu hoạch nhiều quá, ông mang chia hàng xóm. Thấy vị rau nhà trồng thơm ngon hơn hẳn, hàng xóm nhờ ông tư vấn cách trồng rau, thiết kế giúp các mô hình trồng rau thủy canh trên sân thượng. Cứ thế, màu xanh từ các vườn rau trên sân thượng lan tỏa trong khu phố.

Cũng tận dụng khoảng trống trên sân thượng rộng 50m2 mà bà Tống Thị Hồng (ở số 7A/34 Thành Thái, P.14, Q.10) ít khi phải tốn tiền mua rau mà còn có chủ đề để “í ới” trên Facebook. “Rau trái đã tới kỳ thu hoạch, chị em nào khó khăn có nhu cầu thì cứ đến nhé!”, bà thông báo. Ngoài các loại rau xanh gia đình yêu thích, gồm bồ ngót, dền, rau muống, rau thơm, sân thượng của bà Hồng luôn rợp bóng mát bởi những giàn dây leo cho quả luôn được trồng gối vụ nhau. 

Nâng trái bí đao dài nửa mét treo lủng lẳng trước mặt, bà Hồng cho biết, đó là một trong ba trái bí cuối cùng bà để dành để làm giống cho vụ sau. Bên cạnh những dây bí già rũ, giàn mướp kế bên bắt đầu kết trái, chuẩn bị thay thế bí đao. “Lúc đầu, tôi chỉ trồng rau để cung cấp cho nhu cầu của gia đình, không ngờ rau lên xanh tốt, tôi chia sẻ cho các chị em trong khu phố và cho phiên chợ gây quỹ của phường”, bà Hồng nói.

Phiên chợ xanh gây quỹ giúp người

Năm 2018, Hội LHPN P.14, Q.10 đã phát động phong trào “Vườn rau dinh dưỡng” tại hộ gia đình hội viên. Có hơn 300 hội viên đăng ký tham gia, trong đó có hơn 40 hội viên tham gia tích cực nhờ có không gian rộng. Rau xanh từ các vườn thường xuyên được trao tặng cho hàng xóm, hội viên khó khăn và những người neo đơn. 

“Phiên chợ xanh” của Hội LHPN P.14 có nguồn hàng chủ yếu từ các vườn rau trên sân thượng  và một vườn rau thủy canh của hội viên
“Phiên chợ xanh” của Hội LHPN P.14 có nguồn hàng chủ yếu từ các vườn rau trên sân thượng và một vườn rau thủy canh của hội viên

Nhận thấy nhiều hội viên hưởng ứng, năm 2020, Hội LHPN P.14 phối hợp các hội viên có vườn rau dinh dưỡng và một hội viên trồng rau thủy canh tổ chức quầy bán rau lưu động qua 12 khu phố và các chung cư mỗi tháng một lần. Lợi nhuận từ việc bán rau được dành cho các hoạt động chăm lo phụ nữ có bệnh hiểm nghèo, thẻ bảo hiểm y tế, quà lễ tết cho phụ nữ neo đơn, khuyết tật. Đầu năm 2021, quầy bán rau lưu động được phát triển thành mô hình “Phiên chợ xanh”.

Chị Trần Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội LHPN P.14, cho biết, mô hình được hình thành từ trăn trở làm sao có một nguồn quỹ quan tâm, động viên những phụ nữ kém may mắn. “Với mong muốn các dì, các chị hội viên có nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình nhưng không quên góp phần vào quỹ an sinh cho phụ nữ kém may mắn, đồng thời tạo điều kiện để các dì, các chị khởi nghiệp từ các sản phẩm sạch nên tôi nghĩ đến mô hình này. May mắn là được các cô hưởng ứng nhiệt tình, nên những vườn rau được duy trì trong thời gian dài”, chị Thủy chia sẻ. 

Trước những “Phiên chợ xanh”, chị Thủy phải đến từng nhà hội viên để cắt rau, phân công cán bộ Hội đứng bán trực tiếp tại các gian hàng và tổng hợp thu - chi. Chỉ trong những tháng phong tỏa vì dịch COVID-19, “Phiên chợ xanh” bán được 1.500kg rau, củ, quả các loại, thu được 15 triệu đồng chăm lo cho phụ nữ nghèo. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI