Từ cô bé nhặt ve chai trở thành giám đốc

26/05/2021 - 12:03

PNO - Sau nhiều năm bươn chải, chị Nguyễn Ngọc Bích đã gầy dựng được một công ty chuyên thu mua phế liệu, một nông trại lớn và là Mạnh Thường Quân luôn sẵn lòng sẻ chia với những cảnh đời khốn khó.

Từng nghĩ sẽ không bao giờ bám cái nghề lượm lặt ve chai lắm nhọc nhằn, nhưng có lẽ bởi duyên nghiệp, sau nhiều năm bươn chải, chị Nguyễn Ngọc Bích đã gầy dựng được một công ty chuyên thu mua phế liệu. Không chỉ vậy, chị còn sở hữu một nông trại lớn và là Mạnh Thường Quân luôn sẵn lòng sẻ chia với những cảnh đời khốn khó. 

Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Lai Ân do chị Bích làm giám đốc được thành lập năm 2014, có trụ sở tại khu phố 2, P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức, TP.HCM, chuyên thu mua, xử lý và tiêu hủy rác. Hai năm qua, do dịch bệnh, hoạt động của công ty gặp nhiều khó khăn, hàng gom về nhiều, bán ra ít, dịch vụ vận chuyển cũng thưa thớt, nhưng công nhân của công ty vẫn có thu nhập ổn định 300.000 đồng/người/ngày. “Tôi thà thế chấp nhà đất để xoay xở chứ nhất quyết không để công nhân thiếu thốn, mất việc. Hiện có 28 anh chị em làm việc với tôi, đa phần đều đang ở trọ. Tôi ấp ủ xây một khu nhà tập thể kiểu dưỡng lão cho anh em, ai yếu sức không còn làm được việc nặng thì tôi bố trí việc nhẹ hơn hoặc chuyển qua nông trại trồng rau quả”, chị Ngọc Bích thổ lộ.

Chị Bích vẫn xốc vác làm việ cùng công nhân

49 tuổi, nhưng chị Ngọc Bích đã có gần 40 năm bươn chải. Sinh ra tại Q.3, TP.HCM, trong một gia đình có bảy chị em, mẹ làm công nhân nhà máy dệt, ba là tài xế xe buýt, học hết lớp Sáu, chị Bích đã phải lao vào cuộc mưu sinh bằng nghề lượm ve chai. Lộ trình cuốc bộ lượm ve chai mỗi ngày của cô bé 12 tuổi là từ Q.3 qua Q.1, Q.5 rồi trở về Q.3. Chị kể: “Mẹ làm công nhân một thời gian thì sắm xe đạp đi mua ve chai ở khu vực Hóc Môn, còn mấy chị em tôi đi nhặt nhạnh thêm. Lớn hơn một chút, tôi qua Q.8 làm trong phân xưởng sản xuất bàn chải giặt quần áo, 15 tuổi bắt đầu nhảy xe theo ba đi giao than, giao cá. Công việc khuân vác nặng nề không làm mình buồn bằng mỗi khi nghĩ đến cảnh bạn bè được đi học. Những lúc như thế, tôi cắm mặt xuống, vừa đi vừa khóc. Mỗi khi đi ngang qua trường, lớp nào đó, tôi lại nhón chân lên dòm thầy cô dạy học. Sau này, tôi học bổ túc hết cấp II, học thêu, học đan từ các xơ, cái gì cũng được dạy miễn phí”. 

18 tuổi, chị Bích sinh con gái đầu lòng. Chẳng may bé mắc bệnh ung thư máu. Bây giờ nhớ lại, chị vẫn không kiềm được xúc động: “Nhà bị cháy rụi, ba mẹ quyết định bán luôn miếng đất, chuyển xuống Thủ Đức mở vựa ve chai. Tôi sống cùng bà ngoại ở Bình Thạnh, nhưng kỳ thực ở bệnh viện là chính. Bà ngoại tôi đã bán nhà để hỗ trợ tiền chạy chữa, bé gắng gượng tới sáu tuổi thì ra đi”. 

Mất nhiều thời gian chị Bích mới ổn định tinh thần. Hồi ấy, vựa ve chai của mẹ chị vỏn vẹn 40m2. Phải đến năm 2004, khi sinh con gái út, ý nghĩ phát triển vựa của mẹ thành công ty mới manh nha trong đầu chị Ngọc Bích. Chị tâm tình: “Vào đầu những năm 2000, sức khỏe mẹ đã yếu, bà không kham nổi công việc, nhưng bỏ thì tiếc. Tôi chẳng thích công việc này, nhưng không phủ nhận nhờ nó mà chị em tôi có cái ăn, cái mặc. Được chồng động viên, tôi nhủ lòng, cứ liều một phen coi sao”. 

Thay vì thu mua lẻ, chị Bích thuê xe tải, thu mua phế liệu tại các khu công nghiệp Đồng An, Bàu Bàng, Việt Hương (tỉnh Bình Dương). Lúc đầu, vừa thuê xe vừa thuê tài, về sau chị Ngọc Bích học lái rồi tự cầm vô lăng. Chị nói, mình làm riết từ nhỏ thành quen, những gian truân này chẳng nhằm nhò gì, nhưng có một đợt “hút chết”. Đó là khoảng năm 2008, 2009, lúc thu mua sắt với giá 8.000 đồng/kg, nhưng lúc bán ra thì chỉ còn 2.000 đồng/kg. May mắn là trước đó chị đã mua được mảnh đất ở tỉnh Bình Dương, nên lúc gặp khó chị bán đi xoay xở. 

Chị Bích (thứ hai từ trái) tham gia công tác xã hội từ thiện 

Lai Ân hiện có kho tập kết phế liệu rộng hơn 500m2 và sáu chiếc xe tải, vừa thu gom, vừa nhận vận chuyển, xử lý rác công nghiệp. Bên cạnh công việc chính, mấy năm nay, chị Ngọc Bích còn bắt tay vào làm nông tại thị xã Tân Uyên và thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, trồng cao su, mít, các loại rau, nấm đùi gà trong nhà lưới có hệ thống tưới phun tự động với tổng diện tích 22.000m2. Công nhân của chị, dù ở đâu cũng được chăm lo tận tình. Người có miếng đất nhỏ ở quê nhưng mãi chưa cất được nhà, chị giúp tiền làm. Người cần mua xe máy, chuẩn bị cưới vợ, chị vui vẻ giúp. Dì Lâm Thị Bảy, 65 tuổi, quê ở Cần Thơ, tâm sự: “Tuy là chủ nhưng cô Bích vẫn ra xốc vác phân loại phế liệu với tụi tôi hoài. Làm cho cô, tôi không sợ bị khất lương hay mất việc vì dịch bệnh. Tình hình này mà mỗi ngày vẫn kiếm được 300.000 đồng, tôi mừng dữ lắm”. 

Khi kinh tế dễ thở hơn, mỗi lần đi thu gom rác, hễ thấy các cụ già bán vé số, lượm ve chai, chị Bích lại dừng xe hỏi thăm, theo về tận nhà tìm hiểu hoàn cảnh để kịp thời hỗ trợ gạo và tiền chợ hằng tháng. Chị cũng tham gia Hội Từ thiện Tzu Chi Đài Loan tại Việt Nam. Thành viên hội đi khắp mọi miền đất nước, khảo sát từng hoàn cảnh, từng nguyện vọng giúp đỡ để trao học bổng cho học sinh - sinh viên, tặng thực phẩm và tiền sinh hoạt đến bà con nghèo. 

Ở TP.Thủ Đức, chị Ngọc Bích là gương mặt quen thuộc trong các đợt hiến máu tình nguyện, các hoạt động từ thiện do đoàn thể địa phương khởi xướng. Chị Nguyễn Thụy Khánh - Chủ tịch Hội LHPN P.Bình Chiểu, cho biết: “Hiện, chị Bích đang nhận đỡ đầu hai hộ hội viên phụ nữ đơn thân khó khăn. Dù có thời điểm kinh doanh bị chững lại vì dịch bệnh nhưng chị vẫn duy trì ủng hộ Hội 20-30 triệu đồng mỗi năm để chăm lo, sửa chữa nhà tình thương cho bà con nghèo…”. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI